Việc khám phá sự sống trên các hành tinh khác là nỗ lực then chốt thúc đẩy hành trình khám phá không gian của nhân loại, nhằm tìm ra một hành tinh nào đó từng có sự sống trong quá khứ, biến chúng trở thành ngôi nhà mới của nhân loại trong tương lai. Khi nói đến câu chuyện này, sao Hỏa thường được chú ý nhiều nhất.
Khi tàu robot tự hành Curiosity Rover đang thám hiểm miệng núi lửa Gale trên Hỏa tinh, thiết bị đã phát hiện ra vật thể lạ. Camera của tàu đã chụp được ảnh vật thể có nét giống một bộ xương hóa thạch đến kinh ngạc. Trong bức ảnh, một phần cấu trúc bộ xương ẩn trong đất, phần còn lại nổi lên trên bề mặt trong lòng miệng núi lửa Gale.
Hình ảnh thô được chụp từ thiết bị Mast Cam của Curiosity Rover. (Ảnh: NASA)
Nhiều người trong cộng đồng thiên văn trực tuyến đã chia sẻ quan điểm về cấu trúc lạ này trên mạng xã hội X (trước đây gọi là Twitter). Một số người cho rằng, nó giống xương cá hoặc cành cây linh sam.
Vị trí của khối đá giống xương hóa thạch này cũng rất thú vị, nó nằm trong lòng miệng núi lửa Gale. Trước đây, người ta cho rằng bề mặt sao Hỏa từng chứa lượng nước lớn trong quá khứ. Miệng núi lửa Gale là một trong những hồ nước lớn nhất trên sao Hỏa, trước khi nó cạn kiệt cách đây khoảng 3,5 đến 3,8 tỷ năm trước.
Vậy nên, việc tìm thấy tảng đá hình xương này trong lòng hồ khô càng làm tăng thêm giả thuyết rằng, nó thuộc về một loài động vật biển cổ đại. Thậm chí, một cư dân mạng khác còn ví von nó như xương của một con rồng cuộn tròn.
Nathalie A. Cabrol, một nhà sinh vật học vũ trụ, khẳng định đây là tảng đá kỳ lạ nhất mà bà từng thấy trong 20 năm nghiên cứu về sao Hỏa. Theo bà, có cách lý giải chính đáng hơn cho bộ xương này trên sao Hỏa, tất cả là do gió khắc nghiệt sao Hỏa, kết hợp với dòng chảy mạnh của nước đã tạo hình nên hình thù kỳ lạ này.
Nathalie A. Cabrol giải thích rằng, trong một khoảng thời gian đủ dài sự xói mòn này có thể tạo ra đủ dạng hình học mà con người dễ dàng liên tưởng.
Theo HUỲNH DŨNG (VTC News/Unbelievable-facts)