Năm rồng gặp “Vua xương rồng” miền Tây

11/02/2024 - 21:44

 - Theo đuổi đam mê bằng cả tâm huyết với cây xương rồng, ông Phạm Phúc Giác (60 tuổi, ngụ thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) được mệnh danh là “Vua xương rồng” miền Tây. Hơn 40 năm qua, ông Phúc đã sưu tầm, trồng, lai tạo và nhân giống hơn 100.000 cá thể xương rồng, với hơn 2.000 giống loài khác nhau.

Tiếp chúng tôi trong khu vườn rộng khoảng 1.000m2, đây là nơi ông Giác sưu tầm, trồng, lai tạo và nhân giống hơn 2.000 giống xương rồng khác nhau có nguồn gốc trong và ngoài nước. Ông Giác kể, khoảng 18 - 19 tuổi, ông đã thấy được vẻ đẹp của cây xương rồng và quyết chí sưu tầm loài cây còn xa lạ với rất nhiều người thời bấy giờ.

Lúc đó, sách báo, Internet còn hạn chế, đường sá đi lại còn khó nhưng hễ biết ở đâu có xương rồng, ông Giác tìm đến xin hoặc mua về trồng. “Hồi đó đi lại khó khăn, đò sông cách trở nên mua được cây xương rồng mừng lắm nhưng chở về nhà là cả vấn đề. Trên quãng đường dài, chở xương rồng bằng xe gắn máy tôi chấp nhận bị gai xương rồng đâm vào lưng, vào người đổ máu. Nhiều người nói xương rồng chỉ sống được ở vùng sa mạc, đất đai khô cằn, đem về vùng sông nước trồng vài ngày là chết, mua làm chi cho phí tiền. Tôi không nghĩ vậy, vì tôi tin loài cây gai góc này có sức sống mãnh liệt, dù là sa mạc khô cằn, khắc nghiệt mà còn phát triển được thì trồng ở bất cứ nơi đâu cũng sống được, vấn đề là mình hiểu được tính nết của nó hay không” - ông Giác nhớ lại.

Không nản lòng, ông Giác tự tìm tòi đặc tính từng loại cây khi mới sưu tầm, rút kinh nghiệm với những cây đã chết hay kém phát triển. Ông Giác cho biết, thấy cây xương rồng cứng rắn, có gai nhọn, hình dáng xù xì nghĩ rằng dễ trồng là sai lầm. Mỗi loài cây cảnh, hoa kiểng đều có cách chăm sóc riêng, chăm sóc bê trễ hay không đúng cách hoa nở không đẹp hay tàn tạ và xương rồng cũng không ngoại lệ. Thân xương rồng kén nước nên khi tưới phải tưới lượng nước thích hợp, tùy theo từng loại cây, từng thời điểm sinh trưởng và phát triển mà tưới khác nhau.

Ngoài ra, mùa mưa phải chăm sóc cây ra sao, mùa hè và mùa đông phải chăm sóc thế nào, nếu không xương rồng hư rễ chết dần. Khó tính như thế nên nhiều người thích xương rồng, bỏ ra rất nhiều tiền mua xương rồng từ nước ngoài về trồng, không lâu phải luyến tiếc đem bỏ xác cây.

Ông Giác chia sẻ, hơn 40 năm qua, ngay khi đam mê và tập tành sưu tầm xương rồng về trồng, ông đã quyết tâm, kiên trì theo đuổi đến cùng, nghiên cứu, tìm hiểu rõ, xuất xứ, đặc tính sinh học, độ ẩm, nhiệt độ, đất trồng, thời tiết, dinh dưỡng… cũng như “tính nết” của từng giống loài xương rồng. Ngày xưa, vài tháng có khi cả năm mới sưu tầm được một giống xương rồng nên thời gian đầu, vườn xương rồng chỉ có vài chục giống loài.

Có những cây xương rồng rất quý hiếm, có giá trị cao được nhiều người hỏi mua nhưng ông không bán. Đến nay, ông Giác đã sưu tầm, am hiểu hơn 2.000 giống loài xương rồng khác nhau, đồng thời đã trồng, lai tạo và nhân giống hơn 100.000 cá thể xương rồng các loại.

Bất cứ ai có thắc mắc về xuất xứ, nguồn gốc, quá trình sinh trưởng, phát triển, cách trồng, lai tạo và nhân giống xương rồng ra sao ông Giác đều vui vẻ giải đáp, hướng dẫn một cách nhanh chóng và rõ ràng. Thế nên, khi nhắc đến ông Giác, những người trồng và chơi xương rồng đã gọi ông là “Pho từ điển sống về xương rồng”.

“Tôi trồng được xương rồng là nhờ nắm được các đặc tính sinh học của cây để phát triển và tồn tại. Ngay cả các bạn ở nước ngoài khi nhìn thấy cây xương rồng tôi trồng cũng bất ngờ, vì nhiều giống xương rồng khó trồng ở bản địa nhưng trồng được ở Việt Nam, đồng thời phát triển rất tốt. Muốn được như vậy, tôi phải không ngừng nghiên cứu, tự tìm tòi, học hỏi, trải nghiệm qua nhiều lần thất bại mới đi đến sự thành công như hiện nay” -  ông Giác chia sẻ.

Với sự am hiểu và kinh nghiệm trồng xương rồng phong phú của mình, liên tiếp nhiều năm liền ông Giác giành được nhiều giải thưởng khi dự thi, triển lãm xương rồng ở khắp nơi trong cả nước. Tên tuổi ông Giác dần được bạn bè trong và ngoài nước biết đến.

Năm 2004, các cán bộ Vườn quốc gia Ba Vì (TP. Hà Nội) biết ông Giác là người đam mê sưu tầm, nghiên cứu, tìm hiểu, trồng và lai tạo thành công nhiều giống loài xương rồng nên đến mời ông làm kỹ thuật viên trồng và phát triển cây xương rồng trong vườn quốc gia.

Sau thời gian cùng các cán bộ Vườn quốc gia Ba Vì trao đổi kỹ thuật và chung tay chăm sóc, vườn xương rồng đã phát triển rất tốt, từ đó góp phần bảo vệ, giữ gìn, làm phong phú, đa dạng thêm nhiều giống loài xương rồng ở Việt Nam. Với những cống hiến của ông, năm 2007 ông Giác đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp nông nghiệp và phát triển nông thôn”.

Ông Giác cho biết, đến nay, ông đã sưu tầm, trồng, lai tạo và nhân giống được tất cả 5 bộ sưu tập xương rồng. Trung bình mỗi bộ sưu tập có từ 500 - 600 giống loài xương rồng khác nhau, với hơn 20.000 cá thể. Ngoài ra, nhiều khu du lịch, doanh nghiệp khắp nơi trong cả nước đã đề nghị được sở hữu các bộ sưu tập xương rồng và mời ông làm kỹ thuật viên thiết kế khu vườn cây xương rồng. Gần đây nhất vào năm 2019, ông Giác đã chuyển giao bộ sưu tập xương rồng thứ 4 của mình và nhận làm cố vấn chăm sóc, thiết kế cảnh quan vườn xương rồng tại Vinpearland Nha Trang.

“Hiện nay, bộ sưu tập thứ 5 trong vườn nhà tôi cũng sẽ là bộ sưu tập cuối cùng, vì tôi đã lớn tuổi, không có người tiếp nối. Bên cạnh đó, để sưu tầm, trồng, lai tạo và nhân giống đầy đủ một bộ sưu tập xương rồng cần rất nhiều thời gian và công sức. Nhìn lại cả cuộc đời của mình, tôi đã đam mê, tâm huyết sưu tầm, trồng và am hiểu hơn 2.000 giống loài xương rồng khác nhau trong và ngoài nước, tôi cảm thấy mình hạnh phúc lắm rồi”.

Ông Giác vui vẻ: “Đối với người mê xương rồng thì mỗi loài, mỗi cá thể xương rồng đều có hình dáng, hoa, gai… đẹp khác nhau nên để định chuẩn loài xương rồng nào đẹp rất khó. Xương rồng tượng trưng cho sự cần cù lao động, tình yêu và tuổi trẻ… tuy mộc mạc, đơn sơ, nhiều gai góc nhưng vẫn mang đến cho đời những bông hoa đẹp đầy màu sắc”. 

TRỌNG TÍN