Mỹ cho phép SpaceX tăng số vụ phóng tên lửa Starship

07/05/2025 - 14:52

Ngày 6/5, Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã cấp phép cho Tập đoàn Công nghệ khai phá không gian SpaceX tăng số vụ phóng tên lửa Starship hằng năm từ bang Texas ở miền Nam nước này.

Chú thích ảnh

Tên lửa Starship của công ty hàng không vũ trụ SpaceX được đặt trên bệ phóng tại Texas, Mỹ. Ảnh (tư liệu): THX/TTXVN

Bước đi này sẽ giúp công ty hàng không vũ trụ của tỷ phú Elon Musk đẩy mạnh kế hoạch phát triển loại tên lửa siêu lớn này để thực hiện tham vọng thám hiểm Sao Hỏa.

Theo phê duyệt mới, SpaceX được phép tăng số lần phóng tên lửa Starship từ 5 lên 25 vụ mỗi năm tại cơ sở phóng ở Boca Chica, bang Texas. FAA cho biết việc mở rộng tần suất phóng, cũng như các hoạt động hạ cánh của tầng đẩy của tên lửa tại một số vùng biển, sẽ không gây tác động nghiêm trọng đến môi trường xung quanh, bao gồm cả nguy cơ tên lửa phát nổ trên Vịnh Mexico hoặc một số vùng biển quốc tế.

Với chiều cao khoảng 123m, Starship được biết đến là tên lửa lớn nhất và mạnh nhất thế giới. Tên lửa này được thiết kế để có thể tái sử dụng hoàn toàn, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch của tỷ phú Musk nhằm đưa con người lên Sao Hỏa.

Hồi tháng 3 vừa qua, ông Elon Musk thông báo SpaceX dự kiến phóng tên lửa siêu lớn Starship cùng với robot hình người Optimus của Tesla lên Sao Hỏa vào cuối năm 2026. Nếu thành công, cuộc đổ bộ của con người có thể diễn ra sớm nhất là vào năm 2029, mặc dù lưu ý thêm rằng nhiều khả năng hơn sẽ xảy ra vào năm 2031.

Trước đó, FAA đã tạm đình chỉ phóng tên lửa đẩy Starship để phục vụ công tác điều tra sau vụ thử nghiệm thất bại ngày 16/1 vừa qua, do tầng trên của tên lửa đã bị bốc cháy rồi phát nổ trên không trước khi rơi xuống quần đảo Turks và Caicos. Tuy nhiên, ngày 28/2 vừa qua, FAA đã cho phép SpaceX nối lại phóng thử nghiệm Starship sau khi công ty này hoàn tất đánh giá điều tra về sự cố trước đó.

SpaceX đặt mục tiêu thám hiểm không gian đầy tham vọng và phải đảm bảo được rằng các tên lửa Starship có thể được phóng lên an toàn để phục vụ cho các chuyến bay có người lái trong tương lai.

Theo TTXVN