Theo các chuyên gia, rèn luyện thân thể, tập luyện TDTT thường xuyên theo chế độ, phương pháp phù hợp tuổi tác cần thiết cho sức khỏe mọi người. Sự vận động giúp con người thích nghi với cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày, nâng cao sức đề kháng, sự dẻo dai của cơ thể. Các động tác, bài tập TDTT có tác dụng giảm đau nhức khớp tay chân, an thần, cơ thể thon gọn, săn chắc, tăng lưu thông khí huyết, tăng cung cấp ô-xy cho não, khôi phục hoạt động các chức năng, hạn chế một số rối loạn và chứng bệnh mãn tính thường gặp ở người cao tuổi.
Có thói quen tập thể dục buổi sáng ở công viên Nguyễn Du (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang), ông Nguyễn Văn Nhàn (65 tuổi) cho biết: “Trước đây, tôi bị tai biến nhẹ, sức khỏe suy giảm, tay chân không linh hoạt. Để phục hồi sức khỏe, bác sĩ khuyên tôi thường xuyên tập thể dục, đặc biệt là bài tập dưỡng sinh. Tôi tập một thời gian, thấy sức khỏe dần được cải thiện”.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Minh (TP. Châu Đốc) thường xuyên chạy bộ tập thể dục. “Tôi tranh thủ hơn 5 giờ chiều hàng ngày chạy bộ cùng gia đình. Tôi thường chạy đều khoảng 20 phút rồi thư giãn, hít thở đều đặn, nhờ vậy ngoài 60 tuổi, tôi vẫn không mắc các bệnh lý tim mạch” - ông Minh chia sẻ.
Người cao tuổi tập thể dục - thể thao rèn luyện sức khỏe (Ảnh: THANH HÙNG)
Ngày nay, người cao tuổi không chỉ cần giữ gìn sức khỏe, mà còn phải có tinh thần thoải mái. Luyện tập TDTT là một trong những cách giúp người cao tuổi sống vui. Mỗi buổi sáng, bà Trần Thị Kim Yến (TP. Long Xuyên) đều đặn cùng bạn đồng niên đi bộ ra công viên gần nhà. Với bà, luyện tập thể thao mang đến niềm vui rất đặc biệt ở độ tuổi xế chiều, được duy trì nhiều năm nay. Từ niềm vui biến thành niềm đam mê lúc nào không hay. “Do lớn tuổi, tôi hay bị đau nhức xương khớp. Sau thời gian đi bộ buổi sáng, tôi thấy sức khỏe được nâng lên, bệnh đau nhức xương khớp giảm nhiều, tinh thần thoải mái hơn” - bà Yến chia sẻ.
Cũng giống như vợ chồng bà Yến, ông Lê Văn Thanh (68 tuổi, TP. Châu Đốc), ngoài thường xuyên đi bộ, ông còn đánh cờ tướng để thỏa niềm đam mê, giúp tinh thần được thư giãn, thoải mái. "Đánh cờ tướng trở thành môn giải trí không thể thiếu của tôi. Nhờ đi bộ và đánh cờ tướng mỗi ngày, tôi cảm thấy sức khỏe tốt, đầu óc luôn minh mẫn” - ông Thanh chia sẻ.
Với người cao tuổi, đạp xe tập thể dục không mất quá nhiều sức lực mà hiệu quả lại cao. Tự luyện tập một mình, ông Lê Văn Nhàn (TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) duy trì bộ môn này nhiều năm nay. Trước đây, ông bị tai biến mạch máu não nhẹ. Đến nay, ông Nhàn khẳng định mình khỏe mạnh, dẻo dai chính là nhờ chăm chỉ đạp xe tập thể dục.
Ông Nhàn cho biết: “Với người cao tuổi chúng tôi, xương khớp không còn dẻo dai thì đạp xe tập thể dục là thích hợp nhất. Dù tuổi đã cao, tôi vẫn duy trì thói quen đạp xe buổi sáng”. Tương tự, ông Trần Minh Giang (TP. Long Xuyên) bày tỏ: “Người cao tuổi sức khỏe vốn không tốt, đặc biệt là hệ tiêu hóa, xương khớp và huyết áp. Nhưng từ khi đạp xe tập thể dục đều đặn buổi sáng, tôi thấy thể lực được nâng cao, chân tay, cơ thể dẻo dai hơn trước”.
Đưa tay lau những giọt mồ hôi trên trán sau 1 tiếng say sưa luyện tập động tác của bài thể dục dưỡng sinh, bà Lê Thị Vui (TP. Châu Đốc) chia sẻ: “Trước đây, khi chưa tập thể dục dưỡng sinh, tôi thường bị mỏi chân, mỏi tay, mỏi cổ do tuổi già. Nhưng từ khi tham gia tập luyện thường xuyên, đến nay sức khỏe của tôi chuyển biến rõ rệt. Cảm giác đau nhức chân, tay, cổ, đầu giảm hẳn, đi lại nhanh nhẹn hơn, khí huyết lưu thông, ăn cơm ngon miệng hơn. Hôm nào bận việc không luyện tập được, tôi thấy người khó chịu”.
Hy vọng, những cách tập luyện TDTT phù hợp với bản thân sẽ giúp người cao tuổi luôn có sức khỏe dồi dào, sống vui, sống khỏe, thoải mái về tinh thần, trở thành “cổ thụ” vững vàng cùng con cháu.
TRỌNG TÍN