Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng chuyển đổi số của Tổng Bí thư
Một trong những điểm nhấn quan trọng của hội nghị là những chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhằm giúp các cán bộ thấm nhuần sâu sắc những tư tưởng mới của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về chuyển đổi số, từ đó dẫn dắt cơ quan, đơn vị mình phát triển, làm đầu tàu thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nhắc lại và làm rõ các thông điệp được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu ra trong bài viết: "Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới” nhân kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh.
Theo đó, dù ở bất cứ thời kỳ lịch sử nào, mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất cũng sẽ tác động tới sự phát triển đất nước. Khi lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất mâu thuẫn, trì trệ thì khi đó đất nước sẽ không thể phát triển được.
Trong bối cảnh hiện nay, khoa học công nghệ, nhất là các công nghệ số đang tạo ra sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất, thế nhưng quan hệ sản xuất lại chưa theo kịp. Việc thay đổi quan hệ sản xuất, dù chỉ là một chút sẽ tạo đà, giống giai đoạn “Đổi mới” để đưa Việt Nam vươn mình trở thành nước phát triển.
Nhìn vào câu chuyện của các doanh nghiệp trong ngành, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, nhiều doanh nghiệp không thể phát triển là do vướng các quy định trong nội tại, cũng chính là vướng mắc ở quan hệ sản xuất trong nội tại các doanh nghiệp. Do vậy, mỗi khi thấy khó khăn, các doanh nghiệp cần nhìn lại để xem những quy chế nội tại có tự kìm hãm mình hay không.
Theo Bộ trưởng, lần đầu tiên trong lịch sử, công nghệ làm thay đổi cả 3 thành tố của lực lượng sản xuất (lực lượng sản xuất, tư liệu sản xuất, người lao động) và đã trở thành lực lượng sản xuất cơ bản. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của công nghệ số.
Công nghệ số không những là lực lượng sản xuất mà còn là lực lượng sản xuất cơ bản. Ngành TT&TT vì thế đã trở thành lực lượng sản xuất cơ bản.
Chuyển đổi số còn tạo ra môi trường mới, đó chính là không gian mạng. Trên môi trường mới đó sinh ra các quan hệ mới, buộc thượng tầng quản trị phải thay đổi. Chính vì tạo ra một không gian mới nên chuyển đổi số là cuộc cách mạng về quan hệ sản xuất nhiều hơn, tức cách mạng về thay đổi nhiều hơn là cách mạng về công nghệ.
Công nghệ số và chuyển đổi số chính là động lực quan trọng nhất cho phát triển bởi chỉ có công nghệ mới có thể nâng cao năng suất lao động, giải quyết vấn đề cạn kiệt tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Công nghệ số cũng đã và đang nâng cao chất lượng cuộc sống bằng cách giúp chữa trị các căn bệnh phức tạp thông qua công nghệ gen, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia và giải quyết các vấn đề xã hội như khoảng cách giàu nghèo, đô thị quá tải và thiếu hụt nhân lực trong các cơ sở y tế, giáo dục.
Ngành TT&TT với cuộc cách mạng chuyển đổi số
Nhấn mạnh tuyên bố của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về việc coi chuyển đổi số là một cuộc cách mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, cơ quan báo chí trong ngành phải đi đầu trong cuộc cách mạng này.
Yếu tố cốt lõi để thành công trong cuộc cách mạng chuyển đổi số chính là việc cải cách thể chế và chính sách. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, để thúc đẩy chuyển đổi số, cần có những đột phá về thể chế, trong đó việc tăng ngân sách, đầu tư cho chuyển đổi số. Chính phủ cũng cần tạo ra những cơ chế đặc biệt để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề cập đến việc phát triển hạ tầng số, nhấn mạnh hạ tầng số giờ đây được coi là hạ tầng chiến lược quốc gia, bên cạnh hạ tầng giao thông và năng lượng. Nhà nước sẽ đóng vai trò tiên phong trong việc đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông, đặc biệt là mở rộng vùng phủ sóng 4G, 5G, tức phủ sóng Internet. Sắp tới, kết quả thực hiện chuyển đổi số cũng sẽ được dùng để đánh giá người đứng đầu các đơn vị.
Ngoài ra, một yếu tố không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi số là đảm bảo an ninh mạng. Việt Nam đặt mục tiêu trở thành cường quốc về an ninh mạng bởi chỉ khi đảm bảo được an toàn thông tin mới có thể bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng.
Về kinh tế số, có thể thúc đẩy phát triển bằng cách tác động vào mảng “cung” (công nghiệp chuyển đổi số, CNTT, truyền thông hoặc công nghiệp công nghệ số) hoặc mảng “cầu”, tức đưa người dân lên môi trường số.
Theo Bộ trưởng, Việt Nam có cơ hội trong cuộc cách mạng về chuyển đổi số bởi nước ta có khát vọng trở thành quốc gia hùng cường thịnh vượng, có sự lãnh đạo của Đảng, lại không gánh trên vai các gánh nặng của quá khứ. Bên cạnh đó, chuyển đổi số không phải là cuộc cách mạng công nghệ mà là vấn đề thay đổi tư duy, đó là điều Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện.
Lắng nghe, giải quyết thấu đáo kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội
Dành thời gian trao đổi, trả lời trực tiếp, đến nơi đến chốn các vấn đề, kiến nghị của cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội là một nét đặc trưng của Bộ TT&TT. Truyền thống này đã một lần nữa được duy trì tại Hội nghị giao ban quý 3/2024 với các đối tượng quản lý.
Theo đó, các kiến nghị của Viettel, Đông Dương Telecom, IoTLink, Thông tấn xã Việt Nam, Hiệp hội In Việt Nam, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam,… đều đã được Bộ trưởng và các đơn vị trong Bộ lắng nghe, làm rõ.
Đơn cử, Thông tấn xã Việt Nam đề xuất Bộ TT& TT có ý kiến về việc đảm bảo kinh phí hoạt động hằng năm, nhất là cho các cơ quan thường trú ở nước ngoài. Trong khi khối lượng công việc không ngừng tăng lên, nhưng theo chủ trương của Đảng mỗi năm các cơ quan báo chí chủ lực đều được yêu cầu giảm từ 2-3%.
Đối với vấn đề này, Bộ trưởng đã yêu cầu Cục Báo chí có buổi làm việc để tìm hiểu, tổng hợp ý kiến, số liệu từ các cơ quan báo chí, để có góc nhìn tổng quan, từ đó đề xuất Chính phủ có phương hướng giải quyết.
Với đề xuất của Hiệp hội In Việt Nam về việc giãn thời gian di dời các cơ sở in ra khỏi khu dân cư, Bộ trưởng đã chỉ đạo Cục Xuất bản, in và phát hành họp với từng địa phương để xem xét đầy đủ các tác động, từ đó đề xuất chính sách rõ ràng để các địa phương có cơ chế hỗ trợ.
Trước kiến nghị của VINASA về việc giữ nguyên mức thuế xuất khẩu 0% cho các sản phẩm, dịch vụ phần mềm, Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông sẽ sớm có buổi làm việc với các doanh nghiệp phần mềm để lắng nghe các ý kiến, kiến nghị từ đó có đề xuất với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan.
Tại Hội nghị Giao ban, ông Nguyễn Anh Cương, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cũng đã chia sẻ nhiều thông tin quan trọng về hiện trạng phát triển của Internet vạn vật (IoT) tại Việt Nam.
Theo Statista, tổng số kết nối IoT toàn cầu hiện là 2,44 tỷ kết nối và được dự báo sẽ tăng lên thành 5,12 tỷ kết nối vào năm 2030. Doanh thu toàn cầu từ IoT di động năm 2024 là 78 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng kép 14% mỗi năm, doanh thu IoT toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên thành 148 tỷ USD vào năm 2030.
Tại Việt Nam hiện có khoảng 6 triệu thiết bị kết nối IoT di động, với mức ARPU trung bình khoảng 14.000 đồng/thuê bao. Ước tính của thế giới cho thấy, tổng lượng thiết bị IoT tăng 10% sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP thêm 0,7%. Do vậy, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 100 triệu kết nối IoT di động, với mức ARPU trung bình đạt 86.000 đồng/thuê bao, từ đó đem lại nguồn thu mới trị giá 103.000 tỷ/năm cho các doanh nghiệp viễn thông.
Việc phát triển kết nối IoT đang là xu hướng, là nhu cầu tất yếu để phát triển hạ tầng số Việt Nam, mở ra không gian mới cho các doanh nghiệp viễn thông phát triển và thoát ra khỏi thị trường di động truyền thống vốn đã bão hòa. Để thúc đẩy số lượng kết nối IoT, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho rằng, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm quốc tế từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Hiện Trung Quốc đang thúc đẩy nghiên cứu, chế tạo hệ thống công nghiệp sản xuất IoT hoàn chỉnh và khuyến khích tất cả địa phương trên cả nước ứng dụng công nghệ IoT, thí điểm để nhân rộng ra toàn quốc. Trung Quốc đẩy mạnh ứng dụng IoT trong các lĩnh vực trọng điểm như dịch vụ công, thành phố thông minh, nhà thông minh, lấy đồng hồ đo nước, điện, gas thông minh, quản lý bãi đỗ xe công cộng, giám sát môi trường làm điểm khởi đầu.
Với Hàn Quốc, nước này đã kết hợp sức mạnh giữa chính phủ, doanh nghiệp viễn thông và doanh nghiệp sản xuất để thúc đẩy số lượng kết nối IoT. Chính quyền các địa phương tại Hàn Quốc cũng phối hợp với các doanh nghiệp lớn cung cấp nền tảng và mạng lưới, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì phát triển phần cứng và ứng dụng. Trong khi đó, chính phủ đầu tư phát triển các công nghệ IoT lõi, hệ sinh thái IoT, giảm áp lực gia nhập thị trường cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chia sẻ về vấn đề này, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, để phát triển số lượng kết nối IoT, mức chi phí hàng tháng của mỗi thuê bao IoT phải rẻ, nhưng cũng phải dựa trên việc tiêu dùng thực tế của thuê bao IoT đó. Mức phí thuê bao dành cho các thiết bị này hiện vẫn ở mức cao, do đó Bộ trưởng yêu cầu các nhà mạng cần cân nhắc điều chỉnh lại giá thành để thúc đẩy các thiết bị IoT phát triển.