Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh vào ngày 9-11-2017. Ảnh: Getty Images
Hai tháng kể từ khi các vòng đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đổ vỡ, giới chức hai bên đang hy vọng đạt được một bước đột phá khi nối lại đàm phán vào ngày 30-7 về một loạt tranh cãi, trong đó có vấn đề Huawei.
Vòng đàm phán mới được xúc tiến sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đạt được thoả thuận hồi tháng 6 về việc nối lại những nỗ lực chấm dứt cuộc thương chiến đang khiến cả hai bên “bầm dập”.
“Tôi không biết liệu họ có đi đến thỏa thuận được không. Có thể được, có thể không. Tôi không quan tâm”, Tổng thống Trump phát biểu hôm 26-7. Ông nhắc lại tuyên bố rằng nước Mỹ đang hưởng lợi hàng chục tỉ USD từ chính sách thuế đánh vào hàng hóa Trung Quốc. Trên thực tế, số tiền này được chi trả bởi chính các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ mua hàng Trung Quốc.
Theo kế hoạch, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer gặp phái đoàn Trung Quốc dẫn đầu là Phó Thủ tướng Lưu Hạc vào ngày 30 và 31-7 tại Thượng Hải.
Trước cuộc gặp, giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn đang kháng cự lại áp lực từ Mỹ về việc rút lại các kế hoạch đưa nước này trở thành người đi đầu trong công nghệ tự động, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khác. Washington chỉ trích những nỗ lực này đang được Bắc Kinh tiến hành dựa trên hoạt động đánh cắp sở hữu trí tuệ hoặc gây áp lực buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ. Giới chức Mỹ cũng lo ngại Mỹ sẽ để mất vị trí dẫn dầu về công nghệ trước Trung Quốc.
Về phần mình, các nhà đàm phán Mỹ phản bác lại yêu cầu của Bắc Kinh về việc phải dỡ bỏ lập tức toàn bộ các đòn thuế trừng phạt. Washington vẫn muốn duy trì một số loại thuế nhằm đảm bảo Trung Quốc sẽ phải giữ lời.
Giới phân tích nghi ngờ về khả năng đạt được đột phá tại bàn đàm phán thương mại Mỹ - Trung khi hai bên còn nhiều khác biệt. Ảnh: Reuters
Khó đạt thoả thuận
“Những vấn đề từng khiến đàm phán đổ vỡ vẫn còn nằm đó. Dường như không bên nào tiến gần hơn tới viêc đưa ra những nhượng bộ quan trọng. Rất khó để thấy họ có thể đạt được thỏa thuận vào lúc này nếu như họ đã không thể làm được điều đó hồi tháng Ba”, hãng tin AP dẫn lời ông Evans Pritchard, chuyên gia tại Capital Economics, nhận xét.
Ông Jeff Moon, cựu quan chức thương mại và ngoại giao Mỹ chuyên phụ trách Trung Quốc cho biết, những ưu tiên của Mỹ bao gồm “các vấn đề chính sách công nghiệp như quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc và trợ cấp cho các doanh nghiệp Nhà nước (Trung Quốc)”.
Thỏa thuận đạt được hồi tháng 6 giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung đã mở đường nối lại các cuộc thương lượng nhằm xoa dịu các thị trường tài chính đang “đứng ngồi không yên” bất chấp những cảnh báo của các nhà kinh tế rằng khi cả hai bên vẫn còn quá khác biệt ở những vấn đề then chốt, thì một thỏa thuận mong manh sẽ sớm đổ vỡ.
Căng thẳng giữa hai nước đã nặng nề hơn vào thời điểm chính quyền Tổng thống Trump áp đặt các hạn chế về bán công nghệ của Mỹ cho Huawei, tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc và là thương hiệu smartphone số 2 thế giới, sau khi đàm phán thương mại đổ vỡ. Giới chức Mỹ coi Huawei là một mối đe dọa an ninh quốc gia và cảnh báo thiết bị của hãng này có thể được sử dụng cho hoạt động gián điệp mạng.
Bắc Kinh trả đũa bằng thông báo sẽ thiết lập danh sách “các thực thế không đáng tin cậy” nhằm vào doanh nghiệp Mỹ. Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc hiện chưa công bố danh sách công ty bị nhắm tới trong danh sách này.
Quyết định bổ sung Huawei vào "danh sách thực thể" của Mỹ nhằm hạn chế xuất khẩu đã đe dọa thương hiệu công nghệ toàn cầu đầu tiên của Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Khoảng cách lớn
Trước khi bắt đầu các vòng đàm phán mới, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ cân nhắc nới lỏng với Huawei nếu điều đó có thể giúp đi đến một thỏa thuận thương mại tốt hơn. “Nóng lòng tìm kiếm một kết quả đàm phán, ông Trump đã liên hệ vấn đề an ninh quốc gia với thương mại trong vụ Huawei nhằm tạo ra một quân bài mặc cả mới”, chuyên gia Moon nhận xét. Tuy nhiên, các nghị sĩ Mỹ ở cả hai đảng nhiều khả năng sẽ phản đối bất cứ nhượng bộ nào về vấn đề Huawei.
Các đòn thuế qua lại đang đánh nặng vào các nhà xuất khẩu ở cả hai nước và gây đình trệ hoạt động thương mại với nhiều loại hàng hóa, từ đậu tương cho đến thiết bị y tế. Nhập khẩu hàng hóa Mỹ của Trung Quốc đã giảm 31,4% trong tháng 6 vừa qua so với một năm trước, trong khi xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc sang Mỹ giảm 7,8%.
Bộ trưởng Mnuchin thường phát biểu công khai về đàm phán Mỹ - Trung, song ông đã cố gắng không bày tỏ nhiều hy vọng khi công bố kế hoạch cuộc gặp ở Thượng Hải. Phát biểu với kênh CNBC, ông Mnuchin cho rằng các nhà đàm phán đang đối mặt với “nhiều vấn đề” và ông hy vọng sẽ có thêm các vòng đàm phán tiếp theo, có thể ở Washington.
“Trung Quốc và Mỹ sẽ đối mặt với các cuộc thương lượng đầy khó khăn. Khoảng cách giữa vị trí hai bên hiện tại là rất lớn”, tờ Thời báo Hoàn cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc viết.
Theo Thời báo Hoàn cầu, Washington “vẫn hy vọng buộc Trung Quốc nhượng bộ”, nhưng Bắc Kinh phản đối “cuộc phẫu thuật tiêu cực nhằm vào hệ thống kinh tế Trung Quốc”, đồng thời kêu gọi Washington “không bác bỏ tính hợp pháp của các yêu cầu từ Trung Quốc”.
Trước đó, Trung Quốc đã thu hẹp thặng dư thương mại nhiều tỉ USD với Mỹ bằng cách mua thêm nhiều đậu nành, khí đốt thiên nhiên và các hàng hoá xuất khẩu khác của Mỹ. Nhưng họ đã rút lại cam kết này sau một trong những lần tăng thuế của Tổng thống Trump vào năm ngoái.
Một công nhân đứng giữa đống sản phẩm công nghiệp trước khi xuất khẩu tại cảng Lianyungang, tỉnh Giang Tô. Ảnh: China Reuters
Nhân tố Huawei
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố rõ rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải được "cân bằng". "Nếu tất cả các trách nhiệm đều thuộc về Trung Quốc, đó sẽ không phải là một thỏa thuận mà là đầu hàng", Tu Xinquan, Giám đốc Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế Trung Quốc, bất bình.
Yêu cầu của Mỹ về những thay đổi trong chính sách công nghiệp của Trung Quốc đã động đến trọng tâm của mô hình phát triển mà Trung Quốc coi là con đường dẫn đến thịnh vượng và ảnh hưởng toàn cầu lớn hơn.
Việc Mỹ trừng phạt và kiềm chế ảnh hưởng của Huawei cũng chính là cách Washington qua đó kiềm chế ảnh hưởng của một Trung Quốc đang đi lên mạnh mẽ về công nghệ và có thể trở thành nhân tố kiểm soát huyết mạch internet toàn cầu.
Huawei phụ thuộc rất nhiều vào các linh kiện và công nghệ của Mỹ. Người sáng lập của công ty, ông Nhậm Chính Phi cho biết việc mất quyền sử dụng các sản phẩm công nghệ Mỹ có thể làm giảm doanh thu dự kiến 30 tỷ USD của Huawei trong 2 năm tới.
"Điều đó đã thúc đẩy sự nghi ngờ trong Đảng Cộng sản Trung Quốc rằng mục tiêu của Washington 'là Trung Quốc' và khiến Bắc Kinh khó đưa ra những nhượng bộ hơn", chuyên gia Evans-Pritchard, thuộc Capital Economics, nhận định.
Trước khi nối lại đàm phán, Bắc Kinh đã cố gắng làm dịu tình hình bằng cách tuyên bố trong tuần trước rằng các công ty Trung Quốc đã sẵn sàng đàm phán với các nhà cung cấp nông sản của Mỹ. Khi được hỏi liệu những kiềm chế của Mỹ đối với Huawei có phải được dỡ bỏ để đàm phán thương mại đạt được tiến bộ, phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng kêu gọi Washington "ngừng sử dụng các biện pháp sai lầm của chính phủ để đàn áp doanh nghiệp Trung Quốc".
Theo THU HẰNG (Báo Tin Tức)