Những món đồ có giá trị lớn nhỏ đều được tận dụng, mua đi bán lại
Song song với thị trường hàng hóa sản xuất mới, cửa hàng trực tiếp, trực tuyến kinh doanh hàng đã qua sử dụng dần phát triển, bởi lượng khách hàng và nhu cầu mua sắm ngày càng đa dạng. Bán hàng thanh lý nhiều năm trên mạng xã hội, anh Trần Ngọc Lễ (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) chia sẻ: “Hiện nay, đời sống ngày càng phát triển, nhu cầu sử dụng hàng hóa của người dân đa dạng hơn. Nếu như trước đây, món đồ dùng trong nhà rất lâu, chỉ thanh lý khi ít dùng đến hay dọn nhà. Nay vì nhiều lý do, có món hàng mới với chức năng tốt hơn, thông minh, tiết kiệm điện năng, kiểu dáng, màu sắc, chất liệu hiện đại và sang trọng hơn, người dân sẵn sàng mua mới bán cũ. Người có thu nhập thấp hơn chấp nhận “săn” hàng thanh lý với phương châm “cũ người, mới ta”. Cung và cầu gặp nhau, người bán bán được nhanh, người mua cũng có nhiều sự lựa chọn. Đôi khi khách mua được hàng cũ còn khá mới, mức giá rẻ hơn một nửa so với mua hàng mới”.
Đó là vật dụng, đồ dùng trong gia đình, từ bàn ghế sofa, bàn ăn, giường ngủ, tủ quần áo, bàn làm việc, bàn học cho con, bàn trang điểm, kệ sách, tủ bếp, tủ lạnh, máy giặt, máy lạnh, quạt máy, ti-vi, máy tập thể dục, máy massage, bếp gas, nồi cơm điện, quần áo, giày dép… Tùy vào tình trạng, món hàng được bán thanh lý với nhiều mức giá khác nhau. Tham quan một số trang, hội nhóm thanh lý hàng hóa trên mạng xã hội, dễ dàng tìm cho mình món hàng vừa ý.
Chị Trần Thị Lài (ngụ phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) cho biết: “Trước đây, muốn mua gì, tôi nghĩ ngay đến lựa chọn hàng mới, ước lượng túi tiền, đến khi thấy đủ tiền mới dám mua. Nay tôi thay đổi suy nghĩ, chỉ tìm kiếm món hàng đã qua sử dụng, tốn ít tiền hơn vẫn mua được món hàng mong muốn. Tôi thường vào các trang hàng thanh lý Long Xuyên, chợ đồ cũ online. Chẳng hạn, tôi vừa mua được chiếc máy tập thể dục đa năng còn rất mới, giá chưa đến 3 triệu đồng”.
Anh Nguyễn Thanh Phong (ngụ phường Mỹ Quý, TP. Long Xuyên, nhân viên phát triển thị trường, chuyên tiếp thị mặt hàng giải khát) cho biết: “Thu nhập khá khiêm tốn, nên việc chi tiêu, mua sắm của gia đình tôi cần được tính toán dè sẻn. Rất ham bộ bàn ghế gỗ để tiếp khách, tìm mãi tôi mới chọn được một bộ ưng ý. Tôi dặn trước người chuyên bán hàng thanh lý, có ai bán thì gửi hình ảnh cho xem. Vừa rồi thấy kiểu dáng bộ ghế đẹp, chất liệu gỗ dùng được, mà chỉ có 4 triệu đồng, tôi chọn mua. Hàng được giao tận nhà, tôi rất hài lòng”.
Không chỉ những món hàng lặt vặt, nhu cầu thanh lý toàn bộ quán ăn, quán cà-phê, tiệm spa ngày càng nhiều. Anh Trần Ngọc Lễ cho biết: “Hiện nay, nhiều hàng quán, tiệm chăm sóc da, cửa hàng quần áo thời trang phát triển rất nhiều. Sau thời gian kinh doanh không thuận lợi hoặc vì lý do khác, họ cần sang quán. Lúc đó, tôi giữ vai trò kết nối người cần sang và người đang có ý định mở quán cùng loại hình. Như vậy, người kinh doanh trước có thể thu hồi được ít tiền đầu tư vào cơ sở vật chất và trang thiết bị (như: Tủ trưng bày, kệ, bàn ghế, đồ dùng pha chế, bếp…).
Người đầu tư mới có thể mua lại toàn bộ vật dụng của quán, tiết kiệm khoản chi phí đầu tư ban đầu”. Công việc kết nối hàng thanh lý này phức tạp hơn, đòi hỏi nhiều kiến thức. “Mình phải biết cách đánh giá đồ dùng thuộc vật liệu gì, chất gỗ gì, ước lượng giá trị còn lại của từng món hàng, sau đó cho ra mức giá tổng thể. Đó là cơ sở để mình tư vấn người chủ cần thanh lý, lẫn tư vấn cho người mua” - anh Trần Ngọc Lễ chia sẻ thêm.
Chuyên đi thu mua nhà cũ, phân xưởng cũ để bán lại, anh Nguyễn Thanh Hưng (ngụ phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Cái nghề thanh lý cũng lắm công phu. Nếu như không xuất thân từ nghề mua ve chai dạo, thì tôi không thể có kinh nghiệm đánh giá mặt hàng, vật liệu cần thanh lý. Với một căn nhà gỗ cũ, khách hàng cần bán cả căn nhà, tôi phải biết ước lượng số gỗ thu về bao nhiêu, cây nào còn bán được, cây nào phải bỏ đi. Hay ước lượng thu về lượng sắt bao nhiêu, phải tốn bao nhiêu chi phí để thuê người bốc dỡ, phân loại và chở đi bán lại cho đầu mối”.
Làm nghề thanh lý, thu mua các loại nhà cũ, sau những lần mua bán, gặp gỡ, anh Hưng có thêm bạn, thêm bài học kinh doanh, biết thêm ý tưởng sáng tạo từ người kinh doanh dám nghĩ dám làm.
Nghề “mua của người chán, bán cho người cần” luôn đồng hành cùng xã hội, do nhu cầu phát triển đa dạng hàng hóa, sự dịch chuyển liên tục của các ngành nghề kinh doanh. Nay nghề lại càng phát huy ưu thế, khi người dân đối mặt với khó khăn do tác động từ dịch bệnh, “bão giá” hiện nay. Mua bán thanh lý là một cách tiết kiệm tiêu dùng cho người dân, tận dụng tối đa giá trị sử dụng của hàng hóa, không gây lãng phí, hạn chế nguồn phế thải đang làm tăng gánh nặng cho môi trường.
TRÚC PHA