TX. Tịnh Biên nâng chất các sản phẩm OCOP tại địa phương
Phó Chủ tịch UBND TX. Tịnh Biên Nguyễn Thanh Hùng cho biết: “Để Chương trình OCOP đạt hiệu quả cao, UBND thị xã đẩy mạnh tuyên truyền, tập trung xây dựng câu chuyện truyền thông về mục tiêu, ý nghĩa và nguyên tắc thực hiện chương trình trên Báo An Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang, hệ thống truyền thanh địa phương… nhằm tạo sức hút và tiền đề cho những sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng khác của địa phương phát triển”.
Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, UBND TX. Tịnh Biên đã chỉ đạo Phòng Kinh tế phối hợp UBND các xã, phường làm việc với các chủ thể để nâng cấp sản phẩm OCOP tham gia chương trình. Tiến hành tư vấn, hỗ trợ các bước, quy trình thực hiện để hoàn thiện thủ tục pháp lý tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
Bên cạnh, yêu cầu các địa phương và cán bộ phụ trách OCOP đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn chuẩn hóa hồ sơ cho chủ thể, nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của Chương trình OCOP và những định hướng mới trong giai đoạn 2021 - 2025.
UBND TX. Tịnh Biên phối hợp Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh tổ chức tập huấn Chương trình OCOP cho lãnh đạo, chuyên viên và cán bộ phụ trách OCOP trên toàn thị xã. Định kỳ tổ chức các cuộc họp với UBND các xã, phường nhằm rà soát tổng thể các sản phẩm trên địa bàn, hiện trạng sản xuất, thủ tục pháp lý, thuận lợi, khó khăn để phân loại theo nhóm sản phẩm, ưu tiên nhóm đối tượng tiềm năng để có hướng hỗ trợ phù hợp.
Hiện nay, UBND TX. Tịnh Biên đang thực hiện mục tiêu xây dựng 40 sản phẩm đặc thù địa phương phục vụ du lịch, trong đó có 20 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Qua rà soát, thị xã có 62 loại mặt hàng với 176 sản phẩm tiềm năng của 131 chủ thể, thuộc 6 ngành theo bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP. Lũy kế đến nay, Tịnh Biên có 15 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP thuộc 5 chủ thể, trong đó, có 6 sản phẩm đạt 4 sao và 9 sản phẩm đạt 3 sao.
“Chúng tôi đã yêu cầu ngành chuyên môn và địa phương thực hiện tư vấn, hướng dẫn các chủ thể sớm chuẩn hóa sản phẩm, đăng ký kinh doanh, đăng ký mã số mã vạch, thay đổi bao bì mẫu mã nhằm nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm để tham gia chương trình. Ngoài ra, còn thực hiện kiểm tra, duy trì chất lượng sản phẩm đạt chứng nhận OCOP để đảm bảo giữ vững các tiêu chí, đặc biệt là an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường” - ông Nguyễn Thanh Hùng cho hay.
Tại Hội chợ Công Thương vùng ĐBSCL - An Giang năm 2023, UBND TX. Tịnh Biên đã cung cấp tờ rơi, banner giới thiệu sản phẩm OCOP, các sản phẩm tiềm năng và nhận được phản hồi tích cực của các đối tác. Qua đó, góp phần quảng bá, kết nối thị trường cho sản phẩm OCOP địa phương, đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng khắp nơi trong cả nước.
Hiện, các sản phẩm OCOP của Tịnh Biên như đường thốt nốt Ngọc Trang, rượu cà na, cà na muối, mật ong, nước khoáng SM… đã được phân phối tại cửa hàng của Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco), các sân bay, điểm bán hàng tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, TP. Cần Thơ. Đặc biệt, sản phẩm OCOP của Tịnh Biên ngày càng được người dân và du khách đón nhận, tạo hiệu ứng tích cực trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, giúp các chủ thể tăng sản xuất và doanh thu.
Trưởng phòng Kinh tế TX. Tịnh Biên Trần Hiếu Thuận thông tin: “Chương trình OCOP góp phần thay đổi tư duy của các chủ thể trên địa bàn, chú trọng hơn đến việc chế biến nhằm gia tăng giá trị sản phẩm. Công tác hỗ trợ phát triển và thương mại hóa sản phẩm OCOP góp phần củng cố niềm tin của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn đối với chính quyền địa phương, cũng như các chương trình, kế hoạch của nhà nước, thúc đẩy các chủ thể có động lực tiếp tục tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP”.
Tuy nhiên, sản phẩm OCOP của địa phương vẫn có những hạn chế nhất định. Trong đó, các ngành chưa phát huy hết nhiệm vụ chuyên môn trong việc tham mưu, khi vai trò và sự tham gia của chính quyền cấp xã, phường còn mờ nhạt. Bao bì, mẫu mã sản phẩm OCOP địa phương chưa bắt mắt, chưa thu hút người tiêu dùng, thị trường tiêu thụ, khó cạnh tranh…
“Chúng tôi đang phối hợp UBND các xã, phường hỗ trợ chủ thể nâng chất sản phẩm để chuẩn bị cho việc đánh giá lại các sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP theo quy định. Bên cạnh, sẽ tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm vào hệ thống lưu thông, phân phối trên cả nước, nhất là các sàn thương mại điện tử.
Với các sản phẩm đã đạt chứng nhận, sẽ hướng dẫn các chủ thể tìm phương án phát triển, nâng cấp chất lượng sản phẩm, phấn đấu nâng hạng để hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Đối với nhóm sản phẩm đặc thù địa phương, sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng và hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện thủ tục pháp lý, đổi mới bao bì, mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm để phục vụ du lịch” - ông Trần Hiếu Thuận xác định.
Thời gian tới, UBND TX. Tịnh Biên sẽ đẩy mạnh sử dụng các ứng dụng quản lý sản phẩm OCOP cho Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo OCOP thị xã. Đảm bảo công tác đánh giá được thực hiện toàn bộ bằng công nghệ thông tin để dễ tra cứu và tiện lợi hơn.
Bên cạnh đó, đề nghị tỉnh mở lớp tập huấn, hướng dẫn đăng ký nhãn hiệu, thiết kế bao bì, mẫu mã sản phẩm, xây dựng câu chuyện sản phẩm, thiết kế và sử dụng website cho cán bộ phụ trách, nhằm nâng cao năng lực triển khai Chương trình OCOP tại địa phương, đưa những sản phẩm “sinh ra từ làng” của TX. Tịnh Biên vươn đến những thị trường tiềm năng trong, ngoài nước.
MINH QUÂN