Nâng chất tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp

16/08/2024 - 06:49

 - Sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, kinh tế tri thức và xu hướng của quốc tế đòi hỏi giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cần phải đổi mới cơ bản và toàn diện, tạo đột phá về chất lượng đào tạo. Quan tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo GDNN là khâu quan trọng, mà trước hết là nắm bắt kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về GDNN.

Khó khăn chung của GDNN hiện nay là công tác phân luồng; tháo gỡ tâm lý trọng bằng cấp; gắn kết cơ sở GDNN với doanh nghiệp (DN). Đặc biệt, ở vùng nông thôn, thu hút và đào tạo nghề cho người lao động (NLĐ) dù hàng năm đạt kết quả nhưng chất lượng chưa đồng đều.

Đơn cử, trong đào tạo nghề ngắn hạn, tìm được nghề phù hợp và vận động số lượng đảm bảo quy định để xin mở lớp đã khó rồi. Mở được lớp, người học vẫn gặp khó khăn khi tìm việc làm phù hợp với chứng nhận mới học tại địa phương; số tìm được việc khá ít, hoặc phải đi làm xa. Dần dần, NLĐ ít mặn mà với học nghề ngắn hạn, gây khó khăn hơn trong việc vận động ra lớp.

Nhìn một cách toàn diện, phải khẳng định, cùng với những thành tựu quan trọng của giáo dục và đào tạo, thời gian qua, GDNN đã có nhiều kết quả nhất định, góp phần hình thành đội ngũ lao động lành nghề, xây dựng giai cấp công nhân, nông dân hiện đại, lớn mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tuyên truyền, tư vấn nghề nghiệp cho thanh thiếu niên

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Sơn cho biết, toàn tỉnh có 26 cơ sở GDNN, gồm 2 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 10 trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên và 11 cơ sở khác tham gia giáo dục, đào tạo nghề.

Cùng với đó, đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo GDNN từng bước phát triển, nâng dần chất lượng. Cơ cấu đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo trong toàn tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Đào tạo GDNN chuyển từ hướng “cung” sang “cầu”, sát với dự báo nguồn nhân lực, dự báo việc làm, yêu cầu của DN. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh.

Thực tế hiện nay trong xã hội, học đại học không phải là con đường duy nhất. Xu thế của của lao động trẻ là đi làm sớm với tay nghề vững vàng, sau đó quay trở lại học đại học, góp phần giải quyết tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”. Trên địa bàn tỉnh, các cơ sở GDNN thường xuyên mở rộng ngành nghề đào tạo theo nhu cầu của xã hội, DN; chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo nghề hàng năm đều tăng.

Học nghề có nhiều ưu điểm so với các hình thức học khác, chú trọng thực hành để lao động có kỹ năng vững vàng đáp ứng yêu cầu của DN và thị trường lao động. Tại huyện Thoại Sơn, bám sát phương châm đó, Trung tâm GDNN - Giáo dục thường xuyên phối hợp DN đào tạo nghề cho NLĐ (chủ yếu là nghề may công nghiệp). Sau khi hoàn thành khóa học, học viên được nhận làm việc ngay tại công ty, tránh trường hợp phải đào tạo lại.

Tranh tài kiến thức giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở hội thi

Những kinh nghiệm, cách làm, thực trạng khó khăn, thách thức và giải pháp đã được chia sẻ nhiều hơn tại Hội thi tìm hiểu pháp luật về GDNN, do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức lần đầu tiên năm 2024. Hội thi quy tụ 25 đội thi, với 125 thí sinh là cán bộ quản lý, nhà giáo GDNN đến từ phòng lao động - thương binh và xã hội cấp huyện, UBND cấp xã và cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh.

Ông Phạm Sơn cho biết, hội thi có ý nghĩa về mặt tinh thần, động viên đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo thuộc lĩnh vực GDNN tích cực đẩy mạnh phong trào thi đua nghiên cứu, thực hiện quy định về đào tạo nghề, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế và giá trị xã hội trong lĩnh vực GDNN.

“Tôi thấy phần thi hùng biện thông qua tình huống bốc thăm ngẫu nhiên của các đội rất hay. Phần thi này không chỉ mang tính chất tranh tài sôi nổi, mà còn là cơ hội để từng đơn vị, cá nhân thể hiện nhận định, mạnh dạn bảo vệ quan điểm, phân tích vấn đề chưa đúng liên quan đến GDNN, từ đó đưa ra thông điệp mang tính lan tỏa cộng đồng. Chúng tôi được dịp củng cố kiến thức liên quan đến GDNN; đúc kết được rất nhiều kinh nghiệm từ tình huống giả định mà ban tổ chức đặt ra” - chị Lê Thị Kiều Nhi (đơn vị huyện Phú Tân) chia sẻ.

Hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về GDNN chia thành 2 nhóm: Nhóm cấp huyện và nhóm cơ sở GDNN. Các đội tranh tài 3 phần thi: Vòng loại thi trắc nghiệm; xử lý tình huống; chung kết thi nội dung hùng biện. Hầu hết tình huống ban giám khảo đặt ra trong 2 ngày thi đều mang tính thời sự, thiết thực và gắn với công việc hàng ngày của đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo GDNN.

MỸ HẠNH