Những ngày cuối tháng Tư luôn là đỉnh điểm của những cơn nắng lửa bùng lên gay gắt, dữ dội.
Giờ nắng nóng thì ta trú vào phòng máy lạnh, hay đi tắm biển, ăn cây kem, uống ly sinh tố hoặc ly trà đá giải nhiệt. Tôi lại nhớ về ngày xưa. Cái thuở nhà tranh vách đất, múc nước sông lóng phèn gạn đục khơi trong. Cái thuở mà chốn làng quê thanh bình, nhà ai cũng có một dãy lu nơi hàng ba hoặc hiên nhà để hứng nước mưa. Thứ nước trời cho quý giá chỉ dành để uống. Còn tắm giặt, nấu ăn… thì phải kĩu kịt từng đôi gánh từ bến sông quê mòn vai chị dưới những đêm trăng. Lũ con nít chúng tôi trưa nóng quá thì kéo nhau ra bờ sông leo lên ngọn bần. Một… hai… ba… đùng, đùng. Vậy thôi. Đến lúc mẹ xách roi ra thì mới chịu leo lên bờ run rẩy, tay chân tái, mốp, môi miệng đầy “râu”.
Lại nói về những lu nước trời. Cứ xong bữa cơm, bỏ đũa xuống thì anh em chúng tôi chạy ra lu nước múc một gáo đầy ngửa cổ uống ừng ực, chép chép miệng, ngọt lịm, đã khát. Đến mức bỏ gáo xuống bước đi, bụng kêu ỏng ỏng. Tưởng như giờ có uống mấy ly sinh tố cũng không bằng.
Rồi theo thời gian, tôi lên thành thị đi học, đi làm, trở thành công dân thành phố. Thỉnh thoảng về quê ngày giỗ, Tết. Một hôm, ngồi bên bình trà, hớp từng ngụm nhỏ. Tôi chợt nhận ra rằng, nước trà có một mùi vị rất lạ. Lạ đến mức tôi không thể quên, không thể lẫn lộn nhưng không làm sao tả được. Đó là vị nước mưa được hứng từ trên mái nhà. Mà phải là mái lá cũ của đầu mùa mưa, nấu bằng ấm nhôm, bếp củi. Có lẽ thời điểm này nắng nóng dữ dội, lá nhà khô khét nên khi mưa xuống, những giọt nước hợp lại rồi theo dòng máng xối chảy xuống lu, mang một hương vị rất riêng. Tôi gọi: ly nước trà thơm hương mái lá lao đao.
Cuộc sống khá lên dần, mẹ thay mái lá bằng tol. Tôi đánh mất hương vị ấy từ đó.
Bây giờ ai cũng sử dụng nước máy, ấm điện, không còn dãy lu nước xếp dọc hiên nhà. Hoặc có thì có lẽ không ai còn nấu nước mưa để uống.
Trưa nay, một ngày rất nóng, tôi bỗng nhớ về ngày xưa. Thoảng một mùi thơm trong ký ức.
Theo KIM THƯ (Báo Trà Vinh)