Nhãn xuồng cơm vàng cho thu nhập khá
Nghe lời mời chào của người bán, tôi dừng lại tại một gian hàng nhỏ bên lề Quốc lộ 91, chị Thu Nga (chủ gian hàng) đon đả giới thiệu: “Mua nhãn đi cô, nhãn xuồng cơm vàng ngọt lắm!”. Qua lời chị Nga tôi được biết, những người bán nhãn ở đây đều “lấy hàng” từ các nhà vườn thuộc khu vực ấp Mỹ Phó (Mỹ Đức) hoặc ấp Khánh An, Khánh Mỹ (Khánh Hòa) về bán lại cho người đi đường.
Nhanh tay cân nhãn cho khách, chị Nga nói: “Mới đầu vụ nên nhãn có giá hơi cao, khoảng 70.000- 80.000 đồng/kg (tùy loại). Khách mới mua lần đầu sẽ chê mắc, nhưng khi đã ăn thử thì không ngần ngại “gom” luôn vài ký mang về. Hôm nào gặp đoàn khách hành hương thì hôm đó tụi tui được nghỉ bán sớm vì họ chia nhau mua hết”.
Theo hướng dẫn của chị Nga, tôi tìm đến khu vực trồng nhãn ở xã Khánh Hòa và Mỹ Đức. Thời điểm này, những vườn nhãn xuồng cơm vàng đã bắt đầu thu hoạch, từng chùm nhãn trĩu cành, chỉ cần với tay là hái được.
Nhiều nông dân có kinh nghiệm trồng nhãn ở xã Khánh Hòa cho biết, loại nhãn này tương đối dễ trồng, sau khi cây giống được trồng xuống, khoảng 3 năm sẽ cho đợt trái đầu tiên.
Việc chăm bón, tưới nước cho nhãn không quá vất vả, chủ yếu tập trung chăm sóc vào thời điểm nắng nóng trong năm. Đến khi cây nhãn bắt đầu trổ hoa chỉ cần xịt sâu, bón thúc cho cây bằng phân lân, phân chuồng để cây có sức nuôi hoa, nuôi trái là được.
Nhãn xuồng cơm vàng thường trổ hoa vào cuối tháng 4 âm lịch và thu hoạch rộ vào tháng 6 âm lịch hàng năm. Mỗi cây nhãn có thể cho thu hoạch từ vài chục đến trên 100kg trái mỗi vụ, nếu cây được chăm sóc tốt có thể thu hoạch đến 200kg trái. Nhờ chi phí đầu tư thấp, lợi nhuận mang về tương đối ổn định, nên từ năm 2012 đến nay, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Khánh Hòa đã lập vườn trồng nhãn xuồng cơm vàng.
Theo thống kê, toàn xã Khánh Hòa hiện có gần 63 ha diện tích đất trồng nhãn, tập trung nhiều ở 2 ấp Khánh An và Khánh Mỹ. Còn trên địa bàn xã Mỹ Đức hiện có trên 25ha tập trung nhiều ở ấp Mỹ Phó, còn lại nằm rải rác toàn xã.
Đặc sản nhãn Mỹ Đức
Tiếp chuyện với các nhà vườn trồng nhãn ở xã Mỹ Đức, ngoài loại nhãn xuồng cơm vàng, tôi còn được nghe nhắc nhiều đến giống nhãn Mỹ Đức mà hiện nay trên địa bàn xã chỉ còn lại một số ít cây lâu năm.
Để hiểu rõ hơn về giống nhãn đặc sản này, tôi tìm đến nhà ông Trần Nghi Bình (ấp Mỹ Phó, xã Mỹ Đức) để mục sở thị những cây nhãn Mỹ Đức trứ danh.
Vườn nhà ông Bình hiện còn khoảng chục cây nhãn Mỹ Đức, mỗi cây trên 10 tuổi, trong đó có 1 cây nhãn cổ thụ trên 90 tuổi, thân cây to hơn vòng tay người ôm.
Người nhà ông Bình cho biết, ngày trước xã Mỹ Đức trồng giống nhãn này rất nhiều, theo thời gian, cây nhãn “lão”, sản lượng giảm dần nên người dân chặt bỏ, chuyển sang trồng nhãn xuồng cơm vàng.
Tuy vườn nhà ông Bình còn khoảng chục cây nhưng chỉ một nửa trong số đó là cho trái sai, các cây còn lại cho trái không nhiều. Sở dĩ nhãn Mỹ Đức hấp dẫn thực khách vì loại nhãn này có cơm dày, giòn, vị ngọt rất thanh, hương thơm lưu lại lâu.
So với các loại nhãn khác, nhãn Mỹ Đức cho trái to hơn, khi đủ ngày thu hoạch, khoảng 30 đến 40 trái đã nặng 1kg. Do số lượng cây nhãn Mỹ Đức hiện còn rất ít vì vậy trái của chúng được xem là đặc sản “hiếm”, nên dù có giá bán lẻ từ 100.000 - 120.000 đồng/kg vẫn hút khách.
Đa phần khách mua nhãn Mỹ Đức thường là khách quen, “canh” đầu mùa nhãn tìm đến tận vườn đặt trước vì sợ hết phần, không được thưởng thức hương vị đặc trưng của giống nhãn ngon truyền thống.
Trước tình trạng giống nhãn đặc sản có nguy cơ mai một, để duy trì, bảo vệ và phát triển nguồn gen quý của giống nhãn Mỹ Đức, từ những cây nhãn chất lượng tốt tại vườn nhà ông Bình, huyện Châu Phú phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ cùng Viện Cây ăn quả miền Nam đang thực hiện phục tráng giống nhãn Mỹ Đức.
Đến nay, đã có trên trăm cây giống được Viện Cây ăn quả miền Nam “nuôi” thành công và trao về cho người dân mở rộng diện tích sản xuất.
MỸ LINH