Xe tự hành Opportunity của NASA trên Sao Hỏa. Ảnh: AFP/TTXVN
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Icarus ngày 13-11 cho thấy có sự tồn tại của các lớp trầm tích khoáng chất, còn gọi là muối cacbonat, dọc theo mép trong của hố Jezero, nơi từng là một hồ nước cách đây hơn 3,5 tỷ năm. Trên Trái đất, cấu trúc cứng của muối cacbonat có thể tồn tại dưới dạng hóa thạch trong nhiều tỷ năm.
Các hóa thạch này bao gồm vỏ của các sinh vật biển, san hô và một số đá stromatolite (cấu trúc bồi tụ hóa sinh được hình thành từ vi sinh vật cổ ven theo các bờ biển). Hiện tại, các nhà khoa học xác định đường ven của hố Jezero là điểm nghiên cứu khoa học chính, do ở đây có thể tồn tại các cấu trúc tương tự đá stromatolite.
Trước đó, xe tự hành Curiosity của NASA cũng đã phát hiện ra một số nơi trên Sao Hỏa có thể đã có sự sống của vi sinh vật cách đây hàng tỷ năm. Khu vực miệng hố Gale là một ví dụ. Những thay đổi về lượng oxy và mêtan theo mùa ngay phía trên miệng hố này là dấu hiệu cho thấy có thể đã có hoạt động sinh học trên Hành tinh Đỏ. Tuy nhiên, xe tự hành Curiosity không phân tích được yếu tố gì dẫn tới sự thay đổi này.
Mars 2020 sẽ là sứ mệnh tiếp theo của NASA về nghiên cứu sự sống trên vũ trụ. Sứ mệnh này sẽ bao gồm việc tìm kiếm các dấu hiệu thực tế của vi sinh vật cổ và lấy các mẫu đá trên bề mặt Sao Hỏa. Lớp trầm tích của muối cacbonat cũng sẽ giúp hé lộ thêm thông tin về quá trình Sao Hỏa chuyển đổi từ một hành tinh có nước lỏng và khí quyển dày thành sa mạc đóng băng như ngày nay.
Dự kiến, xe tự hành Mars 2020 sẽ đi vào hoạt động từ tháng 7 hoặc tháng 8/2020 và là một phần trong chương trình lớn hơn bao gồm cả các nhiệm vụ trên Mặt Trăng nhằm chuẩn bị cho con người khám phá Sao Hỏa.
Theo ĐẶNG ÁNH (Báo Tin Tức)