Nâng chất bữa ăn ca cho công nhân

17/06/2022 - 06:38

 - Bữa ăn ca có vai trò quan trọng đối với sức khỏe người lao động (NLĐ), ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Do đó, ngày càng có nhiều DN quan tâm, tăng cường các biện pháp đảm bảo chất lượng bữa ăn cho NLĐ.

Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến chất lượng bữa ăn ca cho công nhân

Chị Nguyễn Phi Phụng (công nhân Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản An Giang) bày tỏ: “Chúng tôi phải làm việc theo ca, vì vậy rất cần bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm để có đủ sức khỏe tham gia lao động sản xuất. Chúng tôi kiến nghị và mong muốn cơ quan có thẩm quyền có những quy định cụ thể về bữa ăn giữa ca”.

Cùng tâm tư trên, nhiều công nhân ở các công ty trong tỉnh cho biết, mong muốn bữa ăn ca được cải thiện hơn. Cụ thể là tăng giá trị suất ăn thông qua thành phần, thực đơn bữa ăn hàng ngày. Thực tế dù đã có nhiều công văn yêu cầu, nhưng cá biệt còn công ty hiện có suất ăn ca chỉ 11.000 đồng, trong khi giá trị thực công ty báo cáo cao hơn, do tính toán thêm các chi phí liên quan để phục vụ bữa ăn cho lao động.

Ngày 25/2/2016, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 7c/NQ-BCH về chất lượng bữa ăn ca của NLĐ”. Các cấp công đoàn trong tỉnh đã nhanh chóng triển khai đến cơ sở, trong đó chú trọng nội dung an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng bữa ăn ca của NLĐ.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở chủ động đưa nội dung chất lượng bữa ăn ca vào nội dung đối thoại, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể, đảm bảo bữa ăn ca chất lượng, an toàn thực phẩm với giá trị suất ăn từ 15.000 đồng trở lên. Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 99/216 DN có tổ chức công đoàn có hỗ trợ bữa ăn ca cho NLĐ (chiếm tỷ lệ 46%). Trong dó, có 96 DN có mức hỗ trợ từ 15.000 đồng/người/bữa trở lên.

Đầu năm 2022, Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành Kết luận 03/KL-BCH về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 7c/NQ-BCH. Theo đó, cần tuyên truyền, vận động chủ DN xem xét hỗ trợ nâng mức ăn ca cho NLĐ lên mức từ 18.000-25.000 đồng/người/bữa. Nội dung này tiếp tục được chỉ đạo, tuyên truyền đến công đoàn cơ sở DN. Công đoàn tỉnh còn có công văn gửi đến các DN đang có mức hỗ trợ bữa ăn ca dưới 15.000 đồng/người/bữa, xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ.

Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh An Giang tham mưu thường trực UBND tỉnh ban hành công văn chỉ đạo các sở, ngành chức năng, chủ DN về tăng cường thực hiện pháp luật lao động và công đoàn trong DN (trong đó có nội dung xem xét nâng mức hỗ trợ bữa ăn ca cho NLĐ).

Đến nay, qua quá trình tuyên truyền, vận động, từ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở DN đã có 6 DN bổ sung nội dung bữa ăn ca hoặc điều chỉnh mức hỗ trợ bữa ăn ca từ 16.000-26.000 đồng/người/bữa. Tuy nhiên, hiện nay nội dung quy định mức hỗ trợ bữa ăn ca cho NLĐ chưa được quy định mang tính pháp lý, buộc chủ DN thực hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, thời gian qua, chủ yếu tổ chức công đoàn tuyên truyền, vận động chủ DN xem xét nâng mức hỗ trợ, kết quả vẫn còn DN có bữa ăn ca với mức thấp hơn 15.000 đồng.

Theo Trưởng ban Chính sách pháp luật - Quan hệ lao động (LĐLĐ tỉnh An Giang) Trần Lưu Phong, công đoàn với tư cách là đại diện bảo vệ quyền lợi cho công nhân lao động mong Chính phủ sớm giải quyết nguyện vọng nói trên, sớm “luật hóa” quy định về bữa ăn ca. Thời gian qua, UBND tỉnh đã tăng cường chỉ đạo về nâng chất bữa ăn ca cho NLĐ. Cụ thể qua các văn bản đã ban hành: Công văn 381/UBND-VX, ngày 1/4/2016 về thực hiện chất lượng bữa ăn ca và an toàn vệ sinh thực phẩm của NLĐ; Công văn 319/UBND-KGVX, ngày 4/3/2022 về tăng cường thực hiện pháp luật lao động và công đoàn trong DN. LĐLĐ tỉnh đang tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đặc biệt quan tâm vấn đề này và tăng cường chỉ đạo sở, ngành chức năng quản lý nhà nước về DN, quản lý lao động để nâng chất bữa ăn ca cho công nhân lao động.

Trong tình hình giá cả các mặt hàng và giá xăng dầu tăng cao đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống của NLĐ, kể cả chất lượng bữa ăn ca của họ trong môi trường làm việc. Để đảm bảo sức khỏe của NLĐ, các cán bộ công đoàn cho rằng, DN, cơ quan chức năng phối hợp với tổ chức công đoàn có hình thức hỗ trợ bữa ăn ca cải thiện tốt hơn.

Ngoài sự cố gắng của DN và tổ chức công đoàn, các cơ quan chức năng cần có biện pháp ổn định giá cả, hàng hóa, nguồn cung cấp thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh, đặc biệt trong các bếp ăn tập thể. Đồng thời, tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động, NLĐ và cán bộ công đoàn các cấp về vai trò, ý nghĩa của việc đảm bảo chất lượng bữa ăn ca của công nhân.

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích