Nếu ai đặt chân đến cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) để thưởng ngoạn cảnh đẹp, tham quan các di tích văn hóa, lịch sử… của vùng quê yên bình giữa lòng thành phố, không thể bỏ lỡ những ngôi nhà cổ mang lối kiến trúc đặc trưng của vùng sông nước miền Tây. Vài năm trở lại đây, nhiều khách du lịch hay ghé tham quan ngôi nhà sàn của ông Tôn Thất Đính (sinh năm 1966, ngụ ấp Mỹ An 2). Đây là một trong những ngôi nhà sàn Nam Bộ mang đậm kiến trúc xưa ở An Giang. Ông Tôn Thất Đính cho biết, căn nhà được xây dựng năm 1901 hoàn toàn bằng gỗ căm xe, thao lao, theo kiểu 3 gian, 2 chái nhưng không có cột giữa nhà. Thợ làm nhà là những người thợ ưu tú nhất ở Mỹ Luông (Chợ Mới). Còn cửa, hoành, tủ thờ, vật dụng trang trí trong nhà đều do các nghệ nhân nổi tiếng với nghề chạm khắc gỗ ở miền Bắc vào làm. Theo ông Đính, ở thời điểm bấy giờ, toàn bộ các chi tiết nhỏ, như: tiện, đục, bào, chạm đều được làm bằng thủ công nên mất nhiều thời gian và công sức mới hoàn thành ngôi nhà.
Ngôi nhà cổ của ông Phan Hòa Long
Dù ngôi nhà đã hơn trăm tuổi nhưng đến nay bộ khung vẫn còn vững chãi, một phần nhờ kỹ thuật ráp nối của người xưa, phần nữa nhờ ý thức bảo quản của các thế hệ chủ nhân ngôi nhà. Điểm nhấn của ngôi nhà nằm ở bộ kèo, vách cửa và ô trám. Nhà có 3 cửa chính, trong đó các cánh cửa cái ngôi nhà đều sử dụng cửa bản nguyên tấm, có then gỗ gài bên trong theo kiểu “then cài cửa đóng” của những ngôi nhà giàu có thời xưa. Vào bên trong ngôi nhà, có cảm giác yên bình và thân thuộc, bởi lối kiến trúc đậm chất Việt, thể hiện sự mềm mại với đường nét chạm khắc tinh xảo. Liên kết các cột giữa những gian nhà là hệ thống bao lam được chạm trổ hoa văn tỉ mỉ, tinh xảo, mô tả các loại hình sinh hoạt dân gian và văn hóa tín ngưỡng con người phương Nam, với hình ảnh núi, sông, cây cối, chim thú... Các vật dụng khác như: thành vọng, bàn, ghế, phản, tủ thờ làm từ các loại gỗ quý được giữ gần như nguyên vẹn tới ngày nay.
Từ năm 2007 đến nay, gia đình ông Tôn Thất Đính mở dịch vụ du lịch homestay, nhận khách đến tham quan sinh thái, lưu trú. Từ đó, ngôi nhà cổ của gia đình ông trở thành điểm đến yêu thích của các du khách, nhất là khách nước ngoài. “Họ rất thích kiến trúc căn nhà, thường xuyên hỏi tôi từng chi tiết nhỏ. Dù có sắp xếp phòng nghỉ đêm có máy lạnh, nhưng họ vẫn thích ngủ ở bên chái, ở mặt ván… một cách dân dã như người địa phương. Thậm chí, họ còn chui xuống sàn để nhìn xem “có gì ở dưới không?” - ông Tôn Thất Đính cho biết.
Ngôi nhà của ông Tôn Thất Đính trở thành điểm du lịch homestay hấp dẫn
Là cù lao nhỏ nhưng Bình Thủy (Châu Phú) tồn tại rất nhiều nhà cổ. Đến nay, nhiều ngôi nhà còn được gìn giữ khá nguyên vẹn, với nét đẹp thâm trầm, cổ kính. Ngôi nhà cổ của dòng họ Phan (ấp Bình Quý), do ông Phan Hòa Long quản lý và thờ tự là một trong những ngôi nhà có niên đại gần 100 năm, mang kiến trúc hiện đại pha lẫn giữa phương Đông và phương Tây, đến nay còn giữ nguyên bản ở xứ cù lao này.
Ngôi nhà được xây dựng vào những năm 1930, theo kiểu 3 gian, 2 chái, với diện tích khoảng 2.000m2 (bao gồm nhà bếp). Ngôi nhà này được xây theo kiến trúc kết hợp Á - Âu, được thể hiện rõ nét qua nhiều họa tiết, hoa văn rất đẹp mắt. Tường bằng gạch xây, cửa chính và hiên nhà hình vòm gờ nổi và hoa văn cũng như màu vàng đặc trưng thời thuộc địa. Nhà có vòm uốn và phù điêu ngoại thất kiểu Pháp, bậc thang kiểu Gothic (kiểu kiến trúc Tây Âu) dẫn đến sảnh chính. Xen lẫn những nét đặc trưng của kiến trúc nhà người Việt xưa, trong không gian ngôi nhà còn xuất hiện nhiều vật dụng trang trí theo kiến trúc phương Tây. Tổng quan ngôi nhà được chia làm 3 phần chính, phía trước để bàn thờ gia tộc, bàn ghế dùng cho sinh hoạt, phía sau là nơi nghỉ ngơi, phòng ăn và khu vực bếp.
Ông Tôn Thất Đính giới thiệu về ngôi nhà cổ của mình, với những nét hoa văn được chạm trổ tinh xảo, nghệ thuật
Tại gian nhà chính, các cột nối với nhau bằng các bao lam làm bằng gỗ quý, được khắc chạm 2 mặt với các đề tài: tứ linh, tứ quý, bát bửu… Tất cả các hình tượng chạm trổ trên cột nhà, các bộ ván gỗ và những bức hoành phi treo trên cột được làm từ các loại gỗ quý hiếm và tuân theo các chuẩn mực về điêu khắc. Trên đố nhà và các vòm cửa trang trí bằng nhiều tác phẩm chạm khắc theo các đề tài khác nhau, lồng trong các khung hình chữ nhật và hình vuông bằng hình ảnh những con vật quen thuộc, như: rùa, cá, hổ, báo, hươu, nai… Ngoài ra, còn có các liễn đại tự treo thờ giữa gian nhà chính và liễn câu đối được treo trên các cột được khảm xà cừ óng ánh.
Gần 90 năm xây dựng, ngôi nhà vẫn còn giữ nguyên vẻ đẹp tinh tế, sắc sảo. Ông Phan Hòa Long cho biết, ngôi nhà do ông nội xây dựng với phần lớn vật liệu được vận chuyển từ phương Tây sang, nên mất nhiều thời gian mới hoàn thành. Trải qua 3 đời, ngôi nhà còn giữ nguyên bản, chưa sửa chữa và phục chế. “Thừa hưởng ngôi nhà để thờ tự ông bà, tôi rất tự hào. Tôi gìn giữ căn nhà cổ như một cách để lưu giữ những nét cổ xưa về làng quê nông thôn. Qua đó, giáo dục con, cháu biết trân quý về những giá trị của dòng họ, tổ tiên cũng như tình yêu đối với quê hương, đất nước” - ông Phan Hòa Long chia sẻ.
Nhà cổ là công trình kiến trúc độc đáo, mang đậm dấu ấn văn hóa cũng như lịch sử của dân tộc. Trải qua hàng trăm năm, có những ngôi nhà đã bị tàn phá bởi chiến tranh hay hư hỏng theo thời gian, nhưng có nhiều ngôi nhà cổ vẫn được “hậu bối” gìn giữ nguyên vẹn đến tận bây giờ…
TRUNG HIẾU