Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump (trái). Ảnh: AFP
Bloomberg ước tính các quốc gia tổ chức bầu cử tìm lãnh đạo mới năm 2024 có số cử tri tương đương 41% dân số toàn thế giới. Các quốc gia tổ chức bầu cử vào năm 2024 có quy mô và tầm ảnh hưởng khác nhau như Indonesia,Venezuela, Mexico, Nga, Mỹ…
Dưới đây, hãng thông tấn AFP (Pháp) đã liệt kê 5 cuộc bầu cử quan trọng năm 2024 có thể định hình trật tự toàn cầu.
Trận tái đấu giữa ông Trump và ông Biden
Vào ngày 5/11, hàng chục triệu người Mỹ dự kiếm tham gia bỏ phiếu lựa chọn tổng thống thứ 60 của nước này. Có 2 ứng viên khá quen thuộc với cử tri là Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump.
Như vậy, cuộc đối đầu của cuộc bầu cử năm 2019 có khả năng lặp lại vào năm 2024 nếu ông Biden là đại diện của đảng Dân chủ và cựu Tổng thống Trump (77 tuổi) trở thành đại diện của đảng Cộng hòa.
Tổng thống Biden nếu giành chiến thắng có thể sẽ nắm quyền cho đến năm 86 tuổi.
Trong khi đó, cựu Tổng thống Trump tham dự cuộc tranh cử trong bối cảnh nhiều phiên tòa hình sự đang chờ đợi ông trong năm 2024.
Nhiệm kỳ thứ 5 cho Tổng thống Putin?
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Moskva ngày 8/3. Ảnh: AFP/ TTXVN
Vào năm 2024, Nga cũng tổ chức bầu cử tổng thống. Người phát ngôn Điện Kremlin Dimitry Peskov ngày 13/11 khẳng định với báo giới rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin chưa quyết định liệu có tranh cử nhiệm kỳ thứ năm vào năm 2024 hay không. Ông Peskov nhấn mạnh: “Chưa có quyết định nào về vấn đề này được đưa ra”.
Theo luật của Nga, bầu cử tổng thống thường diễn ra vào giữa tháng 3. Tuy nhiên, Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga được cho sẽ công bố thời điểm cụ thể của cuộc bầu cử năm 2024 vào tháng 12 năm nay.
Ông Putin từng phục vụ 2 nhiệm kỳ Tổng thống Nga từ năm 2000-2008. Trong khoảng thời gian từ 2008-2012, ông Putin giữ vai trò Thủ tướng Nga. Sau đó, ông Putin thắng cử nhiệm kỳ Tổng thống thứ 3 trong năm 2012 và nhiệm kỳ thứ 4 năm 2018.
Theo hiến pháp sửa đổi của Nga sau trưng cầu ý dân năm 2020, ông Putin hoàn toàn có thể tranh cử thêm hai nhiệm kỳ trong năm 2024 và 2030.
Cuộc bầu cử tại quốc gia đông dân nhất thế giới
Thủ tướng Narendra Modi (thứ 2 trái) phát biểu trước phiên họp Quốc hội ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 20/7. Ảnh: AFP/TTXVN
Gần một tỷ người Ấn Độ được kêu gọi tham gia bỏ phiếu vào tháng 4 và tháng 5 năm sau. Thủ tướng Narendra Modi và đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) kỳ vọng có thể giành chiến thắng nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp.
Những người ủng hộ ghi nhận ông Modi là chính trị gia đã nâng cao vị thế của Ấn Độ trên trường quốc tế. Vào tháng 8, Ấn Độ chỉ trở thành quốc gia thứ tư đưa tàu không người lái lên Mặt Trăng sau Nga, Mỹ và Trung Quốc. Ấn Độ cũng có kế hoạch đưa người lên Mặt trăng vào năm 2040.
Ông Modi trở thành thủ tướng Ấn Độ vào năm 2014 sau đó giành chiến thắng nhiệm kỳ thứ hai với đảng BJP năm 2019.
Cuộc kiểm tra của EU
Cuộc bầu cử xuyên quốc gia lớn nhất thế giới diễn vào tháng 6/2024 với hơn 400 triệu cử tri đủ điều kiện từ 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) chọn ra 720 thành viên Nghị viện châu Âu. Cuộc bỏ phiếu sẽ là phép thử về sự ủng hộ dành cho những người theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu vốn giành được chiến thắng trong một số cuộc bầu cử 2 năm trở lại đây. Các ví dụ là ông Geert Wilders trở thành tân thủ tướng Hà Lan và bà Giorgia Meloni trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Italy năm 2022.
Mexico lần đầu tiên có nữ tổng thống?
Bà Claudia Sheinbaum. Ảnh: A[
Cuộc bầu cử tại Mexico vào tháng 6 có thể tạo lịch sử với nữ tổng thống đầu tiên tại quốc gia có truyền thống lựa chọn lãnh đạo là nam giới. Cựu thị trưởng Mexico City Claudia Sheinbaum đang tranh cử đại diện đảng Morena của Tổng thống sắp mãn nhiệm Andres Manuel Lopez Obrador.
Đối thủ của bà Sheinbaum cũng là một bóng hồng khác, nữ Thượng nghị sĩ Xochitl Galvez. Bà Galvez đã được chọn để đại diện cho liên minh đối lập có tên “The Broad Front for Mexico”. Các cuộc thăm dò ban đầu cho thấy bà Sheinbaum đang dẫn đầu mạnh mẽ.
Theo Báo Tin Tức