Một ngày của Nâu

04/06/2023 - 07:51

 - Nâu là tên tôi đặt cô ngựa 10 tuổi của ông Chau Da, ở ấp Vĩnh Lập, xã Vĩnh Trung (TX. Tịnh Biên, tỉnh An Giang). Hôm tôi về xứ núi, Nâu đã có một ngày làm việc rất vất vả, trong cái nắng hầm hập hè biên giới, thi thoảng lại chuyển sang lâm râm những giọt mưa đầu mùa...

Sáng sớm, ông Chau Da đưa Nâu ra khỏi nhà, bắt đầu hành trình mưu sinh quen thuộc. Tiếng vó ngựa lộc cộc lạc lõng giữa dòng xe cộ hiện đại. Tuy nhiên, với người dân xã Vĩnh Trung, hình ảnh này đã quen thuộc vô cùng, bởi vì đây là nơi duy nhất trong tỉnh An Giang có tập tục nuôi ngựa kéo xe, phần lớn do đồng bào dân tộc thiểu số Khmer duy trì mấy chục năm nay.

Mỗi chuyển động của Nâu đều phát ra tiếng leng keng vui tai, như tiếng còi xe để mọi người biết đường mà… né.

Để Nâu chuyên tâm “làm việc”, ông Chau Da dùng đồ vật che mắt “cô nàng” lại. Nâu chỉ cần tuân thủ theo tiếng hô, lực điều khiển dây mạnh, nhẹ, trái, phải của chủ - phần lớn thẳng tiến về phía trước – là được.

Nhiều công đoạn lặp đi lặp lại trong ngày làm việc của 2 chủ tớ: Đến nơi nhận đồ cần chở, chất hết lên xe…

Đi ngang điểm tập kết trên đường, tạm để đồ xuống

Chuyển sang nơi khác, chất đồ lên xe

Người thuê chở đồ hôm nay là ông Chau Ruk, cần đưa khối lượng lớn gỗ về cho một hộ gia đình xây dựng lò nấu đường thốt nốt. “Gỗ nặng, cồng kềnh, chở bằng xe gắn máy thì không được, mà chở xe tải thì tốn kém. Do đó, tôi nhờ xe ngựa của ông Chau Da chở giúp” – ông Ruk chia sẻ.

Lấy thêm mớ gỗ, ông Chau Da cho ngựa quẹo từ nhà dân ra Tỉnh lộ 948, rồi mới thuần thục nhảy lên xe.

Đến điểm tập kết ban nãy, họ chất toàn bộ lên xe. Đôi lúc nặng quá, Nâu chệnh choạng bước chân, rồi lại vững vàng đứng yên như cũ.

Cứ như thế, Nâu và chủ rong ruổi từ xã Vĩnh Trung sang xã An Cư, từ Văn Giáo về đến An Hảo, rồi lại từ An Hảo về Vĩnh Trung, tổng đoạn đường mưu sinh vài chục cây số. Chỉ được nghỉ trưa 1 giờ đồng hồ, nên đến đầu giờ chiều, Nâu thấm mệt thấy rõ. Cô nàng chọn phương án đều bước chậm rãi, khoảng 10km/giờ.

Hai chuyến hàng cuối ngày, Nâu rướn từng chút một, cùng sự tiếp sức của ông Chau Da và Chau Ruk mới “về đích”. Hàng trăm kg gỗ “đi đến nơi, về đến chốn” bằng những giọt mồ hôi kiên trì của cả nhóm.

Phút giây thư giãn hiếm hoi của cô ngựa “gái một con” là được thưởng thức chút cỏ xanh ngay tại nơi đang đứng. Lao động vất vả khiến những cơ bắp của Nâu nổi hằn khắp người, mệt nhọc thấm vào từng hơi thở, từng cử động.

5 giờ chiều, ông Chau Da trút được gánh nặng của một ngày dài, cùng Nâu thả bước về nhà. Xe ngựa nhẹ tênh, lòng ông cũng nhẹ tênh, mà trong túi áo dầy thêm mấy trăm ngàn đồng thù lao.

Trên đường về, Nâu được ghé lại khu vực đầy cỏ, ăn bồi dưỡng thêm mớ thức ăn xanh tươi. Ăn hết phần cỏ được cắt, Nâu vẫn đói. Cô nàng quẹo đầu sang đám cỏ chưa cắt, thủng thỉnh nhai.

Trong khi đó, ông Chau Da cặm cụi cắt đầy bao cỏ, dự trữ cho bữa ăn chiều tối của Nâu. Cô nàng háo ăn, lúc nào cũng nhai nhóp nhép, chỉ trừ lúc ngủ. Mà thông thường, 1-2 giờ sáng Nâu mới chịu ngủ, sau khi ăn no căng bụng. Dưới màn mây đen kịn vùng Bảy Núi, đôi chủ tớ lặng lẽ bên nhau, việc ai nấy làm, mà trông bình yên quá đỗi!

Gần 6 giờ chiều, họ trở về con đường nhỏ, căn nhà nhỏ quen thuộc. Lũ trẻ đang chơi đùa chợt ngừng lại, quấn quýt theo bước chân Nâu. Hồi trước, ở xã có vài chục con ngựa được nuôi. Dần dần, phương tiện giao thông hiện đại nhiều lên, đâu ai đi xe ngựa nữa, cũng ít nhờ ngựa kéo hàng. Bởi vậy, Nâu là một trong số vài con ngựa còn sót lại ở xứ này, được chú ý nhiều hơn.

Ông Chau Da “bàn giao” Nâu cho vợ mình - bà Neang Sơn – để đi mua chút đồ ăn tối. Trước khi đi, họ cùng nhau tháo tất cả đồ vật vướng víu trên mình Nâu. Vợ chồng họ 60 tuổi, nhưng có hơn 30 năm nuôi ngựa kéo xe. Mỗi lần nuôi cũng chỉ 1-2 con, mua từ Campuchia về.

“Ngựa đực hung hãn, hay đá người, phá phách, nên chúng tôi chọn nuôi ngựa cái. Vậy mà, tôi vẫn bị 1 con ngựa cái cắn trầy xể mình mẩy. Bán con đó, tôi mua Nâu về nuôi. Suốt 10 năm nay, Nâu chỉ đẻ 1 con duy nhất. Người ta năn nỉ mua lúc ngựa con 6 tháng tuổi, giá 30 triệu đồng, nên tôi bán, tập trung lo cho Nâu. Cũng có người hỏi mua Nâu, nhưng tôi không bán. Nuôi lâu, mến tay mến chân. Nâu hiền, dễ thương lắm!” – bà Sơn kể.

Không còn vướng bận đồ đạc nặng nhọc trên mình, Nâu vục đầu vào lu nước, uống lấy uống để suốt mấy phút.

Đợi cô nàng bớt mệt, bà Sơn mới nhẹ nhàng dội nước, chà rửa khắp người. Nâu thích tắm, ngày nào cũng tắm 2-3 lần mới chịu ngủ. Tắm xong còn muốn bà Sơn chải bờm cho gọn gàng, vỗ vỗ mấy cái lên vùng bụng rắn chắc… Nhờ có Nâu, vợ chồng bà đỡ phải đi làm thuê, làm việc nặng nhọc. Mọi gánh nặng đều được Nâu san sẻ, nên họ quý cô nàng vô cùng.

Sụp tối, Nâu yên vị trong không gian riêng tư của mình, trên người còn dư âm của làn nước mát mẻ, điềm tĩnh ăn uống bên cạnh người chủ thân thuộc. Ngày mai, hy vọng sẽ có người thuê chở hàng, để người và ngựa lại được sánh bước bên nhau, được đồng hành, dựa vào nhau như ngàn ngày trước…

GIA KHÁNH