Đánh giá kết quả thực hiện dự án, Chủ tịch HND tỉnh Châu Văn Ly cho biết: “Với nỗ lực của Ban Điều hành và Quản lý dự án (ĐH&QLDA) cùng sự hỗ trợ tích cực của Tổ chức Phát triển nguồn nhân lực Châu Á (AsiaDHRRA), DA đã đạt được những mục tiêu quan trọng.
Trước tiên là thay đổi nhận thức của đồng bào Khmer về quy trình sản xuất (SX) đường thốt nốt đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cùng với đó là hỗ trợ vốn để bà con trang bị dụng cụ nấu đường và tiếp cận với đầu ra ổn định”.
HND tỉnh tiếp tục hỗ trợ các hộ tham gia dự án
Ban ĐH&QLDA đã mở 3 lớp tập huấn về quy trình SX và chế biến đường thốt nốt cho 60 ND thuộc 4 xã đang triển khai DA là: Châu Lăng, Núi Tô (Tri Tôn), An Phú và Nhơn Hưng (Tịnh Biên). Theo đó, ND được tập huấn về kiến thức SX, chế biến đường thốt nốt theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm và kỹ thuật xử lý để cây thốt nốt cho nước tối đa.
Ngoài ra, học viên còn được thông tin về mục tiêu, hoạt động của dự án và sự cần thiết phải thành lập tổ hợp tác giúp nhau trong SX. HND tỉnh còn hỗ trợ nguồn vốn 3,5 triệu đồng/hộ để cải tiến, trang bị lò nấu đường đạt chuẩn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai dự án trong những năm tiếp theo.
Trong năm thứ 2 thực hiện DA, HND phối hợp các địa phương và nhà tài trợ tiếp tục triển khai các bước hỗ trợ những hộ tham gia. Ban ĐH&QLDA đã hướng tới việc thành lập tổ hợp tác SX đường thốt nốt thông qua việc chọn lựa mỗi xã 1 hộ có điều kiện, nhiệt tình làm tổ trưởng để tập trung máy móc, phương tiện SX, tổ chức liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm.
Về lâu dài, đây là bước đi cần thiết để có điều kiện tập trung đầu mối thu mua, chế biến các sản phẩm từ nước thốt nốt, đồng thời đại diện ND giới thiệu, quảng bá, ký kết hợp đồng tiêu thụ đường thốt nốt. HND tỉnh còn tạo điều kiện cho các hộ tích cực trong dự án đi học hỏi kinh nghiệm, công nghệ SX ở các tỉnh có điều kiện gần giống với An Giang.
Đến tháng 2-2018, HND tiếp tục phối hợp Tổ chức AsiaDHRRA bàn giao 23 máy đánh đường cho ND thuộc 4 xã tham gia DA. Từ khi thực hiện DA đến nay, HND tỉnh đã bàn giao 52 máy đánh đường cho các hộ tham gia DA. Đây là tiền đề quan trọng nhằm giảm thiểu tính thủ công trong quy trình SX đường thốt nốt, đồng thời đảm bảo yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm truyền thống này.
“Mục tiêu chính của DA là nâng cao lợi ích từ việc SX và tiêu thụ đường thốt nốt, chúng tôi muốn các hộ tham gia phải có thu nhập cao hơn từ sản phẩm truyền thống. Khi nào bà con cải thiện được điều kiện kinh tế, có đầu ra ổn định và sản phẩm của họ tạo được niềm tin nơi người tiêu dùng thì mới phát huy hết ý nghĩa của DA” - ông Châu Văn Ly cho hay.
Năm 2018, Ban ĐH&QLDA thực hiện đăng ký nhãn hiệu “đường thốt nốt Bảy Núi” cho sản phẩm của ND tham gia DA. Hiện nay, sản phẩm đã có bao bì, nhãn mác và được giới thiệu, quảng bá tại nhiều hội chợ, sự kiện trong và ngoài tỉnh. Đây là hướng đi vững chắc để phát triển đặc sản của người Khmer vùng Bảy Núi.
“Hướng tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ bà con trong việc quảng bá sản phẩm, kết nối đầu ra song song với việc cập nhật những kiến thức cần thiết để mang đến những sản phẩm đường thốt nốt chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cung cấp ra thị trường” - ông Châu Văn Ly khẳng định.
THANH TIẾN