Chuyện xưa…
Theo Địa bạ An Giang năm 1836, thôn Mỹ Phước phía Đông giáp sông lớn, phía Tây giáp thôn Phú Hòa và rừng, phía Nam giáp rạch Cái Ngôi và thôn Mỹ Đức, phía Bắc giáp rạch Đông Xuyên và nhìn sang thôn Bình Đức (tức gồm các phường: Mỹ Long, Mỹ Phước, Mỹ Quý, Mỹ Xuyên, Đông Xuyên, Mỹ Hòa, Mỹ Thới, Mỹ Thạnh thuộc TP. Long Xuyên ngày nay).
Khi mới khai hoang lập làng, người Việt ở Mỹ Phước dựng miếu thờ sơn thần thổ trạch, hoặc những vị anh hùng, người có công mở đất, giữ đất.
Rồi họ bắt tay vào khẩn hoang để sinh tồn. Cuộc sống ổn định, họ chú ý hình thành rất sớm các hoạt động giáo dục, văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao so với các địa phương khác.
Sau khi chiếm tỉnh An Giang (1867), thực dân Pháp vẫn chọn Đông Xuyên là trung tâm kinh tế, chính trị của hạt.
Với vị trí là trung tâm hạt lỵ, Mỹ Phước được chính quyền Pháp tập trung chỉnh trang, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho bộ máy cai trị, công trình giao thông, phố, chợ…
Dần dần, Mỹ Phước trở thành trung tâm thương mại của hạt lỵ Long Xuyên, rồi tỉnh lỵ Long Xuyên và tỉnh lỵ An Giang.
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử và 2 cuộc kháng chiến, Đảng bộ và Nhân dân Mỹ Phước vượt qua biết bao gian khổ, chiến đấu và chiến thắng kẻ thù ngay tại nội ô Long Xuyên, trung tâm đầu não của kẻ thù.
Chuyện nay…
Trải qua 200 năm hình thành và phát triển, từ một thôn có diện tích rộng lớn, dân cư thưa thớt, Mỹ Phước đã phát triển thành phường đô thị. Đất nông nghiệp bị thu hẹp dần, thay thế bằng khu đô thị, phố thương mại - dịch vụ sầm uất.
Tháng 12-1975, sau nhiều lần tách phường, diện tích, vị trí và điều kiện phát triển thay đổi, Mỹ Phước trở thành phường ngoại ô của TX. Long Xuyên.
“Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân phường luôn đoàn kết, phấn đấu, nỗ lực vượt qua khó khăn, đưa Mỹ Phước phát triển không ngừng về mọi mặt, đời sống Nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Cơ cấu chuyển mạnh từ nông nghiệp sang thương mại - dịch vụ, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng mới, với nhiều khu dân cư, khu thương mại hiện đại, những tuyến đường mới, thông thoáng, kết nối với các phường bạn.
Địa phương cũng được tỉnh và thành phố đầu tư nhiều công trình trọng điểm: Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, Trường Cao đẳng Y tế, khu đô thị cao cấp Tây sông Hậu…
Đầu năm 2017, Mỹ Phước được công nhận là phường đạt chuẩn văn minh đô thị” - Bí thư Đảng ủy phường Mỹ Phước Ngô Công Danh khẳng định.
“Chỉ mới cư ngụ ở phường 5 năm, tôi nhận thấy bộ mặt đô thị, đời sống dân cư có sự khởi sắc rõ nét, chứng tỏ ý Đảng hợp lòng dân. Ngày càng có nhiều công trình mới được đầu tư, từ đường sá, cống rãnh đến nhà ở của người dân.
Tôi tin tưởng và kỳ vọng rằng, Mỹ Phước sẽ ngày càng phát triển vượt bậc, xứng đáng với tiềm năng sẵn có của địa phương”- ông Lê Phát (ngụ khóm Đông Thịnh 6) bày tỏ.
Chuyện mai !
Giờ đây, Mỹ Phước là phường nội ô của thành phố, được đánh giá là một trong những địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh. Do vậy, công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng, bảo đảm vệ sinh môi trường cần được chú trọng.
Tại buổi làm việc với Đảng ủy, UBND phường về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 vừa qua, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Phạm Thành Thái yêu cầu: “Mỹ Phước phải có các giải pháp đột phá để đưa thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế chung của địa phương.
Trong đó ưu tiên phát triển khu dân cư, khu đô thị hiện đại để phát triển mạnh mẽ loại hình kinh doanh (hộ cá thể, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn...), khẩn trương hoàn thành các thủ tục để khởi công, hoàn thành khu chợ mới (khu Quốc Việt).
Phấn đấu giảm hộ nghèo trong năm 2018, nếu có điều kiện thì phấn đấu xóa nghèo trong năm tới; nâng tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt chỉ tiêu 81% dân số; thực hiện mô hình Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND phường, gắn với xây dựng mô hình tổ chức bộ máy phù hợp”.
Những ngày cận Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, cán bộ, người dân phường Mỹ Phước vui mừng khánh thành cầu Xẻo Chanh, đường cặp rạch Tầm Bót.
Hai công trình có tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng, do Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30%; địa phương vận động các doanh nghiệp, cá nhân và Nhân dân đóng góp 70%.
Đồng thời, 2 căn nhà Đại đoàn kết mới xây dựng hoàn thành được trao tặng cho gia đình bà Lê Thị Sinh và bà Nguyễn Thị Út (cùng ngụ tại khóm Đông Thịnh 9). Mỗi căn nhà có diện tích 32m2, với tổng kinh phí xây dựng trên 138 triệu đồng.
Những cây cầu hư hỏng, những con đường xuống cấp nghiêm trọng dần được thay thế. Niềm tin về một Mỹ Phước “thay da đổi thịt” càng trở nên vững chắc hơn bao giờ hết!
Bài, ảnh: GIA KHÁNH