Cầm cuốn sách ảnh nghệ thuật nặng cả cân đóng bìa cứng trang trọng, 'Chưng cất bước chân mình' khiến người xem tin chắc tác giả đã chọn lựa kỹ những tác phẩm ảnh của cuộc hành trình sáng tác trải dài khắp mọi miền đất nước.
AA
Đầu tiên là tác phẩm “Tượng đài Lý Thái Tổ” rất uy nghiêm, chững chạc ở Thủ đô Hà Nội, tiếp theo là ở các địa danh “Bình minh Cái Bèo” (Hải Phòng), “Lấp lánh vùng than” (Quảng Ninh), “Tế ngày xuân” (Ninh Bình), “Hội xuống đồng” (Hà Nam), “Thanh bình” (Vĩnh Phúc), “Giao duyên” (Mộc Châu), “Cầu Rồng” (Đà Nẵng)… Ngay ở trang 3, trong lời “Cùng bạn đọc”, tác giả viết: “Tôi cùng bạn bè nhiếp ảnh rong ruổi khắp mọi miền đất nước. Núi cao, biển rộng, ở đâu có cảnh đẹp, sự kiện nóng hổi, tôi lại xách máy đi, vào Nam, ra Bắc. Ở nơi nào cũng thấy đất nước mình sao mà đẹp thế. Có những nơi tôi tới ở lại dăm bữa, nửa tháng, chụp đi rồi chụp lại, khi nào thấy được tấm ảnh ưng ý mới thôi”. Những ai đã từng cầm máy (cụm từ “cầm máy” ám chỉ dân chơi ảnh) rong ruổi khắp mọi miền lại càng đồng cảm với người nghệ sĩ nhiếp ảnh - tác giả của “Chưng cất bước chân mình”.
Tác phẩm “Hà Nội - thành phố Vì Hòa bình”
Chắt chiu khoảnh khắc
Hàng trăm tác phẩm được trình bày trong cuốn sách khổ 25x35cm thể hiện hoạt động đa dạng của người Kinh và các dân tộc thiểu số anh em trong lao động, sinh hoạt gắn với lễ hội, di tích, thắng cảnh từ đồng bằng sông Hồng đến cột cờ Lũng Cú, Hà Giang; từ Hà Nội đến Tây Nguyên; từ đất liền đến hải đảo như Lý Sơn, Sinh Tồn; từ Cao Bằng đến An Giang xa xôi.
Vũ Thành Chung mô tả vẻ đẹp của Hà Nội bằng 7 bức ảnh. Đối với Thủ đô không phải là nhiều, vì tác giả cuốn sách không chỉ nhằm nói riêng với độc giả về một Thủ đô ngàn năm văn hiến mà về cả đất nước Việt Nam. Cái quý ở đây là mỗi tấm ảnh chụp về Hà Nội đều có đặc tính riêng. Dù không đọc chú thích, người xem vẫn biết đó là Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, bởi trong đó gắn với hình ảnh tháp Rùa, những con rồng, hay cô gái mặc áo dài hai tay đỡ 3 con chim bồ câu, xa xa là tháp Rùa in bóng. Tinh mắt chút nữa sẽ thấy trên đầu cô gái, phía bên phải là hình ảnh Trái đất. Tấm ảnh đen trắng có tựa đề “Hà Nội - thành phố vì hòa bình” mang một ý tưởng rất đẹp. Chắc chắn tác giả đã phải lao tâm khổ tứ, đầu tư công sức mới cho ra một tác phẩm mang một thông điệp như thế.
Tác phẩm “Quả trứng vàng”
Nếu ai hay đi xem triển lãm ảnh nghệ thuật hoặc sách ảnh nghệ thuật chụp về Hà Nội, về đất nước Việt Nam thì thấy những hình ảnh “Chùa Trấn Quốc”, “Chân dung thợ mỏ”, “Về nơi hoang dã”, “Lễ hội đền Thái Vi”, “Cày trên sỏi đá”, “Bản sắc Tây Nguyên”, “Hội chọi trâu”… rất quen thuộc. Nó quen đến mức dễ gây nhàm chán nếu người chụp không có bố cục lạ, góc nhìn mới, chọn đúng khoảnh khắc bấm máy. Về mặt này Vũ Thành Chung đã tránh được nên địa danh và lễ hội anh chụp đã chinh phục được người xem ảnh. Trong hàng chục tấm ảnh về hải đảo xa xôi, có những bức gây nên xúc động. Đó là “Lễ cầu siêu”, “Thành kính gửi các anh hùng liệt sĩ”, “Có Bác ở Trường Sa”… Tấm ảnh “Đón khách” chụp người lính Hải quân nhoài người (tưởng như sắp ngã xuống biển) để đón sợi dây từ trên xuồng máy quăng xuống, tác giả đã “bắt” đúng khoảnh khắc sợi dây vừa được quăng ra còn đang lửng lơ trong không trung, rất sinh động. Nếu như “Lễ hội xuống đồng” (trang 30) gợi người xem nhớ về ngày xưa thì trang 47 có anh Tây được một liền chị quan họ đội cho cái nón quai thao, bên cạnh lại có “cô đầm” tay cũng cầm nón Việt Nam, nói lên cái thời hội nhập của hôm nay. Ba nụ cười của ba người, mỗi người một vẻ, dí dỏm, vui vui.
Tác phẩm “Hiên ngang Trường Sa”
Cách chụp từ trên cao xuống được Vũ Thành Chung khai thác trong một số tình huống và đạt hiệu quả cao. Đó là bức “Chơi cù” (Giải nhì cuộc thi ảnh toàn quốc “Hãy bảo vệ trẻ em”) và bức “Quả trứng vàng” với đàn vịt hàng trăm, hàng ngàn con đang chạy xôn xao nhưng lại là trật tự thành một vòng tròn. Người chăn vịt đứng giữa ảnh, tay cầm cờ hướng dẫn “đoàn quân” vịt nhìn rất lạ mắt và đẹp. Đây là bức ảnh đoạt 4 Huy chương Vàng quốc tế (3 Huy chương Vàng FIAP, 1 Huy chương Vàng PSA).
Nhìn lại cùng tác giả
Tuy nhiên không thể không viết về một số trường hợp đáng tiếc. Ngay ở trang 103, bên cột mốc chủ quyền đất nước sừng sững uy nghi, đắp dòng chữ đảo Trường Sa và cờ Tổ quốc có anh chiến sĩ Hải quân bồng súng đứng gác trang nghiêm. Nếu nội dung bức ảnh chỉ có thế và đặt tên là “Hiên ngang Trường Sa” thì đúng rồi. Nhưng rất tiếc tấm ảnh này, bên phải anh chiến sĩ Hải quân lại có nhà nhiếp ảnh đứng cạnh, tay lăm lăm cầm máy. Đúng ra đây chỉ là bức ảnh kỷ niệm. Lại càng lạ hơn khi nhìn kỹ, nhà nhiếp ảnh này lại chính là tác giả cuốn sách. Tất nhiên bức ảnh này vẫn có thể in trong cuốn sách, nhưng chỉ nên in ở phần phụ lục chứ không thể in ở phần ảnh sáng tác.
Tác phẩm “Cảm giác lạ”
Lại nữa, nếu như “Quà của biển” (trang 35) chụp những con cá thì ngay trang bên cạnh có “Mẻ cá lớn” là đoàn người kéo lưới và tiền cảnh là lớp sóng biển ùa vào trắng xóa. Trang 14 có “Mùa cá bội thu” chỉ có 2 người đàn ông với mớ lưới bùng nhùng vắt trên cây sào có vẻ như để phơi, nhấp nhô phía sau là những cột cờ của những con thuyền trên bãi. Chẳng thấy có con cá nào vậy mà lại đặt tên là “Mùa cá bội thu”. Tôi nhớ trước đây đã từng được xem tấm ảnh cùng tên “Quà của biển” rất hấp dẫn và ấn tượng của tác giả Huỳnh Anh (Đà Nẵng) chụp một lão ngư với nụ cười hể hả, trên vai vác một con cá rất lớn. Bức ảnh ở trang 46 chụp một liền chị quan họ cầm nón quai thao đi trước, theo sau là liền anh áo the, quần trắng, cầm ô với chú thích “Đén hẹn lại lên”. Có lẽ đây là do lỗi kỹ thuật biên tập, tên bức ảnh chính xác là “Đến hẹn lại lên” mới đúng. Trang 118 có bức ảnh “Cảm giác lạ” mô tả 5 diêm dân gánh muối đổ đống rất cao, bên cạnh có người phụ nữ ngoại quốc đẩy chiếc xe nôi trượt xuống. Thông thường người ta chỉ trượt trên bãi cát (như ở Mũi Né), nhưng đây lại là trượt trên muối ăn, có lẽ có gì đó hơi phản cảm chăng?
Sơ sơ nêu lên vài trường hợp để đáp lời của tác giả Vũ Thành Chung ở trang 3 “Cùng bạn đọc”: “Tôi chân thành lắng nghe và tiếp thu những ý kiến phê bình, góp ý của bạn đọc để tập sách sau sẽ tiến bộ hơn”. Bỏ qua mấy chuyện trên đây, nhìn chung cuốn sách ảnh “Chưng cất bước chân mình” (dày 117 trang) ít nhiều đem đến cho người xem sự thú vị, tâm đắc. Trang 4 cuốn sách có in bài thơ “28 vạn người” từng gây tiếng vang và mấy bài hát do các nhạc sĩ phổ nhạc từ thơ của Vũ Thành Chung khiến người xem càng thêm tôn trọng Vũ Thành Chung - hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cũng đồng thời là nhà thơ, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Đây chính là 2 trong 1. Vừa đến với thơ, lại vừa đến với nhiếp ảnh, và “Chưng cất bước chân mình” là một thành công lớn của tác giả.
Theo An ninh thủ đô
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: