TS.BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế trả lời phỏng vấn Báo An Giang
Phóng viên (P.V): Hàng năm, Việt Nam có khoảng 200.000 ca bệnh đột quỵ, trong đó có An Giang. Đột quỵ não là căn nguyên gây tử vong, tàn phế hàng đầu. Xin ông chia sẻ thực trạng bệnh lý đột quỵ hiện nay trên địa bàn tỉnh?
TS.BS Trần Quang Hiền: Theo thống kê 5 năm gần đây, trung bình An Giang có khoảng 5.000 trường hợp mắc đột quỵ mới mỗi năm, trong đó gần 80% trường hợp đột quỵ là nhồi máu não. Không khác gì các tỉnh, thành phố trên cả nước, An Giang cũng ghi nhận số bệnh nhân tăng nhanh theo từng năm. Về độ tuổi mắc bệnh, nếu như trước đây đối tượng bệnh thường gặp ở độ tuổi sau 50 với 75% trường hợp bị đột quỵ thì những năm về sau ngày một trẻ hóa từ 40 tuổi, thậm chí trẻ hơn.
P.V: Bệnh đột quỵ nguy hiểm như thế nào đối với sức khỏe người dân?
TS.BS Trần Quang Hiền: Đột quỵ hay tai biến mạch máu não là bệnh lý cấp tính nguy hiểm xảy ra đột ngột khi nguồn máu cung cấp cho não bị tắc nghẽn, gián đoạn hoặc suy giảm dẫn đến các tế bào não bị suy yếu và chết đi. Quá trình này diễn tiến chỉ trong vòng vài phút.
Đột quỵ có 2 dạng chính bao gồm xuất huyết não và nhồi máu não. Xuất huyết não do vỡ mạch máu, ở dạng này chiếm khoảng 1/3 trường hợp. Dạng còn lại chiếm đa số là do xơ vữa động mạch bong tróc gây hình thành cục máu đông là tắc nghẽn mạch máu. Ngoài ra, còn có những nguyên nhân ít gặp như cục máu đông từ tim trôi đến não, co thắt mạch máu não.
Do tế bào não rất khó hồi phục sau khi tổn thương, nên khi xảy ra đột quỵ, tỷ lệ tử vong rất cao có thể đến 20%. Những trường hợp không tử vong thì để lại di chứng nặng nề, ảnh hưởng cuộc sống và tuổi thọ người bệnh. Theo nghiên cứu của Hội Tim mạch Hoa Kỳ, đột quỵ là nguyên nhân tử vong do tim mạch hàng đầu trong thời gian từ năm 1991 - 2021 tại Đông Nam Á và trong năm 2021, Việt Nam là một trong 10 nước có tỷ lệ tử vong do đột quỵ cao ở khu vực. Vì vậy, đột quỵ thực sự một bệnh tim mạch nguy hiểm cho người dân nước ta.
P.V: Thực trạng hệ thống cấp cứu và kết quả điều trị đột quỵ tại An Giang thời gian qua như thế nào?
TS.BS Trần Quang Hiền: Qua số liệu thống kê và đánh giá tình hình đột quỵ thời gian qua tại An Giang, Sở Y tế đã chủ động tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề án mạng lưới cấp cứu đột quỵ dựa vào cộng đồng vào đầu năm 2020, nhằm kết nối mạng lưới cấp cứu đột quỵ ngoài cộng đồng và các cơ sở điều trị đột quỵ. Xây dựng mạng lưới xe cấp cứu đột quỵ, chuyển bệnh từ thiện trong tỉnh với 156 xe.
Thành lập các khoa điều trị đột quỵ mới, bổ sung trang thiết bị, thường xuyên đào tạo, cập nhật nâng cao năng lực tiếp nhận và điều trị đột quỵ cho nhân viên y tế. Phối hợp các ngành, các cấp tăng cường truyền thông về đột quỵ bằng nhiều hình thức: Trên báo, đài truyền hình, đài phát thanh các cấp, pa-nô, áp-phích...
Qua 5 năm thực hiện, tỷ lệ người bệnh đột quỵ đến sớm trong giờ vàng tăng từ 3% năm 2019 đến gần 20% năm 2023. Nhiều người bệnh đột quỵ đến sớm được điều trị kịp thời. Đến cuối năm 2023, tỉnh có 1.480 ca được sử dụng thuốc tiêu sợi huyết (54% trường hợp này phục hồi hoàn toàn chức năng sau điều trị); 42 trường hợp được can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ sau khi sử dụng thuốc tiêu sợi huyết không hiệu quả; số ca được điều trị, giảm tử vong, phục hồi chức năng của người bệnh đột quỵ năm sau cao hơn năm trước, tỷ lệ di chứng ở mức thấp nhất, phục hồi, trở lại làm việc, cuộc sống đời thường.
An Giang là một trong những tỉnh ở ĐBSCL triển khai và phát triển sớm hệ thống điều trị đột quỵ. Năm 2024, An Giang vinh dự là tỉnh có 4 đơn vị điều trị đột quỵ được nhận giải thưởng do Hội Đột quỵ thế giới trao tặng (WSO Angels Awards), gồm: Giải Kim cương (Bệnh viện Tim mạch An Giang), Giải Bạch kim (Bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang), Giải Vàng (Bệnh viện Đa khoa Khu vực Tân Châu).
P.V: Để phòng ngừa đột quỵ, ngành y tế có giải pháp gì thời gian tới. Nhất là giúp người dân nâng cao nhận thức, chủ động chăm sóc sức khỏe bản thân, nâng cao chất lượng cuộc sống?
TS.BS Trần Quang Hiền: Để phòng ngừa đột quỵ, ngành y tế đang và tiếp tục đẩy mạnh quản lý bệnh lý không lây nhiễm, trong đó có các bệnh lý làm tăng nguy cơ đột quỵ như: tăng huyết áp, đái tháo đường. Tăng cường điều trị, truyền thông thay đổi lối sống, vận động, kiểm soát và tầm soát sớm yếu tố nguy cơ đột quỵ, như: Các chương trình tuyên truyền phòng, chống tác hại hút thuốc lá, rèn luyện thể lực, tầm soát sức khỏe định kỳ...
Để nâng cao năng lực điều trị cấp cứu, ngành y tế tiếp tục duy trì và nâng cao năng lực điều trị, cập nhật những tiến bộ trong điều trị đột quỵ trong nước và trên thế giới đối với các cơ sở điều trị đột quỵ.
Sở Y tế sẽ tham mưu UBND tỉnh tiếp tục triển khai thêm các đơn vị điều trị đột quỵ ở tuyến huyện, như: Phú Tân, Thoại Sơn, Châu Phú, An Phú và tập huấn chuyên môn cho tài xế, kết nối các xe chuyển bệnh cấp cứu đột quỵ với các bệnh viện điều trị. Phối hợp các ngành, các cấp tăng cường truyền thông về đột quỵ bằng nhiều hình thức: Trên báo, đài truyền hình, đài phát thanh các cấp, pa-nô, áp-phích… để người bệnh đột quỵ đến bệnh viện sớm trong “giờ vàng”, giảm tỷ lệ di chứng và tử vong do đột quỵ.
Đối với phòng ngừa thứ phát đột quỵ, An Giang đã triển khai Bệnh viện Y dược học cổ truyền và phục hồi chức năng, giúp người bệnh cải thiện di chứng. Đồng thời, tăng cường năng lực chẩn đoán và điều trị bệnh nhân tại các bệnh viện, trung tâm y tế qua hình thức đào tạo liên tục, hội thảo. Với việc triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, ngành y tế An Giang tin tưởng sẽ giảm thiểu thành công nguy cơ mắc bệnh, nguy cơ tử vong và tàn phế do đột quỵ.
P.V: Xin cám ơn!
HẠNH CHÂU (Thực hiện)