Ngành nông nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực trong năm 2024

27/12/2024 - 18:39

 - Chiều 27/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn bằng hình thức trực tuyến.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu An Giang

Điểm cầu tỉnh, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Ngô Công Thức và Giám đốc Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm chủ trì.

Năm 2024, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế là “trụ đỡ” của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phá. Tăng trưởng GDP toàn ngành ước khoảng 3,3%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng cao, đạt 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% và thặng dư thương mại 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%.

Năm 2025, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,4 - 3,5%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 64 - 65 tỷ USD. Phấn đấu tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 80%; có 325 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm 82%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 60%; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42,02%, nâng cao chất lượng rừng.

Với An Giang, năm 2024, ngành nông nghiệp đã có những đóng góp tích cực cho hoạt động xuất khẩu của tỉnh, với các mặt hàng chủ lực: Gạo, thủy sản đông lạnh, rau quả đông lạnh. Kim ngạch xuất khẩu của các sản phẩm này lần lượt đạt 340 triệu USD, 370 triệu USD và 66 triệu USD, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các mục tiêu chung của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cả nước.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định vai trò quan trọng của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nâng cao đời sống nông dân, đóng góp vào tăng trưởng GDP của cả nước. Đồng thời đề nghị, toàn ngành cần tận dụng những cơ hội mới và vượt qua khó khăn, có giải pháp tập trung xây dựng giá trị thương hiệu nông nghiệp Việt Nam gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu, tạo sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng mẫu mã, bao bì sản phẩm nông nghiệp phục vụ xuất khẩu.

Cùng với đó, cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp để nông dân tiếp cận được vốn, công nghệ để nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất. Đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng gắn với đẩy mạnh nuôi trồng, tăng cường chế biến sâu để nâng cao giá trị nông sản Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng chiến lược, thể chế, cơ chế, chính sách phát triển ngành nghiệp hiện đại, bền vững hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Đẩy mạnh cơ cấu ngành nông nghiệp, nêu cao tinh thần đoàn kết, phối hợp chặt chẽ trong ngành, ngoài ngành, với địa phương và hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó, việc cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy cũng là những nhiệm vụ cấp bách để ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn có những bước phát triển đột phá trong thời gian tới, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

THANH TIẾN