Lần thứ hai trở lại Quy Nhơn, tôi không khỏi ngỡ ngàng với sự thay đổi của nơi này. So với cách đây hơn 10 năm, Quy Nhơn đã khác đi rất nhiều. Những con đường đẹp nhất TP. Quy Nhơn chạy dọc theo biển đã san sát khách sạn cao tầng. Phía bờ biển là những bãi cát vàng, cát trắng thoai thoải chạy ngút tầm mắt, khiến cho du khách đến từ miền Tây như tôi vô cùng thích thú.
Ngày đầu đến với Quy Nhơn, tôi dành thời gian dạo phố biển về đêm. Quy Nhơn về đêm mang vẻ đẹp không kém bất cứ thành phố biển nào của miền Trung. Đêm xuống, tiết trời Quy Nhơn mát mẻ nên rất đông người dân, du khách ra ngồi bên bờ biển để tận hưởng sự trong lành của thiên nhiên. Người bạn đi cùng chia sẻ, anh thích không khí ở Quy Nhơn bởi cái chất riêng của nó. Dù là xứ biển, nhưng gió ở Quy Nhơn lại hiền hòa, không mặn mòi vị muối như nơi khác.
Điểm đặc biệt nữa của Quy Nhơn chính là bờ biển có hình cánh cung. Vì thế, du khách có thể chụp những tấm ảnh đẹp tuyệt đẹp về thành phố, với góc nhìn vô cùng ấn tượng. Ngắm khung cảnh phố biển Quy Nhơn về đêm khiến cho khách phương xa vơi đi mệt nhọc, sau chặng đường di chuyển dài bằng nhiều phương tiện. Có rất nhiều bạn trẻ đến ngồi trên công viên ven bờ biển để trò chuyện cùng nhau. Có lẽ, đây chính là thói quen giúp họ yêu quý hơn mảnh đất xinh đẹp này.
Biển Quy Nhơn với vẻ đẹp hữu tình
Ngày thứ hai ở Quy Nhơn, tôi có dịp ngắm cảnh biển ban ngày đẹp như tranh. Dù không có hàng ngàn hòn đảo trập trùng như kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, nhưng vịnh Quy Nhơn vẫn sở hữu khung cảnh hữu tình. Mặt trời lên soi rõ màu nước biển xanh ngọc bích. Ngày nắng, biển Quy Nhơn tĩnh lặng đến không ngờ. Thấp thoáng ngoài xa, những chiếc tàu chở hàng cỡ lớn đang ngủ yên sau chuyến hải trình dài ngày. Đây cũng là hình ảnh biểu trưng cho sự sầm uất của cảng Quy Nhơn, một trong những cảng biển quan trọng của khu vực Nam Trung Bộ.
Đứng bên bờ biển, từ con đường mang tên thi nhân Xuân Diệu nhìn về bán đảo Phương Mai, bạn sẽ thấy tượng đài anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo trong tư thế oai hùng, đứng chỉ tay xuống nước. Đây là hình ảnh tái hiện lại trận thủy chiến Bạch Đằng vang danh sử sách, nuôi dưỡng lòng yêu nước của bao thế hệ người Quy Nhơn - Bình Định. Người dân địa phương cho hay, bức tượng oai hùng đó đã “trơ gan cùng tuế nguyệt” mấy mươi năm qua, là một trong nhiều biểu tượng cho vùng đất Bình Định anh hùng, nơi được mệnh danh là “đất võ, trời văn”.
Ngoài bán đảo Phương Mai, từ đường Xuân Diệu, bạn cũng có thể nhìn thấy Khu du lịch Ghềnh Ráng - Tiên Sa. Với du khách, đây là điểm đến khá hấp dẫn với bãi đá trập trùng, cát trắng mịn màng và thiên nhiên hùng vĩ. Nhờ vẻ đẹp thiên tạo này, Ghềnh Ráng được chọn để làm nơi nghỉ mát cho hoàng tộc nhà Nguyễn vào thập niên 20 của thế kỷ trước. Đặc biệt, Ghềnh Ráng còn là nơi an nghỉ của thi nhân Hàn Mặc Tử. Với một đời thơ độc đáo, một đời thực đau thương, ông là người để lại rất nhiều cảm xúc trong lòng bao thế hệ người yêu thơ Việt Nam.
Ngoài phong cảnh hữu tình, tôi còn đặc biệt ấn tượng với con người ở Quy Nhơn. Đa phần, họ đều khá cởi mở. Khi được hỏi về những câu chuyện liên quan đến vùng đất nơi mình sống, họ đều rất sẵn lòng chia sẻ. Với chất giọng đặc sệt miền Trung và phương ngữ của dân “xứ Nẫu”, tôi cảm nhận được nét đẹp chân chất bên trong tâm hồn họ. Dù là người lao động phổ thông để kiếm sống, họ vẫn có thể là những “hướng dẫn viên” nhiệt tình khi du khách cần đến.
Nhiều người hay nói với nhau rằng, đến Quy Nhơn mà không tắm biển thì cứ như chưa đến. Vì thế, tôi với anh bạn đi cùng nhất định phải “đụng” biển Quy Nhơn một lần cho thỏa thích. Những ngày không mưa, biển Quy Nhơn đều có người đến tắm buổi sáng, chiều. Tuy nhiên, người dân địa phương chủ yếu tắm vào buổi sáng, trong khi du khách chọn lúc mặt trời ngả bóng để hòa mình vào dòng nước trong xanh.
Dù là khách phương xa, tôi lại chọn đi tắm biển vào buổi sáng. Khi mặt trời chưa lên cao, vừa chạm vào nước tôi đã phải giật mình bởi cái lạnh từ chân chạy tới đỉnh đầu. Tuy nhiên, khi ngâm mình trong nước, cái lạnh cũng dần mất đi. Trên mặt biển, nước lăn tăn gợn sóng. Dưới chân, lớp cát mịn màng êm như nhung. Với sự quan tâm, quản lý chặt chẽ từ địa phương và ý thức của người dân, bãi biển Quy Nhơn khá sạch sẽ. Rất hiếm thấy xuất hiện rác ở các bãi tắm. Có lẽ, đó là lý do chủ yếu giúp Quy Nhơn được công nhận là “thành phố du lịch sạch ASEAN” tại diễn đàn Du lịch Đông Nam Á năm 2024, cùng với 2 địa phương khác của Việt Nam (TP. Vũng Tàu và TP. Huế).
Những ngày lưu lại Quy Nhơn dù ngắn ngủi, nhưng vẫn cho khách phương xa trải nghiệm ấn tượng. Nếu có dịp, tôi sẽ trở lại phố biển thơ mộng này để tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên hữu tình, để tìm hiểu nhiều hơn truyền thống hào hùng, và mến yêu thêm lần nữa cái chất giọng đặc trưng của người dân “xứ Nẫu”.
THANH TIẾN