Trái Đất đang dần "biến hình" để tạo nên siêu lục địa? - Ảnh: APA
Đối với lịch sử của một hành tinh, 200 triệu năm chỉ là một khoảnh khắc. Và từ bây giờ, dựa vào những chuyển động của vỏ Trái Đất được xác định trong thời gian qua, các nhà khoa học đã có thể tiên đoán cách đất đai trên Trái Đất sẽ biến đổi.
Tờ Sputnik dẫn lời của tiến sĩ Michael Way từ Viện nghiên cứu không gian Goddard của NASA, tác giả chính của nghiên cứu, cho rằng trong cả 2 kịch bản, sự hình thành siêu lục địa sẽ khiến Trái Đất lạnh đi và trải qua một đợt đóng băng sâu dữ dội trong ít nhất 100 triệu năm. Đó có thể là kỷ băng hà khắc nghiệt nhất từng tồn tại trên hành tinh.
Kịch bản thứ nhất cho thấy hầu hết các lục địa di chuyển dần về Bắc Bán Cầu và tụ lại ở các vĩ độ cao, trong khi Nam Cực bị bỏ lại và giữ nguyên vị trí, khi đó Trái Đất có 2 lục địa, một lớn, một nhỏ. Trong kịch bản thứ 2, Nam Cực cũng sẽ bị kéo lên phía Bắc và tất cả các châu lục ngày nay hợp thành một siêu lục địa duy nhất, chiếm trọn một mảng lớn từ vùng quanh xích đạo cho đến Bắc Cực.
"Tốc độ quay của Trái Đất cũng chậm lại theo thời gian và độ sáng Mặt Trời sẽ tăng nhẹ theo thời gian, làm gia tăng lượng bức xạ hành tinh nhận được. Nhiệt độ toàn cầu sẽ lạnh hơn gần 4 độ C khi Trái Đất sở hữu siêu lục địa nhiều núi ở Bắc Bán Cầu, điều này chắc chắn ảnh hưởng đên đa dạng sinh học trên hành tinh, với một số loài sẽ tuyệt chủng và một số loài mới xuất hiện để phù hợp với môi trường băng giá" - tờ Live Science trích dẫn phân tích của tiến sĩ Michael Way về tương lai Trái Đất.
Trong vài năm gần đây, các nhà khoa học liên tục phát hiện những dấu hiệu cho thấy quá trình kiến tạo mảng sôi động đang dần thay đổi các lục địa, mới đây nhất là nghiên cứu từ Đại học Virginia (Mỹ) cho thấy châu Phi đang phân tách ra thành các phần nhỏ hơn.
Theo ANH THƯ (Người lao động)