Công tác thẩm định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành tư pháp, đòi hỏi chất lượng công tác thẩm định đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) tiếp tục được nâng cao. Năm 2024, Bộ Tư pháp đã thẩm định 33 đề nghị xây dựng VBQPPL và 176 dự án, dự thảo VBQPPL; tổ chức pháp chế các bộ, ngành đã thẩm định 692 dự thảo VBQPPL; các địa phương đã thẩm định đối với 365 đề nghị xây dựng VBQPPL và 8.058 dự thảo VBQPPL. Công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL được Bộ Tư pháp và nhiều bộ, ngành, địa phương tăng cường thực hiện, có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, Bộ Tư pháp đã tham mưu triển khai hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống VBQPPL nhằm khẩn trương rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật, đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV xem xét, ban hành 3 luật sửa đổi 13 luật trong lĩnh vực tài chính, kế hoạch đầu tư để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, cản trở sự phát triển. Năm 2024, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành đã tiếp nhận, phân loại, kiểm tra 6.099 VBQPPL. Riêng tại Bộ Tư pháp đã tiếp nhận, phân loại, kiểm tra 3.040 văn bản, các địa phương đã kiểm tra theo thẩm quyền 5.195 VBQPPL.
Công tác tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật tiếp tục được ngành tư pháp quan tâm thực hiện, bám sát các lĩnh vực trọng tâm, liên ngành của từng năm, gắn kết chặt chẽ công tác xây dựng pháp luật, đạt được nhiều kết quả, quyết liệt thực hiện các giải pháp để hạn chế việc chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết. Công tác hòa giải ở cơ sở đạt được một số kết quả nổi bật, cả nước đã tiếp nhận 97.082 vụ việc, tỷ lệ hòa giải thành trung bình là 84,8%, An Giang là một trong số địa phương có tỷ lệ hòa giải thành cao. Năm 2024, cả nước đã thụ lý mới 39.641 vụ việc, hoàn thành 37.343 vụ việc (tăng 13% so cùng kỳ năm 2023), trong đó tham gia tố tụng hoàn thành là 30.538 vụ việc (tăng 19% so cùng kỳ năm 2023).
An Giang tham dự hội nghị trực tuyến tổng kết ngành Tư pháp năm 2024
Công tác thi hành án dân sự tiếp tục được kiện toàn, ngày càng hoạt động hiệu lực, hiệu quả, chuyên nghiệp. Trong năm, đã thi hành xong 620.657 việc, tăng 45.838 việc (tăng 7,97%) so cùng kỳ năm 2023; đạt 83,88% (tăng 0,62%) so cùng kỳ năm 2023, cao hơn 0,63% so chỉ tiêu giao. Về tiền: Đã thi hành xong hơn 116.531 tỷ đồng, tăng hơn 27.119 tỷ đồng (tăng 30,33%) so cùng kỳ năm 2023; đạt 51,84% (tăng 5,06%) so cùng kỳ năm 2023, cao hơn 5,39% so chỉ tiêu được giao. Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp, nuôi con nuôi tiếp tục được thực hiện nền nếp, kịp thời giải quyết các nhu cầu của người dân, bám sát các quy định trong VBQPPL, nhiệm vụ giao tại các đề án trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, đạt được nhiều kết quả.
Công tác trợ giúp pháp lý đã được triển khai đồng bộ gắn kết chặt chẽ với triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia. Chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý ngày càng được nâng cao, thực sự là công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý... Công tác thanh, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được ngành Tư pháp quan tâm chỉ đạo, tiến hành thường xuyên; tập trung vào thanh tra đột xuất, thanh tra các cơ quan, tổ chức có dấu hiệu vi phạm pháp luật và lĩnh vực do ngành Tư pháp quản lý có nhiều bức xúc, dư luận xã hội quan tâm.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng khẳng định, một số lĩnh vực công tác của ngành Tư pháp đạt kết quả nổi bật, như: Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được các bộ, ngành quan tâm, chú trọng triển khai quyết liệt, đạt được nhiều kết quả tích cực và từng bước có nhiều đổi mới; công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL được thực hiện kịp thời, góp phần đảm bảo tính thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật; công tác truyền thông, phổ biến về chính sách, pháp luật được thực hiện hiệu quả. Công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay. Thể chế trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và quản lý Nhà nước… Những kết quả nêu trên tiếp tục đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước và địa phương.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đề nghị bộ, ngành tư pháp tiếp tục đổi mới; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; kịp thời tham mưu sửa đổi, bổ sung Luật ban hành văn bản; nâng cao chất lượng công tác thi hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống. Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực thi pháp luật. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành; tăng cường phối hợp các bộ, ngành, cơ quan và cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp từ Trung ương đến địa phương. Tập trung đầu tư nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng để đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành tư pháp. Nhân rộng cách làm hay, hiệu quả, sáng tạo trong triển khai nhiệm vụ được giao phù hợp với tình hình thực tiễn...
KIM THẢO