Muốn tránh tội phạm công nghệ cao, ý thức phải nâng cao

04/03/2024 - 05:55

 - Dù nhiều lần cơ quan chức năng cảnh báo, nhưng một bộ phận người dân vẫn “mắc bẫy” tội phạm công nghệ cao. Cũng khó trách, bởi thủ đoạn của tội phạm ngày càng tinh vi, khó nhận biết. Chúng có xu hướng “chuyển dịch” về hoạt động tại nông thôn, vùng chưa phát triển, nhắm vào người lớn tuổi, không rành công nghệ thông tin…

Đang làm việc nhà, bà Nguyễn Thị T. (ngụ huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) nghe tiếng điện thoại reo. Gần 70 tuổi, con cái hướng dẫn nhiều lần, bà mới biết cách gọi và nghe điện thoại cảm ứng. Cũng chỉ có con cháu gọi hỏi thăm sức khỏe, dặn dò việc nhà, chứ bà không làm ăn, kinh doanh hay giao dịch với ai.

“Vậy mà ngày nào tôi cũng nhận được điện thoại từ các số máy lạ, họ cho rằng sim điện thoại tôi sắp bị khóa, cần phải làm theo hướng dẫn. Có khi thì cho biết tôi vừa trúng thưởng mặt hàng giá trị lớn, cần làm thủ tục nhận thưởng… Nghe họ nói bùi tai, suýt nữa tôi đã làm theo, nếu con gái tôi không phát hiện, ngăn cản kịp thời” - bà T. chia sẻ.

Không may mắn như bà T., bà Trần Ái N. (46 tuổi, ngụ huyện Tri Tôn) vướng nợ vì thiếu hiểu biết. Bà kể: “Tôi mới biết sử dụng mạng xã hội gần đây. Gần 1 tháng trước, tôi vô tình bấm vào đường link “vay tiền nhanh, lãi suất rẻ”. Thấy thủ tục gọn, chỉ cần vài thao tác chụp hình, lại đang cần một số tiền đóng hụi, tôi đăng ký vay. Vay 2 triệu đồng, nhưng tôi chỉ nhận được hơn 1 triệu đồng, phải hoàn trả tiền nợ trong vòng 1 tuần. Không trả kịp, giờ món nợ lên đến 20 triệu đồng. Gia đình phải vay mượn nhiều nơi để tôi trả nợ dứt điểm. Sợ quá, tôi xóa luôn các tài khoản mạng xã hội trong điện thoại”...

Nếu thiếu hiểu biết, người dân dễ dàng “sập bẫy” vay tiền

Theo Bộ Công an, tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn mới. Nổi lên là 6 loại tội phạm: Lừa đảo qua mạng, sử dụng công nghệ Deepfake; tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng số tiền lớn; mua bán thông tin, tài khoản ngân hàng, phục vụ các mục đích trái pháp luật, sử dụng thiết bị tương tự trạm BTS của nhà mạng, hoặc phần mềm phát tán tin nhắn có nội dung lừa đảo, lôi kéo đánh bạc; “tín dụng đen”, vay tiền nhanh, vay ngang hàng trên nền tảng di động và qua mạng; đánh cắp, mua bán dữ liệu cá nhân; người nước ngoài lợi dụng địa bàn Việt Nam để thiết lập, điều hành trang mạng, đường dây tội phạm.

Khi nhận được ý kiến của cử tri tỉnh An Giang về vấn nạn tội phạm công nghệ cao, thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an thông tin, thời gian qua, lực lượng đã triển khai đồng bộ 4 giải pháp phòng ngừa, đấu tranh. Đầu tiên là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan lĩnh vực này. Trong đó, phối hợp cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường tuyên truyền dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng để Nhân dân nâng cao cảnh giác; thường xuyên thông báo thủ đoạn sử dụng công nghệ cao, không gian mạng hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cùng với đó, cơ quan chức năng chủ động nắm tình hình, triển khai đồng bộ giải pháp kỹ thuật, nghiệp vụ; tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; xác minh, điều tra, xử lý nghiêm hành vi phạm tội. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm mạng, đặc biệt là phòng ngừa, đấu tranh, xử lý hoạt động sử dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản có yếu tố nước ngoài.

Một giải pháp quan trọng, căn cơ khác là nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao, không gian mạng để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bộ Công an xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với cơ quan, bộ, ngành, ngân hàng thương mại và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet; tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát, ngăn chặn mọi sơ hở, điều kiện làm phát sinh tội phạm; tăng cường ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực, “làm sạch” tài khoản thuê bao di động (xóa bỏ sim rác), tài khoản cá nhân…

Bộ Công an đề nghị tổ chức, cá nhân và người đề cao cảnh giác khi nhận cuộc gọi đến bằng điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ cơ quan Nhà nước (nhất là công an) để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại. Thường xuyên kiểm tra, cập nhật tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên tài khoản mạng xã hội. Không cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa biết rõ nhân thân và lai lịch của người đó. Không nhấp vào đường link, không mở tệp đính kèm trong thư điện tử, tin nhắn được gửi từ địa chỉ không xác định.

“Nếu nhận được tin nhắn vay, mượn tiền hoặc nhờ chuyển tiền từ tài khoản của người thân (tin nhắn qua các ứng dụng OTT) thì cần xác nhận lại thông tin. Kiểm tra kỹ thông tin của website khi thực hiện giao dịch trực tuyến. Website chính thức của tổ chức, doanh nghiệp đăng ký với cơ quan thẩm quyền được đánh dấu an toàn bằng hình ổ khóa bên cạnh tên miền (giao thức “https”). Tuyệt đối không cho mượn, cho thuê giấy tờ cá nhân; không nhận mở tài khoản, chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản cho người không quen biết. Trường hợp nghi ngờ, kịp thời thông báo cho công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết” - thượng tướng Lương Tam Quang nhấn mạnh.

AN KHANG