Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh An Giang quyết tâm thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính Phủ nhanh chóng, hiệu quả

03/06/2022 - 15:52

 - Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP, ngày 30/01/2022 của Chính Phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh An Giang đã chủ động phối hợp các sở, ngành rà soát, nắm bắt nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp, người dân có điều kiện để vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, sau một thời gian dài gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID -19.

Quang cảnh hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các chính sách tín dụng thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại điểm cầu An Giang

Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh An Giang Trần Thế Loan cho biết: Với tinh thần khẩn trương quyết liệt, ngay những tháng đầu năm, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh An Giang đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với đơn vị  tổ chức tuyên truyền chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Đồng thời, phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tích cực rà soát đối tượng tượng thụ hưởng, tổng hợp nhu cầu vốn đối với các chính sách cho vay ưu đãi thuộc chương trình từ các xã, thị trấn để làm cơ sở triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách cho vay ưu đãi, đảm bảo công khai, minh bạch, sử dụng hiệu quả nguồn lực của nhà nước.

Người dân đến giao dịch tại Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh An Giang

Ngay sau khi Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ được ban hành, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh An Giang đã khẩn trương triển khai các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp được tiếp cận thuận lợi nguồn vốn ngân hàng để phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp, người dân có điều kiện để vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, sau một thời gian dài gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID -19.

“Ngay sau khi giải ngân, cán bộ ngân hàng đã tư vấn, hướng dẫn người vay sử dụng nguồn vốn đúng mục đích nhằm đạt hiệu quả cao. Qua đó, giúp lao động địa phương có điều kiện làm việc, góp phần ổn định và cải thiện đời sống kinh tế; các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn có thiết bị phục vụ học tập được tốt hơn; giúp các hộ có nhà ở ổn định, yên tâm lao động sản xuất” – ông Trần Thế Loan chia sẻ.

Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh An Giang và chính quyền địa phương thăm hỏi tình hình sản xuất – kinh doanh của người dân sau khi được vay vốn

Gia đình anh Lê Nhựt Tâm, chủ nhóm trẻ Tuổi Thơ (ngụ ấp Bình Hòa, xã Bình Thủy, huyện Châu Phú) vui mừng khi được hỗ trợ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Châu Phú theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Với số tiền vay 80 triệu đồng, gia đình anh Tâm đã sử dụng nguồn vốn đầu tư sửa chữa, mở rộng và mua thêm các trang thiết bị để duy trì hoạt động của nhóm trẻ. Anh Tâm cho biết: “Tưởng chừng phải đóng cửa luôn nhóm trẻ sau thời gian tạm nghỉ do dịch bệnh COVID-19, thì được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Châu Phú tạo điều kiện để vay vốn, tôi đã đầu tư cơ sở vật chất để tiếp tục duy trì nhóm trẻ. Hiện nay, nhóm trẻ đang giữ ổn định từ 30 - 35 trẻ”.

Trước đây, vợ chồng anh Trần Hồng Lợi (ngụ ấp Vĩnh Hòa B, xã Cần Đăng, huyện Châu Thành) làm công nhân ở tỉnh Bình Dương. Sau khi vợ mất do dịch bệnh COVID-19, anh về quê sinh sống và chưa có việc làm ổn định, nên anh Hồng Lợi rất vui mừng khi vừa được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Châu Thành hỗ trợ vay 30 triệu để trồng nấm bào ngư. “Với vốn vay này cùng với số tiền tích lũy được, tôi sẽ đầu tư trồng nấm bào ngư tại nhà. Trước mắt, tôi sẽ trồng 5.000 phôi nấm, nếu có thu nhập ổn định sẽ nhân rộng, để kiếm thêm thu nhập”- anh Lợi chia sẻ.

Người dân đến nhận tiền vay vốn hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP tại điểm giao dịch xã Bình Thủy (huyện Châu Phú)

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh An Giang, tổng nhu cầu vốn tín dụng chính sách theo Nghị quyết 11/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh là 124,8 tỷ đồng của 5 chương trình cho vay, gồm: Tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay nhà ở xã hội; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mua máy tính và thiết bị học tập trực tuyến; các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn từ 2021-2023.

Đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh An Giang đã giải ngân 942 món vay theo Nghị quyết 11NQ/CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, với số tiền 41,3 tỷ đồng. Trong đó, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã giải ngân cho 866 lao động, với số tiền giải ngân 39,96 tỷ đồng; cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập 69 học sinh, sinh viên, với số tiền 0,69 tỷ đồng; cho vay đối với cơ sở mầm non, tiểu học ngoài công lập phải dừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng chống dịch là 6 món vay, với số tiền là 0,5 tỷ đồng; cho vay sửa chữa nhà ở xã hội 1 món vay, với số tiền 0,1 tỷ đồng;

 Thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh An Giang tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ lãi suất trong Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời, tiếp tục, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách cho vay để mọi cá nhân, tổ chức có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn được tiếp cận chính sách.

Bên cạnh đó, chủ động phối hợp các sở, ban, ngành có liên quan để nắm bắt nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn, hướng dẫn khách hàng có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn được tiếp cận chính sách nhanh chóng, thuận lợi nhất. Ngoài ra, phối hợp chính quyền địa phương, hội, đoàn thể nhận ủy thác, Tổ Tiết kiệm và vay vốn giải ngân kịp thời cho đối tượng có nhu cầu và đủ điều kiện, tạo điều kiện cho người dân bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19 nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra giám sát và tổng hợp tình hình triển khai thực hiện các chương trình chính sách tín dụng theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ theo lĩnh vực nghiệp vụ chuyên môn và theo địa bàn được phân công theo dõi, phụ trách…

TRUNG HIẾU

 

Liên kết hữu ích