Mâm cỗ ngày Tết ở miền Bắc. (Nguồn: Báo Ảnh Việt Nam)
Tết đến Xuân về là khoảng thời gian những người thân trong gia đình quây quần bên nhau cùng hàn huyên trò chuyện, thưởng thức những món ăn ngon. Thế nhưng, ngày Tết ăn gì cho mới lạ, hấp dẫn mà lại không ngán luôn là câu hỏi thường trực trong những ngày Tết Nguyên đán, đặc biệt là làm đau đầu các chị em phụ nữ, những người vốn được giao trọng trách chuyện bếp núc trong gia đình.
“Bội thực” món ngon ngày Tết
Tết Nguyên đán là thời điểm các thành viên trong gia đình trở về đoàn tụ, sum họp sau một năm học tập và làm việc vất vả.
Chẳng có gì ấm áp, hạnh phúc hơn khi cả gia đình quây quần bên mâm cơm ngày Tết, dành cho nhau những lời chúc, lời thương yêu vào lúc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Vì vậy, thời gian này, việc chuẩn bị các mâm cơm gia đình, món ăn ngày Tết cũng được các “đầu bếp gia” ưu tiên hơn cả.
Mâm cơm ngày Tết không chỉ thể hiện cho sự ấm no, hạnh phúc mà còn gửi gắm niềm mong ước có một năm mới đầy đủ và phát tài. Do đó nhiều gia đình quan niệm món ăn ngày Tết cần phải được chuẩn bị thịnh soạn, đầy đủ, đa dạng đặc biệt là các món truyền thống.
Tuy nhiên, do cuộc sống ngày càng khấm khá hơn trước nên hàng ngày chúng ta cũng được ăn uống đầy đủ, không phải như trước đây đến Tết hoặc những ngày trọng đại mới được ăn uống thịnh soạn nên vị giác cũng đã được “nếm trải” nhiều của ngon vật lạ. Vì vậy, hiện nhiều gia đình vẫn theo thói quen làm mâm cơm truyền thống có bánh trưng, giò lụa, giò xào, nem… để dâng các cụ tổ tiên.
Chị Như Mai (Long Biên-Hà Nội) chia sẻ: "Năm nào nhà mình cũng một nồi thịt kho trứng to, có năm thì nồi cá kho to ăn đến cả chục ngày không hết. Ngoài ra còn có cả chả, giò, thịt nguội, lạp xưởng… đầy ắp tủ lạnh, ăn từ 30 Tết cho tới khi ra Tết. Rất ngán mà vẫn không biết nên thay đổi như thế nào..."
Còn em Nguyễn Thanh Nga (19 tuổi Cầu Giấy-Hà Nội) lại "ngán tết" kiểu khác: “ Nhà em cứ từ 30 tháng Chạp đến hết ngày mồng 2 Tết là thường làm 2 mâm cơm cúng các cụ. Do nhà còn ông nội nên mâm cơm cứ phải đầy đủ các món truyền thống, có năm mẹ em thay đổi món nem thành món bánh phở cuốn thịt nhưng ông lại không đồng ý. Vì vậy, thường 3 ngày Tết các món gần như giống nhau. Trong khi đó, nhà lại neo người nên các món hầu như còn nguyên.”
Các món ăn, uống chống ngán
Khi đã quá chán với những bữa cỗ "ngập mặt" bánh chưng, bánh giò, thịt..., các chuyên gia dinh dưỡng khuyên nên đổi khẩu vị bằng những món ăn nhẹ nhàng, lạ miệng giúp cho dạ dày có thể tiêu hóa tốt hơn.
Các loại gỏi, nộm có vị chua vừa giúp bạn tiêu hóa tốt, cũng vừa là một trong những loại thực phẩm chống ngán hiệu quả. Hành củ muối chua, dưa muối chua, cóc ngâm chua ngọt, gỏi bò bóp thấu, nộm tôm thịt... với vị tươi ngọt của nguyên liệu, vị chua ngọt và cay cay sẽ kích thích vị giác của bạn trong những bữa cỗ ngày Tết thịnh soạn. Những món đồ chua, gỏi khi dùng kèm với bánh chưng, bánh tét... ăn vào cũng rất lạ miệng.
Trong bữa ăn ngày Tết nên có thêm đĩa rau củ luộc sẽ có cảm giác ngon miệng hơn bên cạnh những món ăn nhiều dầu mỡ, tinh bột. (Ảnh: Vietnam+)
Ngoài ra, không thể thiếu các loại rau củ luộc như cải ngọt, rau muống, bắp cải, súp lơ xanh, mồng tơi… Các loại rau củ này sẽ giúp bạn có cảm giác ngon miệng hơn bên cạnh những món ăn ngày Tết nhiều dầu mỡ, tinh bột.
Bên cạnh đó, các món ăn chống ngán dịp Tết đặc biệt “hữu hiệu” phải kể đến chính là canh chua (nấu cá, xương…), canh cua đồng (ăn với bún, cơm, rau sống), canh đậu phụ… vừa dễ ăn, vừa giúp cơ thể lấy lại sự cân bằng.
Ngoài ra, còn có những thức uống giúp người thân nhanh chóng thoát chứng ngán ăn như nước ép cà chua, nước chanh, nước ép cà rốt, nước ép dưa chuột, dưa leo, nước ép đu đủ… bởi chúng rất tốt cho hệ tiêu hóa, giúp tinh thần luôn vui vẻ và sảng khoái trong những ngày đầu năm mới.
Một món nữa rất dễ làm hoặc ra “ngay đầu ngõ” sẽ có ngay là món sữa chua vừa chống ngán, lại vừa tăng cường hệ miễn dịch, phòng chống nhiều bệnh mùa Tết.
Các bác sỹ cũng đưa ra lời khuyên thường ngày Tết hay bị ăn nhiều, không ra bữa nên bạn chỉ ăn vừa đủ để cảm giác vẫn hơi thòm thèm.
Ngoài ra, mọi người cũng cần lưu ý kết hợp đúng thực phẩm. Do lượng thực phẩm và món ăn trong Tết rất nhiều nên sẽ có những món ăn không hợp nhau, thậm chí kỵ nhau. Nếu kết hợp bất cẩn, bạn có thể bị tiêu chảy.
Salat cũng là một trong những món rất dễ làm. (Ảnh: Vietnam+)
Vì vậy, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo mọi người có thể kết hợp theo công thức: Béo đi với chua (bánh chưng ăn cùng dưa hành, thịt mỡ ăn kèm với dưa bẹ), đạm đi với cay (thịt gà chấm muối tiêu), lạnh đi với ấm nóng (canh thịt nấu với chút gừng) bạn sẽ thấy hết ngán. Cũng cần lưu ý những thức ăn, đồng uống mang tính hàn, lạnh hay nguội cũng sẽ làm tăng nhu động ruột và tăng tiết dịch tiêu hóa, vì vậy không nên đi liền với nhau.
Bên cạnh đó, mọi người cũng cần phải ăn hài hòa; ăn đủ nhóm thực phẩm, đừng chỉ ăn mỗi thịt cá, cần ăn cả rau củ trong bữa ăn...
Có như vậy, chúng ta mới có thể tận hưởng trọn vẹn những bữa cơm bên gia đình và người thân thật đầm ấm, yên vui trong những ngày đầu Xuân năm mới, song vẫn đảm bảo được sức khỏe, cảm nhận được hương vị Tết trong từng món ngon mang đậm nét riêng có của văn hóa ẩm thực Việt Nam./.
Theo THUÝ HÀ (Vietnam+)