Nắng nóng buộc học sinh nhiều nước châu Á phải học trực tuyến như thời COVID-19
26/04/2024 - 14:30
Nhiệt độ cao oi bức ngột ngạt trong thời gian gần đây đã buộc trường học tại một số quốc gia châu Á phải cho học sinh học trực tuyến, tương tự như phương pháp áp dụng trong giai đoạn dịch COVID-19.
AA
Nhiều trường học phải đóng cửa
Nắng nóng đã buộc 33 triệu trẻ em phải nghỉ học ở Bangladesh, khi nhiệt độ ở nhiều nơi tại nước này tăng vọt lên ngưỡng 42 độ C. Các trường bậc phổ thông và cả đại học sẽ đóng cửa cho đến ngày 27/4.
Ngày 25/4, Bộ Giáo dục Bangladesh tuyên bố sẽ mở cửa trở lại các trường học từ 29/4, bất chấp cảnh báo của Cục Khí tượng rằng nắng nóng sẽ không có dấu hiệu chấm dứt.
Đây là năm thứ hai liên tiếp Bangladesh áp dụng biện pháp đóng cửa trường học do thời tiết khắc nghiệt. Nó diễn ra sau khi các trường học ở Philippines và Ấn Độ cũng rơi vào tình cảnh tương tự trong bối cảnh đợt nắng nóng dai dẳng quét qua châu Á.
Chính quyền bang Odisha (Ấn Độ) hôm 21/4 đã thông báo về kỳ nghỉ hè cho học sinh từ ngày 25/4 do nắng nóng gay gắt. Trong một thông cáo báo chí, chính quyền bang cho biết tất cả các trường học, bao gồm cả trường công và trường tư, sẽ đóng cửa từ ngày 25/4.
Học sinh tại 7.000 trường công lập ở Philippines đã phải nghỉ học từ tuần trước do thời tiết nắng nóng bất thường ở nhiều khu vực. Giáo viên Erlinda Alfonso, người làm việc tại một trường tiểu học công lập ở thành phố Quezon gần thủ đô Manila chia sẻ rằng cô không biết điều gì tồi tệ hơn đối với học sinh của mình, chịu cảnh oi bức trong một lớp học quá đông đúc hay cố gắng học ở nhà.
“Một số học sinh nói với tôi rằng các em thích đến trường hơn vì ở nhà quá nóng”, cô Erlinda Alfonso nói rồi cho biết thêm rằng nhiều học sinh của cô sống ở các khu ổ chuột và không có kết nối Internet để tham gia các lớp học trực tuyến.
Trong khi giáo viên cũng lên giáo trình với các bài tập dành riêng cho cho học sinh không thể học trực tuyến, cô Alfonso nhận định việc sắp xếp này khiến các em không thể đặt câu hỏi và có hỗ trợ khi gặp vướng mắc.
Với việc hầu hết các trường công lập ở đất nước 115 triệu dân không được trang bị đầy đủ để đối phó với nhiệt độ tăng cao và các tình trạng thời tiết khắc nghiệt khác, lớp học trực tuyến đã trở thành lựa chọn an toàn nhất trong các đợt nắng nóng hiện nay.
Trong một cuộc khảo sát do hiệp hội giảng dạy ACT-NCR thực hiện, hơn 3/4 giáo viên Philippines tham gia khảo sát mô tả nắng nóng “vượt ngoài sức chịu đựng”. 46% giáo viên cho biết lớp học chỉ có một hoặc hai quạt điện, và các biện pháp thông gió không đủ để đối phó với nhiệt độ tăng cao.
Hồi chuông cảnh báo
Giám đốc tổ chức Save the Children Bangladesh - Shumon Sengupta cho biết: “Trẻ em ở Bangladesh nằm trong số những nước nghèo nhất thế giới và việc đóng cửa trường học liên quan đến nắng nóng đang gióng lên hồi chuông cảnh báo cho tất cả chúng ta”. Cơ quan khí tượng Bangladesh đã đưa ra cảnh báo nắng nóng lần thứ tư trong tháng vào ngày 25/4. Bangladesh là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu.
Theo Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), mực nước biển dâng từ 30 đến 45 cm có thể khiến hơn 35 triệu người Bangladesh phải di dời khỏi các khu vực ven biển – tương đương khoảng 1/4 tổng dân số nước này.
Cơ quan thời tiết Bangladesh dự báo nắng nóng gay gắt sẽ kéo dài ít nhất một tuần nữa. Các bệnh viện và phòng khám đã được yêu cầu chuẩn bị cho lượng bệnh nhân tăng cao do các bệnh liên quan đến nhiệt độ. Bộ trưởng Y tế Bangladesh Samanta Lal Sen vào đầu tuần này tuyên bố rằng những bệnh nhân bị say nắng sẽ được đưa vào khu điều trị có điều hòa.
Các vụ hỏa hoạn trên khắp Philippines từ tháng 1 đến tháng 3 đã tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023 do tình trạng quá tải điện và quạt điện tăng nhiệt do sử dụng liên tục.
Các quốc gia ở châu Á đã phải hứng chịu gánh nặng của các hiện tượng thời tiết cực đoan trong những năm gần đây.
Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) trong một báo cáo mới cho biết: “Nhiều quốc gia trong khu vực đã trải qua năm nóng kỷ lục vào năm 2023, cùng với hàng loạt tình trạng khắc nghiệt, từ hạn hán, nắng nóng đến lũ lụt và bão”.
Tổng thư ký Celeste Saulo của WMO phân tích: “Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm tần suất và mức độ nghiêm trọng của những tình trạng như vậy, tác động sâu sắc đến xã hội, nền kinh tế và quan trọng nhất là cuộc sống con người và môi trường chúng ta đang sống”.
Theo TTXVN
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: