Năm học đặc biệt

19/09/2021 - 09:41

Đã gần hết tháng tám, chuẩn bị vào năm học rồi mà tình hình dịch bệnh còn chưa có dấu hiệu giảm xuống.

Anh Lĩnh lo lắm. Đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ tư này, thành phố nơi gia đình anh ở đã không tránh khỏi. Dù toàn thành phố đã thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 nhưng vẫn có ca nhiễm trong cộng đồng. Mà lo thì lo vậy, chứ bản thân anh làm được gì đâu. Cứ ở yên trong nhà đã là góp phần chống dịch rồi. Cả tháng nay, gia đình anh ở nhà, suốt ngày quanh quẩn trong bốn bức tường của căn phòng trọ nhỏ hẹp.

- Nếu mà học online thì con mình coi như bỏ học - tiếng chị Thoa - vợ anh Lĩnh - buồn buồn cất lên cùng với tiếng thở dài thườn thượt cắt ngang dòng suy nghĩ của anh.

Đó là điều mà anh trăn trở bấy lâu nay. Càng đến gần năm học anh càng thêm lo lắng. Nếu như dịch Covid 19 chưa khống chế được thì chắc chắn người ta phải cho học online như năm trước các tỉnh khác đã làm còn gì. Chứ nghỉ học mãi sao được, chờ hết dịch mới vào học có mà muộn mất. Mà biết đến bao giờ mới hết dịch. Anh Lĩnh đưa tay vò đầu. Lòng anh rối như tơ vò. Con anh năm nay mới vào lớp Một. Nếu học online thì biết đường nào mà học. Quan trọng hơn là anh không có máy tính cho con học.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Anh Lĩnh nằm thừ ra giường, nước mắt lặng lẽ chảy dài. Anh vẫn nghĩ cuộc đời này còn có khó khăn gì mình chưa trải qua? Có khó khăn nào có thể đánh gục thằng đàn ông vừa lọt lòng đã mồ côi mẹ, năm tuổi lại mất cha, tuổi nhỏ sống cùng bà nội già yếu. Bà cháu chăm nhau. Lĩnh lớn lên như cỏ dại, rời nhà trường khi vừa học hết cấp hai. Mười sáu tuổi bươn chải với cuộc đời, khấp khểnh cuộc mưu sinh. Năm Lĩnh hai mươi, bà nội qua đời. Lĩnh rời quê lên phố tìm việc. Lĩnh làm phụ hồ, hết công trình này đến công trình kia. "Ở phố có bao giờ hết việc" - một ông chú làm cùng nói với Lĩnh như vậy. Và thế là Lĩnh yên tâm bám trụ lại thành phố từ đó. Lĩnh chăm chỉ, tiết kiệm, một năm cũng đã mua được chiếc xe máy. Ngoài thời gian phụ hồ, thi thoảng rảnh, Lĩnh còn chạy xe ôm. Cũng nhờ chạy xe ôm mà Lĩnh gặp và quen Thoa. Rồi hai người cưới nhau sau một năm. Gọi là cưới vậy thôi chứ cũng chẳng tổ chức rình rang gì bởi hai con người đó, hai mảnh đời côi cút không người thân. Ngày họ về với nhau trong căn nhà trọ này chỉ có vài người bạn chơi thân được mời đến cùng nâng chén rượu chúc mừng cho đôi trẻ trăm năm hạnh phúc. Thoắt cái đã bảy năm. Từng ấy thời gian, thành phố có bao giờ hết việc. Lĩnh vẫn đi làm phụ hồ, vẫn chạy xe ôm những lúc rảnh. Còn vợ anh vẫn đi mua nhôm nhựa, ve chai mỗi ngày. Cuộc sống gia đình vậy mà cứ bình yên trôi qua. Lĩnh ngồi dậy, nói bâng quơ:

- Nhớ trước lên đây làm, chú Bốn nói: "Ở phố có bao giờ hết việc". Ngày đó làm thật sướng, có những khi mệt, chỉ mong được một ngày nghỉ. Giờ thì phải nghỉ nằm nhà một cách bất đắc dĩ. Phố buồn rồi.

- Phố có hết việc đâu anh! Phố vẫn đầy việc đang chờ nhưng vì dịch nên đành hoãn lại. Mình ở nhà thôi, chứ cán bộ phòng chống dịch họ vẫn phải ngày đêm làm việc mà.

- Ừ.

Lĩnh lại nằm đổ ra giường, túm lấy bàn chân thằng con gãi gãi làm nó nhột cười ngặt nghẽo. Mớ đồ chơi xếp hình bị đổ rời ra.

- Chắc phải đi mua cái máy tính cho con thôi, vào học đến nơi rồi. Cứ để nước đến chân mới nhảy rồi lại chẳng biết xoay xở thế nào.

- Nhưng giờ này ai cho đi ra đường cơ chứ. Máy tính đâu phải hàng thiết yếu. Biết có chỗ nào mở cửa bán mà mua? Không khéo máy thì không mua được mà còn bị phạt vì vi phạm Chỉ thị 16 ấy chứ.

- Cứ phải thử xem.

Lĩnh nói vậy và làm thật. Anh mặc đồ, xịt vài hạt tinh dầu sả lên khẩu trang rồi đeo lại; đeo kính chắn giọt bắn, đội mũ bảo hiểm cẩn thận rồi dắt xe ra. Lĩnh đang loay hoay mở cổng đường luồn khu trọ thì nghe tiếng chị chủ nhà:

- Ủa Lĩnh. Cậu dắt xe đi đâu tầm này vậy?

- Em đi tìm mua cái máy tính, chuẩn bị cho thằng Kin nó học online.

- Về, quay về ngay cho chị. Máy mó gì giờ này. Cậu không thấy cả thành phố đang giãn cách theo Chỉ thị 16 à?

- Nhưng…

- Không nhưng nhị gì hết. Giờ cậu có đi cũng không chỗ nào mở bán đâu. Giữ an toàn cho mình và cho cả cộng đồng chứ. Nếu ai cũng đi một tí vì có việc như cậu thì thành phố loạn à?

Lĩnh ngại ngùng quay xe vào khi nghe chị chủ nhà nói vậy, còn khuôn mặt thì rầu rĩ khi nghĩ đến năm học mới của con. Đến chừng nào dịch mới hết đây. Vợ Lĩnh đang thêu tên con trên mấy cái phù hiệu đặt mua từ hôm mua quần áo đồng phục. Nhìn vợ tỉ mẩn thêu từng nét chữ, Lĩnh lại càng sốt ruột. Áo quần có rồi, sách vở có rồi, giờ chỉ chờ hết dịch thôi.

- Đây, chiếc máy tính của bé Thảo nhà chị từ ngày xưa. Giờ nó đi học đại học, dùng máy mới rồi. Cái này hơi cũ chút, không sạc pin được nữa, lúc nào dùng cũng phải cắm điện nhưng chạy vẫn ổn lắm. Cậu không chê thì cầm lấy cho cháu nó dùng, khỏi đi mua bán đâu cả!

Lĩnh vội vàng ra cửa đón lấy chiếc máy tính từ tay chị chủ nhà, miệng cười tươi hết cỡ mà mắt như lại ươn ướt, rưng rưng.

- Ôi, em cảm ơn chị nhiều lắm. Cảm ơn bác đi con - Lĩnh vừa nói vừa nhắc con cảm ơn bác chủ nhà tốt bụng.

Lĩnh cho con mặc thử đồng phục của trường. Chiếc áo đã được gắn logo và phù hiệu đầy đủ. Nhìn con lớn hẳn trong bộ đồng phục màu trắng của ngày khai giảng, Lĩnh vui lắm. Đời mình đã ít học, đã khổ, phải cố gắng cho con học hành đàng hoàng, đến nơi đến chốn. Lĩnh nghĩ vậy rồi sung sướng ôm con vào lòng, thủ thỉ:

- Hết dịch thì mình đến trường khai giảng. Không hết dịch thì mình khai giảng online ở nhà cùng thầy cô và bạn bè. Con Cô-vy đáng ghét kia làm sao ngăn được sự nghiệp học hành của con trai ba cơ chứ, nhỉ!

- Thôi, cởi quần áo ra cho mẹ cất đi nào! Chờ hôm khai giảng con mặc nhé.

Nhìn hai vợ chồng Lĩnh vui vẻ bên thằng con tính chuyện đầu năm học, chị chủ nhà lặng lẽ quay ra mỉm cười. Năm học này đúng là rất đặc biệt. 

Truyện ngắn của Trương Thị Thúy

Theo Người Lao Động