Vị quê khó lẫn
Cơm tấm là món ăn sáng phổ biến, nói như nông dân là “ăn cho chắc bụng”. Sau giấc ngủ dài, nghe cơn đói cồn cào, họ cần khởi đầu buổi sáng thật no, để đi làm đồng, đi lao động nặng nhọc. Là lựa chọn phổ biến, nên quán cơm tấm cũng mọc lên dọc theo khu dân cư, con đường từ thành thị tới quê nghèo. Mỗi người có cách chế biến riêng, chỉ gặp nhau ở điểm chung: Phải có cơm, thịt heo và trứng.
Chưa rõ, hồi xưa xứ Long Xuyên ai nghĩ ra món cơm tấm trứ danh, để giờ thành đặc sản, được phân biệt rạch ròi với các loại cơm tấm “không phải Long Xuyên”. Giữa bao nhiêu cách chế biến cơm tấm đa dạng, cơm tấm Long Xuyên vẫn có nét đặc sắc riêng, không thể trộn lẫn. Gạo tấm mẳn, có vẻ rời rạc chứ không dẻo dính như xôi, như cơm dẻo thông thường.
Vậy mà, kết hợp với nước mắm thắng kẹo, sườn ướp vừa đậm đà, vừa thơm phức, kính thưa các kiểu trứng chế biến (chả trứng, trứng kho, trứng ốp-la), thêm miếng bì dai dai, dưa chua giòn giòn… thì lúc đó mới hiểu được giá trị của hạt cơm bời rời, nhỏ xíu. Chúng hòa quyện với nhau theo đúng kiểu “sinh ra để dành cho nhau”.
Nhiều quán cơm nổi danh nhờ hương vị độc đáo, nơi khác bắt chước khéo cách mấy vẫn thua xa. Tìm đến TP. Long Xuyên, người ta chọn cơm tấm Cây Điệp, cơm tấm Tùng, cơm tấm Ống khói (Tám Diệu), quán cơm Hướng Dương… bởi mức độ “phủ sóng” trên mạng xã hội của các địa điểm này, cộng với quá trình kinh doanh hàng chục năm khắc sâu vào tâm trí người sành ăn.
Rời đô thị trung tâm của tỉnh, đi ngược lên thượng nguồn, TX. Tân Châu là vùng đất ấp “ôm” loại cây đặc sản sầu đâu. Người dân “hái lá đổi tiền”, đem lá cây đắng chát hóa thành món ăn ngọt ngào của quê hương xứ lụa: Gỏi sầu đâu. Đặc trưng của món ăn này là lấy nước mắm me sền sệt chua cay, khô cá lóc mằn mặn, thịt ba rọi luộc nhàn nhạt, béo béo… trung hòa vị đắng của lá sầu đâu non.
Ăn miếng đầu tiên: Đắng, đắng quá. Ăn miếng thứ hai: Ừ, bớt đắng, nhai kỹ có chút ngọt. Từ miếng thứ ba trở đi, vị đắng trở nên quen thuộc trong miệng. Mấy ông nhậu gật gù: Đắng kiểu này nhằm nhò gì với cái đắng của rượu bia, với cái đắng của cuộc đời! Vậy nên, đắng sầu đâu dễ chịu hơn hẳn, ngon hơn hẳn!
Nhưng, muốn ăn gỏi, phải cất công “đi tìm lá sầu đâu”. Cây sầu đâu trồng ở đâu cũng được, nhưng chẳng mang đến vị đắng hậu ngọt như vùng đất Châu Phong (TX. Tân Châu). Lá dễ héo, khó bảo quản lâu, ngại đường dằn xóc, nên người bán rất thận trọng nhận đơn hàng ở xa. Cực chẳng đã, khách tha thiết mua lá, họ để vào thùng ướp đá, chọn chuyến xe nhanh nhất để gửi đi. Dẫu vậy, đến tay người nhận thì độ ngon của lá giảm phần nào… Ở quán ăn, vẫn có món gỏi sầu đâu, nhưng chế biến “đúng bài” hay không, cũng khó nói!
“Danh phận” rỡ ràng
Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang là đơn vị góp phần quan trọng đưa cơm tấm Long Xuyên và gỏi sầu đâu vào danh mục “Tốp 50 kỷ lục Châu Á về món ăn và đặc sản nổi tiếng của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2023”, khi chủ động đề xuất Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings).
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang Lê Trung Hiếu chia sẻ: “Chúng tôi rất vinh dự, tự hào khi món ăn dân dã, mang đậm phong vị quê hương An Giang được bạn bè khắp Châu Á biết đến. Ở khu vực ĐBSCL, cơm tấm hay gỏi sầu đâu không hề xa lạ, xuất hiện trong cuộc sống thường nhật của người dân, vừa gần gũi, vừa bình dị nhưng rất đặc trưng. Cơm tấm Long Xuyên và gỏi sầu đâu An Giang được vinh dự lọt “Top 50”, đây là niềm tự hào cho mỗi người dân An Giang. Cùng với bún cá Châu Đốc, tỉnh có 3 món ăn được Tổ chức Kỷ lục Châu Á trao bằng xác lập kỷ lục về giá trị ẩm thực, tăng thêm cơ hội để bạn bè thế giới biết đến đặc sản của vùng đất trái ngọt cây lành”.
Ông Lê Trung Hiếu cũng cho hay, nhằm tiếp tục phát huy giá trị độc đáo của món ăn đặc sản An Giang vào hoạt động du lịch, đơn vị sẽ tổ chức cuộc thi, chọn ra 5 - 10 điểm kinh doanh cơm tấm Long Xuyên, gỏi sầu đâu, bún cá Châu Đốc ngon nhất; thiết kế bảng xác nhận đạt chuẩn kỷ lục Châu Á. Cùng với đó, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống này phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thái độ phục vụ thân thiện, góp phần mang nét đẹp ẩm thực của An Giang đến với du khách gần xa.
“Món ăn “cơm tấm Long Xuyên”, “gỏi sầu đâu An Giang” hay “bún cá Châu Đốc” chỉ dừng lại ở việc thể hiện địa danh. Điều này sẽ gây khó khăn cho du khách khi họ muốn thưởng thức đặc sản đạt chứng nhận kỷ lục Châu Á của An Giang. Do đó, cần phải có quán ăn thật sự đạt chuẩn, trên cơ sở bình chọn của ngành chuyên môn và thực khách, gợi mở để thực khách đến đó trải nghiệm, cảm nhận hương vị đặc trưng - được hình thành từ vị ngọt phù sa của quê mình. Chúng tôi mong rằng, sẽ có nhiều món ăn của tỉnh được vinh dự xướng tên trong danh sách món ăn đạt kỷ lục Châu Á về giá trị ẩm thực thời gian tới” - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang Lê Trung Hiếu kỳ vọng.
Đã có “danh phận rõ ràng”, không còn là món ăn truyền thống tự quảng bá thương hiệu nữa, “cơm tấm Long Xuyên”, “gỏi sầu đâu” và “bún cá Châu Đốc” đang chờ mọi người đón nhận một cách trân trọng, xứng tầm với vị trí đã được vinh danh. Cần phát huy giá trị bằng cách riêng nội tại của những món ăn đã gắn bó với vùng đất, con người An Giang. Đó còn là cách tạo ra điểm nhấn cho du lịch quê nhà, làm dày thêm nét văn hóa ẩm thực xứ sở, tăng thêm thu nhập cho người kinh doanh…
GIA KHÁNH - THANH TIẾN