Câu lạc bộ ấy ở khóm Nguyễn Du (phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên), góp phần xây dựng xã hội học tập bằng tình thương, sự bao dung và cảm thông dành cho những đứa trẻ. “Đặc biệt” ở đây nhằm chỉ những em tham gia câu lạc bộ chỉ thuộc khóm Nguyễn Du và tất cả đều có hoàn cảnh đáng thương. Mỗi em là 1 hoàn cảnh nhưng có điểm chung là nghèo khó, thiếu hụt tình thương của gia đình, cần sự quan tâm, yêu thương, dạy bảo. Nhớ lại những năm đầu thành lập Câu lạc bộ “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo” (gọi tắt là Câu lạc bộ ông bà cháu) ở xóm lao động nghèo, chú Nguyễn Hữu Thời (68 tuổi, một người cựu chiến binh, ngụ khóm Nguyễn Du) vẹn nguyên cảm xúc. “Ngày đó, trẻ em ở khóm này phần đông không được học hành đến nơi đến chốn, con nhà nghèo nên thiếu vắng sự bảo bọc, thương yêu của gia đình, các cháu hay trộm cắp vặt, chửi thề, gây gỗ đánh nhau... Tôi xin ý kiến Đảng ủy, UBND phường Mỹ Bình thành lập Câu lạc bộ ông bà cháu và được chấp thuận. Năm 1988, câu lạc bộ chính thức ra mắt với 6 ông bà và 6 cháu. Ông bà là những người cao tuổi, có uy tín ở địa phương được mời tham gia dìu dắt, giáo dục những đứa cháu “đặc biệt”. Vì chưa hiểu hết mục đích của câu lạc bộ, thời gian đầu khi vận động gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại”- chú Thời kể lại.
Khen thưởng, tặng quà các cháu có thành tích học tập tốt
Câu lạc bộ sinh hoạt 1 tháng/lần theo từng chủ đề khác nhau như: ý nghĩa ngày lễ, Tết, ngày sinh nhật Bác Hồ, sinh nhật Bác Tôn, ngày Nhà giáo Việt Nam... Trong mỗi buổi gặp gỡ, ông bà đều cố gắng lồng ghép kỹ năng sống và không quên giáo dục đạo đức cho các cháu. Đặc biệt, mỗi lần sinh hoạt, chú Thời đều trích lương hưu của mình mua và tặng quà, bánh khích lệ tinh thần các cháu. Sau 1 năm thành lập, đạo đức các cháu được cải thiện rõ, đã biết “đi thưa, về trình”, phụ giúp ba mẹ làm việc nhà, không trộm cắp vặt. Vậy là, mọi người “ùn ùn” dẫn con đến xin tham gia câu lạc bộ và duy trì hoạt động đến tận bây giờ. Hiện, câu lạc bộ có 69 cháu trong độ tuổi từ 9-15 (có cả những em ở Lớp học tình thương Nguyễn Du) tham gia và 7 ông bà. Ông bà ngoài những người lớn tuổi còn là những anh, chị đại diện đoàn thể, khóm. Mỗi người phụ trách 7-8 cháu.
Ngoài những buổi sinh hoạt, ông bà thường đến nhà hỏi thăm tình hình học tập, thăm nom sức khỏe và nắm bắt tâm tư, tình cảm các cháu, nhờ thế đã kịp thời giúp đỡ những cháu gặp khó khăn. Với nụ cười mãn nguyện, chú Thời tự hào “khoe” rằng, có cháu ngày xưa quậy lắm nhưng nhờ tham gia câu lạc bộ mà biết học hành và đã có công ăn việc làm ổn định! Các cô chú có quyền tự hào về điều đó, bởi không gì hạnh phúc hơn khi “hướng thiện” được 1 con người. Và, “ông bà” trong câu lạc bộ chẳng khác nào người thân thật sự khi luôn có những trăn trở, suy nghĩ làm thế nào để “con cháu” mình tốt hơn từng ngày.
Các em nhỏ đưa vui chơi, hướng dẫn kỹ năng khi tham gia câu lạc bộ
“Em tham gia Câu lạc bộ ông bà cháu được 3 năm và rất thích mỗi khi đến kỳ sinh hoạt, vì được dạy bảo nhiều điều hay và vui chơi thỏa thích. Nhờ ông bà dạy bảo, em biết dành nhiều thời gian phụ giúp ba mẹ và chăm chỉ học tập”- em Trần Thị Thảo (12 tuổi, học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Du, phường Mỹ Bình) bộc bạch. Tôi ngưỡng mộ và trân trọng những gì cô chú đã và đang làm cho những mảnh đời bất hạnh, cơ nhỡ của xóm lao động nghèo này. Việc “trồng người” bắt đầu từ gia đình và các cô chú chính là gia đình thứ 2 của các em, đã giúp địa phương xây dựng xã hội học tập tốt đẹp hơn từng ngày. “Năm 2010, tôi tham gia Câu lạc bộ ông bà cháu với suy nghĩ đơn giản là giúp các cháu nghèo khó biết được lễ nghĩa, quý trọng ông bà, ba mẹ và yêu quý tương lai của chính mình. Anh Thời nghĩ ra cách khích lệ các cháu học tập rất hiệu quả là khen thưởng thành tích vào cuối năm học. Cháu nào đạt loại giỏi được thưởng 100.000 đồng, khá được thưởng 50.000 đồng. Những cháu chưa đạt thì cố gắng phấn đấu để năm học sau được như bạn mình” - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ ông bà cháu Bùi Thị Bảy chia sẻ thêm.
PHƯƠNG LAN