Được giữ lại từ nếp sống ngày xưa, nhà sàn thường được cất cao để tránh thú dữ và an toàn mỗi mùa lũ kéo về. Dần dà, kết cấu nhà sàn được cải tiến, “hạ” bớt độ cao, mái rộng, mát mẻ.
Cùng chất liệu chung là gỗ, màu “chủ đạo” là xanh dương, nhưng trong quá trình cất dựng, tùy điều kiện, mỗi căn nhà hoàn thiện lại có sự khác biệt. Gia đình đủ ăn chỉ dựng tạm bằng sàn gỗ là các loại cây thường, vách tôn. Khá hơn là vách gỗ, rồi cao cấp nữa là toàn bộ bằng gỗ quý, mái ngói…
Nhiều ngôi nhà được cất liền kề, là một cách nhận biết anh, chị, em, cô bác… trong “đại gia đình”, ra riêng phân cách bởi các căn riêng biệt.
Một căn nhà cơ bản có hàng ba, hai thông hành, trung tâm nhà, buồng phía trong. Hàng ba, thành lộng thường được trang trí chạm khắc hoa sen, ngũ quả, long, phụng. Nhìn vào cách thiết kế, trang trí và chất liệu có thể biết gia chủ điều kiện như thế nào.
Chẳng hạn, ngôi nhà của ông Ba Đính (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên), nếu so trong số nhà sàn gỗ ở cù lao Ông Hổ, thì thuộc “hàng xưa” nhất nhì. Ông Đính là thế hệ thứ 4 gìn giữ căn nhà, hàng trăm năm qua chỉ sửa một số chi tiết xuống cấp.
Ông Đính cho biết phần lớn gỗ cất nhà là căm xe, thao lao, không chỉ bền bỉ mà còn “lên màu” bóng đẹp qua thời gian.
Bên trong những căn nhà sàn xưa còn tồn tại đến nay, gia chủ tự hào vì còn giữ lại nhiều nội thất giá trị, gia công tinh xảo. Chúng là những kỷ vật không thể đo đếm đơn thuần về giá trị kinh tế…
Ngày xưa, vào mùa khô, không gian dưới sàn nhà là chỗ để chứa nông sản, hoặc tránh nóng. Còn bây giờ, đại đa số sân nhà đã được lót gạch sạch sẽ, tận dụng khoảng sân để trồng hoa, tạo không gian thoáng đãng.
Thậm chí, khoảng sân nhỏ khiêm tốn cũng có thể trở thành không gian làm kinh tế của nhiều gia đình, vô tình tạo nét đẹp ấn tượng. Đơn thuần vậy thôi, mà những người con xa quê, hễ bắt gặp ở đâu hình bóng nhà sàn na ná, lại thấy nhớ quê nhà da diết.
MỸ HẠNH