Ngành gỗ Việt Nam khẳng định vị thế mới trên thị trường thế giới

09/04/2021 - 14:14

Bên cạnh việc đánh giá cao năng lực sản xuất, mẫu mã sản phẩm gỗ của Việt Nam, các nhà phân phối thế giới có xu hướng tìm kiếm nguồn cung an toàn hơn và Việt Nam đáp ứng được yêu cầu đó.

Công nhân Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Thuận An kiểm tra các chi tiết khung giường gỗ. (Ảnh: Hồng Nhung/TTXVN)

Bất chấp những ảnh hưởng của dịch COVID-19, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ vẫn tăng trưởng rất ấn tượng. Đây là kết quả của việc nhiều doanh nghiệp gỗ mạnh dạn đầu tư công nghệ, phát triển sản phẩm mới và sử dụng hiệu quả các kênh tiếp thị, bán hàng trực tuyến.

Tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhiều thời điểm hoạt động xuất khẩu hàng hóa bị gián đoạn nhưng xuất khẩu gỗ và đồ gỗ vẫn duy trì được mức tăng trưởng trên 16%.

Tiếp nối thành công của năm 2020, những tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ tiếp tục khẳng định vị thế với tốc độ tăng trưởng ấn tượng.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu lâm sản 3 tháng đầu năm 2021 đạt xấp xỉ 4 tỷ USD, tăng 41,5% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 3,699 tỷ USD, tăng 41,5%; lâm sản ngoài gỗ đạt 243 triệu USD, tăng 38,4%. Ngành gỗ trở thành cỗ máy dẫn đầu trong việc kéo kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng nông-lâm sản tăng trưởng.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA), cho biết nhờ phát huy lợi thế sản xuất và tận dụng tốt các cơ hội thị trường, Việt Nam đã vượt qua Ba Lan, Đức, Italy để vươn lên vị trí thứ 2, chỉ sau Trung Quốc trong số các quốc gia xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trên thế giới.

Theo lý giải của ông Phương, dịch COVID-19 khiến hoạt động giao thương quốc tế bị hạn chế gây ra không ít khó khăn cho hoạt động xuất khẩu; trong đó, có ngành gỗ và sản phẩm từ gỗ nhưng cũng tạo ra những cơ hội thị trường  mới.

Cụ thể, dịch COVID-19 khiến người dân các nước, đặc biệt là Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... (những thị trường xuất khẩu đồ gỗ lớn của Việt Nam) ở nhà thường xuyên hơn và có nhu cầu mua sắm, sử dụng sản phẩm gia đình nhiều hơn. Trong khi đó, nhiều nhà mua hàng quốc tế cũng có xu hướng chuyển qua mua hàng của Việt Nam.

“Lợi thế của Việt Nam là có môi trường sản xuất an toàn nhờ kiểm soát dịch COVID-19 một cách chặt chẽ trong khi hàng loạt quốc gia phải tạm dừng sản xuất, đóng cửa nhà máy. Mặt khác, các doanh nghiệp ngành gỗ và nội thất Việt Nam có khả năng nhận diện thị trường tốt và tận dụng các cơ hội khá hiệu quả.,” ông Nguyễn Chánh Phương nhấn mạnh.

Ông Trần Lam Sơn, Giám đốc Marketing và Quản lý chất lượng Công ty Thiên Minh Furniture, (chuyên gia kết nối văn phòng đại diện mua hàng của các nhà phân phối đồ gỗ, nội thất quốc tế tại Việt Nam) thông tin: ngoài việc “bật nhảy” thành công từ vị trí thứ 5 lên thứ 2 thế giới, thời gian gần đây đã có sự dịch chuyển có lợi cho Việt Nam trong chuỗi cung ứng các sản phẩm gỗ và nội thất thế giới.

Theo ông Trần Lam Sơn, các nhà mua hàng quốc tế ngày càng đánh giá cao năng lực sản xuất, mẫu mã cũng như công nghệ của các doanh nghiệp chế biến gỗ và nội thất Việt Nam.

Hơn nữa, trải qua cú sốc đứt gãy chuỗi cung ứng do COVID-19, các nhà phân phối hàng đầu thế giới có xu hướng đa dạng hóa và tìm kiếm nguồn cung an toàn hơn và Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu đó và cần tận dụng tốt thời cơ này.

Chủ động nắm bắt cơ hội

Trong bối cảnh giao thương hạn chế, kinh tế toàn cầu suy giảm, việc ngành chế biến gỗ và nội thất Việt Nam vươn lên khẳng định vị thế mới không chỉ nhờ “ăn may” mà là kết quả của một quá trình nổ lực thích ứng, đổi mới từ đầu tư sản xuất đến phương pháp tìm kiếm khách hàng.

Bà Phạm Thị Hồng Quang, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thủ công mỹ nghệ Nguồn Việt cho biết, năm 2020 doanh thu của công ty tăng tới 40% dù nhiều thời điểm dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng. Những tháng đầu năm 2021 đơn hàng vẫn tiếp tục tăng vì các nhà nhập khẩu nước ngoài đã bắt đầu mùa mua hàng mới phục vụ nhu cầu mua sắm cuối năm.

Theo bà Quang, khi nhận định dịch COVID-19 có thể là cơ hội cho sản phẩm đồ gỗ và nội thất, công ty đã tiến hành cải tiến nhà máy sản xuất, đầu tư chuyên sâu về công nghệ để nâng cao năng suất. Đồng thời, nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới, đa chức năng,  phù hợp với nhu cầu của khách hàng trong thời dịch.

Duy trì được hoạt động sản xuất và xác định được nhu cầu thị trường nhưng tìm kiếm, tiếp cận khách hàng bằng cách nào khi hầu hết hoạt động gặp gỡ, hội chợ triển lãm giao thương trực tiếp đều không thể thực hiện được là câu hỏi khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu.

Nganh go Viet Nam khang dinh vi the moi tren thi truong the gioi hinh anh 2

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty chế biến gỗ Triệu Phú Lộc (xã An Lập, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Không còn giải pháp nào khả quan hơn đó là sử dụng các công cụ marketing online, từ website đến email, đặc biệt là nền tảng triển lãm trực tuyến HOPE do chính HAWA phát triển.

“Nếu như trước đây, mỗi lần tham gia hội chợ triển lãm quốc tế, chúng tôi chỉ mang theo được nhiều nhất là 50-60 sản phẩm, rất khó để thỏa mãn nhu cầu của khách tham quan và nhà mua hàng. Từ khi tham gia nền tảng triển lãm trực tuyến, khách hàng có thể tham quan được toàn bộ showroom và có cái nhìn tổng thể tất cả sản phẩm, thậm chí họ có thể kết hợp các món hàng với nhau thành những bộ sản phẩm độc đáo hơn cả thiết kế ban đầu. Có thể thấy, đầu tư cho markeing online mang lại hiệu quả không kém gì việc bỏ hàng trăm ngàn USD mỗi năm để tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế,” bà Phạm Thị Hồng Quang chia sẻ.

Bà Dương Thị Minh Tuệ, Ủy viên Ban Chấp hành HAWA cho rằng, để có thể giữ vững vị thế, việc giữ chân khách hàng và tìm kiếm thị trường mới phải được triển khai xuyên suốt. Tháng 3, tháng 4 hàng năm là thời gian đặt hàng lớn nhất năm và trở thành điểm hẹn thường niên cho các nhà mua hàng quốc tế tại các hội chợ thương mại lớn ở khu vực châu Á.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ năm 2020 đến nay, các chuỗi sự kiện thương mại đồ gỗ và nội thất hầu như không tổ chức được. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các kênh quảng bá, xúc tiến thương mại từ online đến offline để duy trì sự hiện diện và năng động của mình với các đối tác mua hàng.

Riêng kênh online, nền tảng triển lãm trực tuyến HOPE dành cho ngành gỗ được khai sinh trong cao điểm của đại dịch COVID-19 đã quy tụ được gần 10.000 sản phẩm đến từ 70 doanh nghiệp với diện tích trưng bày tương đương hơn 20.000m2 (được scan bằng công nghệ 3D), trở thành kênh thương mại hiện đại và đắc lực cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp cần đầu tư nhân sự để vận hành gian hàng trực tuyến và quản lý tốt kênh truyền thông mới, đầu tư hình ảnh sản phẩm, showroom đẹp và tích cực tương tác với khách hàng để phát huy tối đa hiệu quả."

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Chánh Phương cho rằng bối cảnh dịch COVID-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, để hướng tới mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 14 tỷ USD trong năm 2021, việc tận dụng công nghệ, chuyển đổi số nhằm đa dạng hình thức tiếp cận khách hàng là giải pháp hết sức cần thiết.

Về lâu dài, doanh nghiệp cần chú trọng cải tiến năng suất lao động, giá trị sản phẩm, đặc biệt lưu ý xu hướng của các nhà mua hàng hiện nay là tìm kiếm những nhà sản xuất sử dụng vật liệu có nguồn gốc rõ ràng, ưu tiên sản phẩm có thể chuyển đổi công năng, thân thiện với môi trường, qua đó có thể giữ vững vị thế mới của Việt Nam trên thị trường đồ gỗ thế giới./.

Theo XUÂN ANH (Vietnam+)

 

Liên kết hữu ích