Một Luật sửa nhiều Luật thể hiện sự chủ động, năng động của Quốc hội

06/01/2022 - 14:25

Sáng 6-1, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu thảo luận tại tổ sáng 6-1. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành dự án Luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy trình, thủ tục để thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; thể chế hóa các văn kiện của Đảng và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.  

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang, chia sẻ:  Đây là một dự án Luật khó, phức tạp, chưa có tiền lệ mà Quốc hội lần đầu cho ý kiến, các nội dung chính sách có ý nghĩa, tác động lớn đến kinh tế, xã hội nước ta trong thời gian tới. Đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát tổng thể, chi tiết các nội dung sửa đổi để đảm bảo tính khả thi. Các nội dung sửa đổi cần bám sát tinh thần phân cấp, phân quyền gắn liền với thanh tra, kiểm tra, gắn trách nhiệm với người đứng đầu trong triển khai thực hiện; khơi thông các nguồn lực, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp; tạo sự minh bạch, giảm thiểu các thủ tục hành chính; phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp…

Nhiều đại biểu cho rằng, hồ sơ dự án Luật đã được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu về việc ban hành Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại điểm a khoản 1 Điều 149 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đã tiếp thu nhiều ý kiến, báo cáo bổ sung thông tin, giải trình nhiều nội dung theo yêu cầu của Tổng Thư ký Quốc hội và ý kiến thẩm tra sơ bộ của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Theo đại biểu Phan Đức Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp đỡ các doanh nghiệp phục hồi và phát triển, thể hiện sự quyết tâm, hành động của Chính phủ nhằm tháo gỡ những vướng mắc về thể chế cho doanh nghiệp nhanh nhất có thể.

Còn đại biểu Ngô Trung Thành, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, là một dự án Luật lớn, tổng hợp, bao hàm rất nhiều chính sách lớn ở các lĩnh vực khác nhau, thể hiện sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Việc sửa đổi dự án Luật này còn thể hiện sự chủ động, năng động của Quốc hội, đảm bảo tính kịp thời và tinh thần đồng hành với Chính phủ để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn về thể chế, khơi thông các nguồn lực, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển, vì lợi ích của đất nước, đáp ứng sự mong mỏi của doanh nghiệp, người dân.

Liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền quyết định chủ trương đầu tư cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với các dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài như vậy sẽ giảm thiểu được các thủ tục hành chính, mang lại hiệu quả phù hợp hơn.  

Tuy nhiên, đại biểu Vũ Tuấn Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ bày tỏ băn khoăn, tại sao dự thảo Luật chưa bổ sung  nội dung phân quyền cho cả các dự án nhóm A để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án và tăng trách nhiệm đối với thủ trưởng cơ quan chủ quản đối với các dự án này.

Quan tâm đến nội dung này, đại biểu Lê Minh Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đề nghị dự thảo Luật cần có quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn về trách nhiệm của các Bộ, ngành khi quyết định các chủ trương đầu tư.

Theo chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, trong phiên họp chiều 6/1, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về: Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Theo V.T (Báo Tin Tức)