Ngăn chặn gần 1.000 website vi phạm bản quyền bóng đá

26/09/2023 - 14:47

Theo thống kê của Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT), từ tháng 8/2022 đến tháng 8/2023, đã có gần 1.000 website bóng đá lậu như xoilac.1tiengruoi.link, xoivo4.com, coichua.net... bị ngăn chặn truy cập.

Số liệu trên vừa được ông Phạm Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Bản quyền nội dung số, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ TT&TT chia sẻ tại tọa đàm “Giải bài toán bảo vệ bản quyền cho ngành công nghiệp âm nhạc - điện ảnh - truyền hình số”.

Vi phạm bản quyền vẫn tràn lan trên mạng

Được tổ chức bởi Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam và Thủ Đô Multimedia ngày 26/9 tại Hà Nội, buổi tọa đàm tập trung vào những lĩnh vực khá đặc thù là âm nhạc, điện ảnh và truyền hình số, những lĩnh vực có nhiều vụ việc vi phạm về bản quyền nhất thời gian qua và cũng khó xử lý nhất. 

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký hội Truyền thông số Việt Nam Vũ Kiêm Văn phát biểu khai mạc.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Vũ Kiêm Văn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) nhận định: Vấn đề bảo vệ bản quyền nội dung trong bối cảnh chuyển đổi số đang gặp rất nhiều thách thức. 

Theo Tổng giám đốc Thủ Đô Multimedia Nguyễn Ngọc Hân, bên cạnh sự thuận tiện cho người dùng trong tiêu thụ nội dung giải trí, cuộc cách mạng số hóa cũng đang mang đến những thách thức chưa từng có trong việc bảo mật và bảo vệ bản quyền nội dung, yêu cầu ra đời các giải pháp mới để bảo vệ nội dung khỏi hàng loạt các rủi ro về xâm hại bản quyền.

 Ông Phạm Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Bản quyền nội dung số, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ TT&TT chia sẻ về tình hình vi phạm bản quyền nội dung số tại Việt Nam.

Thông tin về tình hình vi phạm bản quyền nội dung số tại Việt Nam, ông Phạm Hoàng Hải nhấn mạnh, hiện nay vi phạm bản quyền tại Việt Nam diễn ra hết sức phức tạp, với hàng loạt website vi phạm bản quyền (website lậu) đăng phát các giải bóng đá cũng như phim. 

Theo số liệu từ SimilarWeb, hiện có khoảng 70 website bóng đá lậu, với hơn 1,5 tỷ lượt view trong các năm 2022, 2023. Bên cạnh đó, số liệu của SimilarWeb cũng chỉ ra rằng, có tới hơn 200 website phim lậu thu hút khoảng 120 triệu lượt xem/tháng, trong đó top 10 có hơn 66 triệu lượt xem mỗi tháng. 

“Đặc biệt, thời gian gần đây phát hiện ra một số website lậu đã chuyển sang hình thức truyện tranh Anime của Nhật. Việc ăn cắp vi phạm bản quyền truyện tranh cũng đã nhận được sự phản ứng rất gay gắt của các đơn vị chủ sở hữu ở Nhật Bản về việc vi phạm bản quyền tại Việt Nam”, ông Phạm Hoàng Hải chia sẻ.

Đại diện Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử cũng cho biết: Đặc điểm chung của nhiều trang web vi phạm bản quyền là sử dụng tên miền quốc tế và dịch vụ ấn giấu thông tin; hoạt động công khai, thay đổi tên miền liên tục khi bị chặn. Các đơn vị quản lý web lậu thường gắn quảng cáo độc hại, cá độ, cờ bạc trên những trang này.

Hình thức vi phạm điển hình của các web vi phạm bản quyền là ngay sau khi chủ sở hữu quyền phát sóng, đăng tải nội dung trên các nền tảng như OTT, truyền hình số mặt đất, truyền hình số vệ tinh.., các đối tượng sẽ thực hiện hành vi vi phạm bằng cách live stream nội dung lên mạng xã hội hoặc cắt ghép, đăng tải nội dung.

Theo bà Phạm Thanh Thủy, việc xử lý các vụ việc vi phạm bản quyền nội dung số bằng các biện pháp hành chính thường kéo dài khoảng 2-3 năm và tiêu biểu như vụ Phim Moi đã kéo dài 4 năm.

Đồng quan điểm, luật sư Phạm Thanh Thủy, phụ trách Chống vi phạm bản quyền của truyền hình số K+ cũng khẳng định: Vi phạm bản quyền nội dung số rất tràn lan trên Internet, đơn cử như 1 trận đấu khi được chiếu trên K+ và các đơn vị đồng phân phối của K+, đồng thời nó còn được chiếu trên nhiều website, app lậu.

Dẫn nguồn từ Media Partners Asia, luật sư Phạm Thanh Thủy cho hay, Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực về tỷ lệ vi phạm bản quyền, với 15,5 triệu người thường xuyên truy cập vào các website lậu. Vi phạm trên các nền tảng số hiện là hình thức vi phạm chủ yếu.

“Các chủ sở hữu bản quyền nội dung rất mong nhờ chống vi phạm bản quyền tốt, chỉ 10% trong tổng số 15,5 triệu thuê bao xem lậu chuyển thành thuê bao hợp pháp thì các đơn vị sẽ có thêm chi phí để tái đầu tư sản xuất hoặc mua bản quyền những nội dung giá trị, tốt hơn. Qua đó, góp phần phát triển ngành công nghiệp sáng tạo nội dung số tại Việt Nam”, bà Phạm Thanh Thủy phân tích.

Đề xuất mô hình chặn chủ động các website vi phạm

Theo đánh giá của đại diện Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, thời gian qua, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật, cụ thể là ngăn chặn truy cập vào website vi phạm bản quyền đã phát huy tác dụng nhất định, góp phần thay đổi thói quen của người dùng. Khảo sát của CAP cho thấy, 23% người dùng Internet Việt Nam trả lời sẽ không truy cập web lậu hoặc ít truy cập do tác động của việc chặn truy cập.

Tuy vậy, biện pháp chặn truy cập kể trên vẫn đang tồn tại một số bất cập, đó là: Biện pháp chặn chưa thống nhất giữa các ISP; thời gian chặn chưa thống nhất giữa các ISP, có ISP chặn ngay lập tức, nhưng có ISP chặn sau 3 ngày làm việc hoặc lâu hơn; và chưa linh hoạt để đối phó tên miền mới.

Đại diện Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử cũng nêu ra các giải pháp cần hướng tới để phòng chống vi phạm bản quyền trên mạng một cách hiệu quả, đó là thiết lập đầu mối phối hợp giữa chủ sở hữu quyền, cơ quan quản lý nhà nước và các ISP; thiết lập cơ chế chặn linh hoạt – chặn đuổi các tên miền mới phát sinh sau khi chặn; áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp khác nhau để chặn truy cập (DNS, IP, CDN). Đồng thời, cần phát triển công cụ chặn tự động để các bên sử dụng nhằm giảm thiểu thời gian và nhân lực.

Trên cơ sở phân tích những khó khăn của việc áp dụng các biện pháp pháp lý cả về hành chính, dân sự và hình sự để chống vi phạm bản quyền trên môi trường số, luật sư Phạm Thanh Thủy nhấn mạnh đến các biện pháp theo xu hướng mới đang được nhiều nước áp dụng, gồm chặn truy cập và “Knock & Talk” (Gõ cửa và nói chuyện).

Người phụ trách Chống vi phạm bản quyền của truyền hình số K+ thông tin thêm, theo Media Partner Asia, tình trạng vi phạm đã giảm ở các quốc gia có cơ chế chặn truy cập hiệu quả, bao gồm Việt Nam. Khảo sát của AVIA cho thấy, đa số người xem không còn xem web lậu và chuyển sang các dịch vụ hợp pháp khi các web lậu bị chặn.

Bà Phạm Thanh Thủy cũng đề xuất Việt Nam áp dụng mô hình chặn chủ động như ở Anh, đó là web lậu thay đổi tên miền, địa chỉ IP khi bị chặn lần đầu thì các ISP sẽ chủ động chặn tiếp các tên miền, địa chỉ IP mới đó, khi nhận được thông báo từ chủ sở hữu quyền hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không cần thực hiện lại thủ tục hành chính.

Theo Vietnamnet