Năm học “đặc biệt”

03/09/2021 - 05:39

 - Năm học 2021-2022 diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt. Lẽ ra lúc này, học sinh đã tựu trường, sẵn sàng khai giảng năm học. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, giãn cách xã hội trong thời gian dài, tỉnh triển khai nhiều phương án khai giảng năm học mới chưa có trong tiền lệ, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe của học sinh, giáo viên và hướng đến mục tiêu giáo dục.

Tặng tập, sách giáo khoa cho học sinh hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm học mới. Ảnh: MỸ HẠNH

Đảm bảo an toàn

Để tổ chức các hoạt động đầu năm học mới, UBND tỉnh phê duyệt triển khai phương án đảm bảo thích ứng với từng cấp độ phức tạp của dịch bệnh COVID-19. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) An Giang Trần Thị Ngọc Diễm cho biết, giáo viên chủ nhiệm thông báo đến phụ huynh và học sinh biên chế lớp, nội quy, thời khóa biểu, nắm tình hình học sinh bị ảnh hưởng dịch bệnh, điều kiện học trực tuyến... qua điện thoại, tin nhắn SMS, nhóm Zalo, niêm yết công khai tại trường... Tổ chức sinh hoạt lớp dưới hình thức trực tuyến (online), từ ngày 1-9 đến trước 5-9-2021. Lễ khai giảng năm học 2021-2022 được tổ chức bằng hình thức truyền hình trực tiếp, lúc 7 giờ 30 phút ngày 5-9. Học sinh lớp 9 và 12 bắt đầu thực học vào ngày 6-9 bằng hình thức dạy học trực tuyến.

Từ ngày 15-9, tùy theo tình hình dịch bệnh, tất cả cơ sở giáo dục phổ thông (từ lớp 1 đến 12) tổ chức hoạt động giáo dục theo 1 trong 3 phương án cụ thể, như: dạy học trực tuyến hoàn toàn (trong điều kiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ), dạy trực tiếp theo hình thức chia đôi lớp học kết hợp với dạy học trực tuyến (trong điều kiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ) hoặc dạy học trực tiếp hoàn toàn (khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt). Riêng bậc học mầm non chỉ tổ chức hoạt động dạy học khi dịch bệnh đã được kiểm soát.

Em Tống Anh Hùng cho biết, học tập bằng hình thức online khá bất tiện, nhất là khi không có điện thoại hoặc máy tính xách tay cá nhân. Ảnh: THANH TIẾN

Ngành GD&ĐT phối hợp chặt chẽ với sở, ban, ngành và địa phương xây dựng phương án đảm bảo công tác dạy và học, an toàn cho học sinh, giáo viên. Ưu tiên và chuẩn bị sẵn sàng phương án dạy học trực tuyến thông qua các ứng dụng, như: Viettel Study, VNPT elearning, K12 Online, Zalo, Zoom Meeting, Google Meet, tài liệu trực tuyến, ngân hàng video… Xây dựng công cụ, kho tài liệu, học liệu dùng chung, tạo thành ngân hàng video phù hợp với điều kiện của cơ sở giáo dục; giới thiệu nguồn, kênh thông tin, tài liệu để hỗ trợ hoạt động dạy và học trong điều kiện phòng, chống dịch.

Trong công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo Sở GD&ĐT sẵn sàng các phương án tổ chức dạy học, tăng cường biện pháp chống dịch trong trường học; tổ chức khai giảng năm học mới linh hoạt theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến, tùy tình hình dịch bệnh tại địa phương, bảo đảm an toàn, thiết thực. Trường hợp chưa đảm bảo an toàn phòng dịch, có thể tổ chức lễ khai giảng chung theo hình thức trực tuyến hoặc trên truyền hình để học sinh thuộc khu vực đang giãn cách xã hội được hòa chung không khí khai giảng của địa phương và cả nước.

Đối với địa phương có dịch COVID-19 phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định lùi thời điểm bắt đầu năm học mới cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát; dành thời gian trước mắt để tập trung chống dịch, động viên giáo viên vừa tham gia chống dịch theo phân công, vừa chuẩn bị thật tốt mọi điều kiện để triển khai năm học mới khi ổn định.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) Ngô Văn Quí cho biết, việc học online ở các lớp lớn có thể thực hiện được, vì năm học trước, giáo viên và học sinh đã được tiếp cận. Điều khó nhất là dạy cho đối tượng học sinh lớp nhỏ, nhất là lớp 1, vì học sinh chưa ý thức việc học tập nền nếp. Tuy khó, nhưng nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản thì phụ huynh, học sinh có thể tiếp cận được.

Vệ sinh sân trường chuẩn bị năm học mới. Ảnh: THANH HÙNG

Nhiều vấn đề đặt ra

Theo ghi nhận của phóng viên, công tác chuẩn bị cho năm học mới được khẩn trương thực hiện, đảm bảo phù hợp tình hình dịch bệnh. Trưởng phòng GD&ĐT huyện An Phú Võ Hoàng Lâm cho biết, huyện tập trung tuyên truyền cho người dân nắm các phương án đã được UBND tỉnh phê duyệt; huy động, tuyển sinh bằng nhiều hình thức, như: trực tiếp, gián tiếp, trực tuyến trên phần mềm tuyển sinh đầu cấp do 2 nhà cung cấp của VNPT và Viettel cung cấp. Việc chuẩn bị dạy học trực tuyến đã được xây dựng kế hoạch khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và có phương án dạy trực tuyến trong thời gian dài nếu cần thiết. Riêng việc chuẩn bị cơ sở vật chất, cảnh quan trường học còn bị động do thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Việc học trực tuyến đang là vấn đề đặt ra, khi nhiều học sinh “lúng túng”, khó tiếp cận phương pháp, nhất là ở vùng núi, điều kiện khó khăn. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tịnh Biên Trương Chính Văn thông tin, Tịnh Biên là vùng biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, nên hình thức học trực tuyến không thật sự thuận lợi. Khó khăn đầu tiên nằm ở điều kiện kinh tế của gia đình học sinh. Nhiều em chưa được trang bị điện thoại thông minh hoặc máy tính xách tay, nên thiếu phương tiện học tập theo hình thức trực tuyến.

Mặt khác, việc tiếp thu bài giảng qua hình thức trực tuyến đối với học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer là “rào cản” lớn, nhất là các em bậc tiểu học chưa thành thạo tiếng Việt. Ngay cả học sinh bậc THCS, THPT cũng cảm thấy khó khăn khi tiếp cận hình thức học tập online. Bên cạnh đó, hệ thống đường truyền, chất lượng băng thông ở vùng biên giới, vùng núi chưa ổn định, ảnh hưởng đến quá trình tiếp thu kiến thức của các em. Em Tống Anh Hùng (học sinh lớp 7, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, xã An Phú, huyện Tịnh Biên) cho biết: “Học tập theo hình thức online khá bất tiện, nhất là khi em chưa có điện thoại thông minh hoặc máy tính xách tay cá nhân, phải mượn của ba mẹ. Em cố gắng học online những ngày đầu năm, để khi trở lại trường sẽ tích lũy kiến thức tốt hơn”.

Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020- 2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021- 2022. Ảnh: THANH HÙNG

Để tháo gỡ vấn đề này, nhiều trường yêu cầu giáo viên tóm lược nội dung cơ bản của bài học ra văn bản giấy, cung cấp cho học sinh nghiên cứu. Khi học sinh được quay lại trường lớp, giáo viên bố trí thời gian phụ đạo, củng cố kiến thức để các em theo kịp chương trình. Ngoài ra, thành lập các tổ giáo viên quay video clip bài giảng, cung cấp cho học sinh, giúp các em tiếp cận kiến thức một cách trực quan, sinh động hơn.

Cùng với việc chuẩn bị học liệu, ngân hàng video học trực tuyến phù hợp cho các lớp học, trong quá trình giảng dạy, giáo viên tăng cường quan tâm đến tâm lý của học sinh, có sự tư vấn, hỗ trợ cho gia đình gặp khó trong việc học online của con trẻ. Khó tới đâu sẽ gỡ khó đến đó, để học sinh có thể tham gia học tập và đạt được mục tiêu giáo dục.

Trang bị thuốc cho phòng y tế của trường. Ảnh: THANH HÙNG

Băn khoăn, lo lắng

Chị Nguyễn Thị Thúy An (ngụ xã Long Điền B, huyện Chợ Mới) ủng hộ việc học trực tuyến, bởi chị cho rằng, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp thì chỉ có cách học tại nhà mới là tốt nhất để bảo vệ sức khỏe. Chị An chia sẻ: “Tôi có 2 đứa con, bé nhỏ đang học mầm non, bé lớn vừa học xong lớp 1. Trong những ngày hè, tôi cho con vui chơi, nhưng không quên tìm sách tham khảo, mẫu chuyện, bài tập toán để con ôn tập. Con tôi đã làm quen với hướng dẫn học tại nhà từ các video trên mạng, nên nếu sắp tới có học trực tuyến, tôi nghĩ con sẽ thích ứng được. Nhưng trường hợp việc học online kéo dài, tôi vất vả hơn rất nhiều, vì vừa phải bán hàng tại nhà, vừa hỗ trợ con học”.

Chị Trần Thị Ngọc Mai (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) băn khoăn về việc học trực tuyến của con. “Dịp hè, tôi cho con về quê ngoại ở Chợ Mới đến nay, do thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg vẫn chưa rước về. Tình hình dịch bệnh phức tạp, phải học trực tuyến thì gia đình tôi gặp khó. Bởi công việc của tôi chỉ có thể làm 50% trực tuyến, còn lại vẫn phải làm việc tại đơn vị. Nếu rước con về học thì tôi không thể ở nhà xuyên suốt giúp con học tập. Còn để lại bên ông bà thì không ai rành công nghệ, không thể hỗ trợ, kèm cặp việc học trực tuyến” - chị Mai chia sẻ.

Chuẩn bị cho năm học mới, giáo viên được giao trách nhiệm liên lạc để nắm rõ số lượng học sinh học online và không có điều kiện học online, đề ra phương án dạy phù hợp. Các trường phân công, hướng dẫn, giúp giáo viên nắm rõ cách xây dựng giáo án, bài giảng, phân công đồng nghiệp giúp đỡ giáo viên chưa nắm rõ công nghệ thông tin. Theo cô Trần Thị Mộng Thu (giáo viên chủ nhiệm lớp 1, Trường Tiểu học “C” Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú), giáo viên lớp đầu cấp và cuối cấp sẽ vất vả trong việc chuyển giao danh sách học sinh, kể cả việc giáo viên phải liên lạc phụ huynh trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Ra vào trường đều phải rửa tay sát khuẩn. Ảnh: THANH HÙNG

Cô Phạm Thị Thanh Tâm (giáo viên Trường Tiểu học Tân Trung, huyện Phú Tân) cho biết, hình thức dạy online năm nay giống với cách từng thực hiện trước đó: giáo viên thiết kế bài giảng, thu âm, sau đó tải lên website của trường cho phụ huynh biết đường link để đăng nhập. Website còn giúp điểm danh được số học sinh vào học. Hiện, giáo viên quản lý học sinh bằng cách cuối mỗi bài dạy sẽ có bài tập cho các em, yêu cầu gửi bài làm vào nhóm Zalo của lớp, thầy và trò cùng tương tác để trao đổi bài và thông tin về lớp học… Theo cô Tâm, khi thực hiện hình thức dạy học online, một số giáo viên gặp khó khi thiếu học liệu để dạy trực tuyến và sử dụng phần mềm dạy trực tuyến chưa thông thạo. Giáo viên còn lo lắng nhiều học sinh không có máy tính, điện thoại thông minh, trong khi có phụ huynh không quan tâm việc học của con em, thậm chí không biết cách mở máy cho các em học.

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến khó lường, nhiều vấn đề đặt ra cho năm học mới. Tuy nhiên, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự hỗ trợ của toàn xã hội, kỳ vọng năm học mới sẽ được triển khai đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và mang lại những điều tốt nhất cho học sinh.

Chị Nguyễn Thị Lam (ngụ phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) cho rằng: “Nếu có thể thì nên chậm lại việc học trực tuyến ở các lớp nhỏ, nhất là với học sinh lớp 1. Vì các con chưa đến trường, chưa xây dựng nền nếp học tập. Nếu ở trường, con sẽ nghe lời giáo viên hướng dẫn, còn tại nhà, tôi e ngại con không chịu ngồi yên, việc học không hiệu quả. Hơn nữa, nếu học tại nhà, buộc phụ huynh vừa sắp xếp công việc, vừa chăm con học, khó đảm bảo việc học của con và việc làm của gia đình”.

PHÓNG VIÊN VĂN HÓA - XÃ HỘI