Năm học mới với nhiều thách thức

23/09/2021 - 08:14

Năm học 2021 - 2022 vừa bắt đầu đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Mặc dù ngành giáo dục và các địa phương đã rất nỗ lực song nhiều nơi vẫn đối mặt với tình trạng thừa, thiếu giáo viên; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học không bảo đảm; học sinh ở vùng sâu, vùng xa không đủ điều kiện tham gia học trực tuyến.

Ngày 6-9, tỉnh Sơn La đã cho phép học sinh 11 huyện, thành phố (trừ huyện Phù Yên) đi học trở lại.

TẠI Sơn La, đến thời điểm này, các trường học tại 11 huyện, thành phố đã đi học được hơn hai tuần. Tuy nhiên, riêng huyện Phù Yên vẫn còn 27 xã, thị trấn đang thực hiện giãn cách xã hội, có 28 đơn vị trường học đang được dùng làm khu cách ly tập trung và điều trị F0.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La Nguyễn Huy Hoàng cho biết: Ngoài khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên thì khó khăn lớn nhất mà tỉnh đang gặp phải là tổ chức học trực tuyến cho học sinh. Anh Cầm Văn Tứ, dân tộc Thái, bản Lằn, xã Mường Do, huyện Phù Yên chia sẻ: Gia đình có một cháu học lớp 8 và một cháu năm nay vào lớp 1, vì điều kiện kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn nên việc mua sắm, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị phục vụ việc học tập trực tuyến không thể thực hiện được.

Không chỉ gia đình anh Tứ, điều kiện của các gia đình ở bản không thể đáp ứng được việc học trực tuyến do thiếu các thiết bị như máy tính, điện thoại thông minh và ti-vi kết nối với sóng truyền hình. Thậm chí nhiều bản còn chưa có mạng internet, nhiều học sinh ít có điều kiện tiếp xúc với công nghệ thông tin nên chưa biết thao tác, sử dụng máy tính, phần mềm học trực tuyến...

Khó khăn này không chỉ ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa mà ngay cả ở thành phố lớn. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng, Lê Thị Bích Thuận cho biết: Hầu hết các trường học tại Đà Nẵng không thể đạt được tỷ lệ 100% dạy và học trực tuyến, có gần 700 học sinh Đà Nẵng không đủ điều kiện để học trực tuyến do đang kẹt lại các địa phương khác do dịch Covid-19.

Tại huyện Hòa Vang, số học sinh không có điện thoại thông minh, máy tính hoặc internet chiếm tỷ lệ cao nhất. Tại xã vùng núi Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) có 570 học sinh đang học tại hai trường THCS Nguyễn Tri Phương và tiểu học Hòa Bắc, trong đó có 112 em không thể có điều kiện kết nối học trực tuyến.

Ông Thái Văn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết: Là địa bàn thuộc vùng núi, vùng sâu, vùng xa, phụ huynh học sinh phần lớn là người đồng bào dân tộc Cơ Tu, chủ yếu làm nông, đời sống rất khó khăn, hầu hết học sinh học trực tuyến bằng điện thoại của cha mẹ nên giờ giấc học tập bị phụ thuộc và không bảo đảm do phụ huynh đi làm nương, rẫy.

Vì vậy, một số giáo viên tại Hòa Bắc đã chuyển thời gian dạy trực tuyến từ ban ngày theo quy định sang buổi tối lúc 19 giờ, lúc đó, phụ huynh đã đi làm về và học sinh mới sử dụng điện thoại để học được. Ngoài ra, nhiều học sinh vẫn thiếu sách giáo khoa do phía phát hành sách vừa mới được hoạt động trở lại, địa bàn xa trung tâm nên chưa thể giao ngay.

Không chỉ khó khăn về cơ sở vật chất, tình trạng thiếu giáo viên các bậc học còn xảy ra ở nhiều địa phương, như Kon Tum thiếu 1.696 giáo viên và nhân viên; Thanh Hóa thiếu gần 9.000 giáo viên; Điện Biên thiếu 1.600 giáo viên... TP Đà Nẵng cũng không thể hoàn thành kế hoạch tuyển dụng và phân bổ giáo viên về các cơ sở giáo dục công lập vào đầu tháng 9 theo lộ trình do dịch bệnh kéo dài, giãn cách toàn thành phố. Để bảo đảm có đủ đội ngũ giáo viên trong năm học 2021 - 2022, ngành giáo dục Đà Nẵng và các quận, huyện tạm thời hợp đồng ngắn hạn số giáo viên đã hợp đồng trong năm học 2020 - 2021.

Học sinh Đà Nẵng học trực tuyến.

Ngay Hà Nội cũng xảy ra việc thiếu giáo viên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất là giáo viên môn tiếng Anh và Tin học. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến chia sẻ: Để dạy học ngoại ngữ bắt buộc từ lớp 3 với thời lượng bốn tiết/tuần, Hà Nội cần khoảng 1.500 giáo viên tiếng Anh tiểu học. Tuy nhiên, hiện thành phố có 800 giáo viên, như vậy cần tuyển mới khoảng 700 người…

Để khắc phục những khó khăn mà các địa phương đang gặp phải, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” nhằm giúp hàng triệu học sinh có thể học tập trực tuyến. Ngành giáo dục sẽ phối hợp các bộ, ngành, các địa phương để tiếp nhận sự ủng hộ, điều phối, sử dụng hiệu quả, kịp thời, đúng đối tượng và công khai, minh bạch, sử dụng hiệu quả những món quà mà toàn xã hội trao tặng và hỗ trợ cho học sinh. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang và sẽ tiếp tục điều chỉnh nội dung và phương pháp dạy và học trực tuyến, dạy và học trên truyền hình sao cho phù hợp  tình hình và thực tiễn chuyển đổi trạng thái nền giáo dục thích ứng với tình hình có dịch.

Đối với tình trạng thừa, thiếu giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn địa phương rà soát việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng giáo viên hợp lý, hiệu quả; đồng thời có giải pháp lâu dài để quy hoạch, tuyển dụng và bố trí đủ giáo viên dạy đúng và đủ các môn học, thực hiện điều tiết giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, bảo đảm “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”; ưu tiên bảo đảm giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Căn cứ số liệu thừa, thiếu giáo viên trên cả nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ giao bổ sung hơn 94 nghìn biên chế trong giai đoạn 2021 - 2025, trong đó riêng năm 2021 đề nghị bổ sung khoảng 30 nghìn biên chế gồm 20 nghìn biên chế giáo viên cho các môn học mới cấp tiểu học, cấp THPT và 10 nghìn biên chế giáo viên mầm non cho các tỉnh vùng sâu, vùng xa khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.

Theo Nhân Dân