Các nhà leo núi xếp hàng chờ lên đỉnh Everest năm 2019. Ảnh: CNN
Tân Hoa Xã đưa tin, theo thỏa thuận chung giữa Nepal và Trung Quốc hồi tháng 10-2019, cả hai nước sẽ cùng công bố độ cao và tiến hành nghiên cứu khoa học trên đỉnh Everest hay còn gọi là Sagarmatha tại Nepal và Qomolangma tại Trung Quốc. Sau khi các nhà khảo sát hai nước hoàn tất quá trình đo lường ngọn núi cao nhất thế giới này, công tác công bố đang được tiến hành.
Bộ trưởng Quản lý đất đai, Hợp tác xã và Xóa đói giảm nghèo Nepal, bà Padma Kumari Aryal thông báo: “Cuộc họp nội các ngày 25-11 đã phê chuẩn đề xuất của tôi liên quan đến việc ra tuyên bố chung độ cao đỉnh Everest. Hai bên đã đi đến kết luận. Chúng tôi dự định sẽ công bố độ cao trong vòng một tháng”.
Các nhà khảo sát Nepal đã leo đỉnh Nepal vào tháng 5-2019 để đo lường. Đây là lần đầu tiên quốc gia Nam Á này tự tiến hành đo. Trước đó, Nepal công nhận độ cao của Everest là 8.848m theo kết quả của Cục khảo sát Ấn Độ đo năm 1954.
Năm 1975, các chuyên gia Trung Quốc đo độ cao đỉnh núi này là 8.848,13m so với mực nước biển. Năm 2005, Trung Quốc tiến hành đo lại độ cao bằng cách kết hợp các biện pháp trắc địa truyền thống với công nghệ vệ tinh. Sau khi xác định độ sâu của lớp tuyết phủ trên đỉnh núi, họ cho biết độ cao của nó là 8.844,43m còn lớp băng tuyết sâu 3,5m.
Năm 1999, Hội Địa chất Quốc gia Mỹ và Bảo tàng Khoa học Boston kết luận “nóc nhà thế giới” cao 8.850m.
Theo HOÀNG TRANG (Báo Tin tức)