Ngăn chặn biến tướng từ 'quà cảm ơn'

01/09/2023 - 14:55

Khoác lên mình vỏ bọc 'cảm ơn', hàng chục triệu USD trá hình đã được trao và nhận như một 'luật bất thành văn'.

Trong vụ án Việt Á, cơ quan điều tra kết luận ngoài 6 quan chức nhận hối lộ, một số quan chức khác cũng nhận tiền từ vài chục đến vài trăm ngàn USD của Việt Á, trong đó nhiều nhất là nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long với 2,25 triệu USD.

Để có thể được vào danh sách tổ chức chuyến bay, các doanh nghiệp (DN) đã phải chi tiền "bôi trơn", "cảm ơn" cho một loạt quan chức tại các bộ, ngành, địa phương. 23 bị cáo là đại diện các doanh nghiệp đã có hơn 400 lần đưa hối lộ, với tổng số tiền hơn 200 tỉ đồng.

Có thể thấy, ở phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, tặng quà vì tình cảm xưa nay được coi như một nét văn hóa đẹp, mang ý nghĩa truyền thống "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", "Uống nước nhớ nguồn". Trong thời bao cấp thì văn hóa “cho không lấy, thấy không xin, xin không cho” vẫn lan tỏa trong xã hội như một nếp sống đẹp. Nhưng bước vào thời kỳ kinh tế thị trường, việc tặng quà dường như đã bị lạm dụng hơn, ngày càng trở lên méo mó, biến tướng, khi bị che đậy dưới nhiều hình thức: quà lễ, tết, sinh nhật… và bị chi phối bởi các lợi ích nhóm, cá nhân.

Phiên tòa xét xử các cựu quan chức trong vụ án “chuyến bay giải cứu”. Ảnh: Trần Phan.

Trở lại vụ án Việt Á, biến tướng từ câu chuyện "văn hóa tặng quà" thể hiện rất rõ khi doanh nghiệp sẵn sàng cám ơn, “lại quả” từ hàng chục nghìn đến hàng triệu USD; còn nhiều quan chức dù không sự thỏa thuận hay vòi vĩnh nhưng vẫn vô tư nhận vì nghĩ đó chỉ đơn giản là món quà cảm ơn, đã cho thấy sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức trước cám dỗ của tiền bạc, vật chất và hơn nữa cho thấy quyền lực đã khiến cán bộ tha hóa.

Sự việc nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nhận quà cảm ơn 200.000 USD (tương đương hơn 4,6 tỷ đồng) của doanh nghiệp Việt Á, xong nói một cách hồn nhiên “Tớ cảm ơn” và suy nghĩ giản đơn coi đó là lẽ tất nhiên, "luật bất thành văn" thì quả thực là vô cùng nguy hiểm, khi biến quyền lực công trở thành quyền lực riêng, khi giá trị vật chất được đề cao hơn giá trị văn hóa và công vụ; đã làm suy giảm uy tín và hình ảnh của cơ quan công quyền đại diện cho quyền lực của Nhà nước. Đặc biệt là ảnh hưởng tới quá trình hoạch định chính sách, chất lượng công vụ khi bị tác động thông qua con đường quà biếu hay vật chất.

Ngược lại, cũng trong vụ án này, một lãnh đạo tỉnh Hải Dương thời điểm đó đã cương quyết không nhận phong bì tiền biếu của cựu Giám đốc CDC tỉnh này đã phản ánh cách ứng xử khác nhau về việc nhận quà cảm ơn của quan chức, biết nói không với vật chất (quà tặng) hay lợi ích nhóm.

Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng cũng đã nêu rõ trình tự, thủ tục với trường hợp cán bộ nhận quà vì không thể từ chối, phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, trong năm 2022 chỉ có 14 trường hợp nộp lại quà tặng cho đơn vị, với tổng số tiền là 260,7 triệu đồng. Con số này so với thực tế chắc hẳn chỉ là một phần rất nhỏ trong vô vàn các loại quà cảm ơn với “vỏ bọc đường” diễn ra phổ biến hiện nay.

Thực tế cho thấy, tặng quà, nhận quà không xấu nhưng phải được thể hiện công khai, minh bạch và theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước. Hơn hết, đội ngũ cán bộ, công chức cần phải nhận thức rõ được quyền lực họ có trong tay không phải của cá nhân họ, mà do Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó. Vì vậy, cần phải coi việc thực hiện giải quyết công việc giúp người dân, doanh nghiệp là nhiệm vụ, trách nhiệm phải thực thi công vụ, chứ không phải là sự giúp đỡ hay ban ơn cho bất kỳ ai. Đặc biệt, người đứng đầu giữ vai trò càng cao thì càng phải phát huy vai trò nêu gương, nói không với tiêu cực, tham nhũng.

Mặt khác, cần tăng cường kiểm soát quyền lực trong hoạt động giám sát, kiểm tra của Đảng, thanh tra, kiểm toán Nhà nước; chống lợi ích nhóm, tiêu cực trong xây dựng pháp luật, nhất là các quy định tạo ra những "giấy phép con" gây khó dễ doanh nghiệp; xóa bỏ cơ chế xin - cho, gốc rễ sâu xa dẫn đến việc các cá nhân, doanh nghiệp buộc phải có những món quà cảm ơn tiền tỷ…/.

Theo VY ANH (dangcongsan.vn)