Nâng cao chỉ số thương mại điện tử ở An Giang

16/06/2022 - 07:24

 - Dịch bệnh COVID-19 lại là cơ hội thúc đẩy thương mại điện tử (TMĐT) phát triển. Các thương nhân đã nỗ lực chuyển đổi số để nắm bắt cơ hội kinh doanh mới. Người tiêu dùng trực tuyến tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng, tạo ra sự phát triển vững chắc trong lĩnh vực TMĐT của tỉnh.

Theo đánh giá của Sở Công Thương An Giang, các thương nhân và người tiêu dùng đã nhanh chóng thích nghi và năng động, chủ động hơn trong hoạt động chuyển đổi số và kinh doanh trực tuyến. Nhờ đó, TMĐT những năm qua phát triển mạnh mẽ.

Hoạt động chuyển đổi số của thương nhân và người tiêu dùng còn thể hiện rõ ràng hơn. Số người tiêu dùng trực tuyến mới tăng lên và đông đảo người mua đã trở thành người tiêu dùng thông minh, thành thạo hơn kỹ năng mua sắm trực tuyến, thậm chí một bộ phận đáng kể người tiêu dùng ưu tiên mua sắm trực tuyến hơn so với mua sắm truyền thống. Nhiều thương nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp (DN) TMĐT, tích cực triển khai các hoạt động chuyển đổi số để thích nghi với đại dịch cũng như chuẩn bị cho hoạt động kinh doanh trong trạng thái “bình thường mới” sau đợt dịch thứ 4.

Từ những khó khăn do phụ thuộc vào một kênh mua sắm duy nhất trong giai đoạn đại dịch, đông đảo khách hàng đã trở nên quen thuộc với hình thức mua sắm đa kênh. Từ năm 2022, hình thức này trở thành xu hướng mua sắm chủ đạo. Mọi thương nhân cần nhanh chóng thay đổi để đáp ứng trải nghiệm mua sắm mới này của khách hàng.

Thanh toán không dùng tiền mặt khi mua xăng dầu tại Petrolimex An Giang

An Giang nằm trong số 44 tỉnh, thành phố đã xây dựng và vận hành sàn TMĐT hiệu quả, do Sở Công Thương là đơn vị chủ quản lý với tên miền http://sanphamangiang.com. Xu hướng kinh doanh thông qua sàn TMĐT ngày càng nổi bật. Sàn TMĐT luôn có nhiều chính sách hấp dẫn, thu hút các DN tham gia gian hàng trên hệ thống của mình.

Trụ cột đầu tiên trong chỉ số TMĐT là nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin ở An Giang trong 5 năm qua tăng giảm theo từng năm. Cụ thể, từ năm 2018 đến 2020, tỉnh đứng thứ 38, với số điểm từ 29,5-31,3; năm 2021, tỉnh đứng thứ 46, với 11,8 điểm; năm 2022, đứng thứ 41 với 12,6 điểm. Về chỉ số giao dịch giữa DN với người tiêu dùng (B2C): Năm 2018 tỉnh đứng 19, với 43,4 điểm; năm 2019 đứng thứ 18, với 46,9 điểm; năm 2020 đứng thứ 18, với 47,8 điểm; năm 2021 đứng thứ 17, với 44,4 điểm; năm 2022 đứng 18 với 23 điểm.

Đối với chỉ số về giao dịch giữa DN với DN (B2B), năm 2018 An Giang đứng thứ 54, với 15,9 điểm; năm 2019 đứng thứ 45, với 20,7 điểm; năm 2020 đứng thứ 33, với 28,9 điểm; năm 2021 đứng thứ 44, với 3,2 điểm; năm 2022 đứng 35/56 tỉnh với 13 điểm. Chỉ số cuối cùng là chỉ số TMĐT, năm 2018 tỉnh đứng thứ 39, với 32,5 điểm; năm 2019 đứng thứ 33, với 35,8 điểm; năm 2020 đứng thứ 31, với 39,2 điểm; năm 2021 đứng thứ 36, với 5,44 điểm; năm 2022 vượt lên vị trí thứ 27 với 16,9 điểm.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh về phát triển TMĐT, đến năm 2025, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT trên địa bàn tỉnh đạt 70%. Phấn đấu 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; khuyến khích 100% các đơn vị, hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ hiện có chấp nhận thêm phương thức thanh toán tiền điện tử...

Khách hàng quét mã QR, thanh toán tiền mua hàng tại chợ Tịnh Biên

Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thành Huân thông tin: “Đơn vị đã phối hợp các cơ quan liên quan, các tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán tổ chức triển khai chương trình thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh xăng dầu, cửa hàng kinh doanh bán lẻ...

Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản tăng cường giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt tại các kênh phân phối hàng hóa, nhằm nâng tỷ lệ thanh toán điện tử, đa dạng hóa các hình thức thanh toán, giúp người dân tiếp cận với công nghệ thanh toán hiện đại. Đặc biệt, chuyển dần từ hình thức thanh toán truyền thống sang hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là tại các chợ, siêu thị, cửa hàng xăng dầu, quán cà-phê, khu du lịch…”.

Thực hiện Chương trình thanh toán không dùng tiền mặt, thông qua thanh toán online, phát triển TMĐT, thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh An Giang, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công Thương phối hợp Viettel An Giang, VNPT An Giang tổ chức Chương trình thanh toán không dùng tiền mặt, với giải pháp sử dụng dịch vụ Viettel Money, VNPT Money, VNPT Pay tại chợ Mỹ Bình (TP. Long Xuyên); chợ Phú Hòa (huyện Thoại Sơn); chợ Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên); chợ Phường B (TP. Châu Đốc) và chợ Trà Mơn (TP. Long Xuyên). Tại các khu vực chợ, sau khi được nhân viên Viettel An Giang, VNPT An Giang giới thiệu tiện ích ưu đãi dịch vụ Viettel money, VNPT Money, VNPT pay, các hộ tiểu thương và người dân rất đồng tình ủng hộ, tích cực cài đặt ứng dụng để thanh toán qua QRCode.

Sở Công Thương phối hợp triển khai chương trình thanh toán không dùng tiền mặt trong hệ thống cửa hàng xăng dầu thuộc Petrolimex An Giang với giải pháp thanh toán tiên tiến, cho phép khách hàng ngoài cà thẻ còn có thể chạm để thanh toán bằng các loại thẻ Visa. Việc này đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ, tích hợp với cột bơm, kết nối không dây (wifi) để phục vụ khách hàng thanh toán ngay tại cột bơm.

Tuy nhiên, bước đầu việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt còn nhiều hạn chế; cần nhiều giải pháp tích cực hơn để nâng tỷ lệ sử dụng và người dân chuyển đổi nhận thức tích cực thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới.

HẠNH CHÂU