Thủ tướng Chính phủ thăm gian hàng công nghệ thông tin trước khi diễn ra hội nghị.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Năm 2018, doanh thu toàn ngành TT&TT đạt khoảng 2,65 triệu tỷ đồng, ước tăng 12,6% so với 2017. Bộ TTTT đã làm tốt vai trò kiến tạo, thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường viễn thông trên nguyên tắc đảm bảo sự cân bằng lợi ích giữa xã hội, nhà nước và doanh nghiệp; 93 doanh nghiệp (56 doanh nghiệp có hạ tầng) bao gồm cả doanh nghiệp truyền hình; Tổng doanh thu: 350.000 tỷ/năm (15 tỷ USD); tăng trưởng hàng năm 6%.
Bộ đã triển khai thành công kế hoạch chuyển đổi mã mạng; dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số; Tập trung xử lý triệt để tình trạng sim rác; Đẩy mạnh triển khai đề án số hóa truyền hình, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực tiến hành số hóa, với khoảng 65% dân số cả nước hiện được xem các truyền hình số mặt đất; Thực hiện hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý tài nguyên tần số vô tuyến điện; Quy hoạch tần số để thử nghiệm công nghệ 5G; bãi bỏ thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị vô tuyến, cắt giảm hơn 50% sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành khi nhập khẩu. Công tác quản lý tài nguyên Internet được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần bảo đảm an toàn, an ninh trong hoạt động Internet.
Đến nay, cáp quang đã được triển khai đến tận thôn/bản của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, sóng di động đã phủ tới 99,7% dân số (trong đó vùng phủ 3G, 4G phục vụ trên 98% dân số), hình thành xa lộ kết nối với toàn thế giới, góp phần đưa “dịch vụ số” vào mọi lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội và là nền tảng vững chắc cho “nền kinh tế số” trong tương lai.
Năm 2018, Công nghiệp ICT (công nghệ thông tin) tiếp tục đóng góp tỉ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu toàn Ngành TT&TT với tốc độ phát triển nhanh, doanh thu cao, có giá trị xuất khẩu lớn. Các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp ICT được định hướng để tạo nền tảng phát triển kinh tế tri thức, thực hiện Cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần làm chủ các hệ thống thông tin, đảm bảo ATTT và chủ quyền số quốc gia.
Tổng doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT ước đạt 98,9 tỉ USD (năm 2017 là 91.5 tỷ USD), xuất khẩu ước đạt 94 tỷ USD. Bộ đã làm tốt vai trò thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ICT trên nguyên tắc kiến tạo thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp và hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý.
Công nghiệp phần mềm tốc độ tăng trưởng 13,8%, doanh thu ước đạt 4,3 tỷ USD, xuất khẩu ước đạt 3,5 tỷ USD. 10.000 doanh nghiệp với 120.000 nhân lực. Việt Nam hiện nay đã sản xuất được 70% các loại thiết bị viễn thông, quyết tâm trở thành nước thứ 4 trên thế giới sản xuất được tất cả thiết bị viễn thông và xuất khẩu được.
Phát triển IoT là định hướng trọng tâm thời gian tới của Bộ TTTT để tạo bước đột phá đưa ngành công nghiệp ICT Việt Nam mang nhãn hiệu Make-in-Vienam vươn tầm thế giới.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Lĩnh vực viễn thông - CNTT có tính quốc tế rất cao, có nhiều tổ chức quốc tế đo lường và xếp hạng các nước. Trong 10 năm qua, xếp hạng của viễn thông-CNTT của Việt Nam đã tụt dần xuống xếp thứ trên 100, đứng dưới trung bình thế giới. Những năm tới, chậm nhất là đến 2022, chúng ta phải đưa thứ hạng của Việt Nam về thứ 30-50. Vì vậy, toàn ngành ICT phải bám vào các chỉ tiêu quốc tế để phấn đấu nâng cao thứ hạng của Việt Nam.
Theo Báo Tin Tức