Ngành y tế An Giang tăng cường phòng, chống dịch bệnh

28/03/2023 - 07:01

 - An Giang có đường biên giới tiếp giáp Vương quốc Campuchia khoảng 100km, thuận lợi giao thương, nhưng cũng khó khăn trong công tác kiểm soát dịch bệnh. Với sự nỗ lực, đoàn kết, trách nhiệm và quyết tâm cao, ngành y tế An Giang thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, Bộ Y tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Qua đó, đã kiểm soát hiệu quả các loại dịch bệnh truyền nhiễm, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Cùng với cả nước, An Giang đã kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả. Song song đó, chủ động công tác y tế dự phòng, thực hiện tốt phòng, chống dịch bệnh lưu hành tại địa phương, như: Sốt xuất huyết, sốt phát ban nghi sởi, tay-chân-miệng... hạn chế số mắc các bệnh truyền nhiễm, không để phát triển thành dịch lớn, không để dịch bệnh mới phát sinh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đánh giá: “Năm 2022, ngành y tế thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu theo Nghị quyết HĐND tỉnh và UBND tỉnh giao; song song chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh có những chỉ đạo kịp thời theo hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh và các khuyến cáo của Bộ Y tế. Ngành y tế An Giang đã tập trung nỗ lực và đạt được những thành tựu trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân”.

TS.BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế An Giang cho biết, những tháng đầu năm 2023, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, song trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, ngành y tế quyết liệt triển khai các biện pháp: Chủ động dự báo tình hình dịch bệnh để ứng phó có hiệu quả trước mọi diễn biến bất thường. Nâng chất lượng, hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin vào phòng, chống dịch, liên kết hệ thống thông tin, cơ sở y tế - bệnh nhân, dự phòng - điều trị… Đồng thời, nâng cao chất lượng giám sát, phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng, khoanh vùng xử lý ổ dịch triệt để. Thường xuyên cập nhật thông tin các bệnh dịch mới, chủ động giám sát không để dịch xâm nhập vào tỉnh...

Cụ thể, sau khi có thông tin chia sẻ từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và cơ quan đầu mối y tế quốc tế của Việt Nam, tại tỉnh Prey Veng (Vương quốc Campuchia) ghi nhận 2 trường hợp dương tính với virus cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1, trong đó có 1 trường hợp bệnh nhi tử vong và một số trường hợp bệnh nghi ngờ, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh và có công văn đề nghị lãnh đạo các đơn vị y tế khẩn trương theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh viêm phổi nặng do virus, nhất là tại các cửa khẩu: Phát hiện người qua lại biên giới có biểu hiện sốt cao, đặc biệt là những người đi về từ vùng đang có dịch cúm gia cầm, để phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh, tiến hành cách ly, xử lý dịch kịp thời.

Tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh và các trường hợp viêm đường hô hấp chưa rõ nguyên nhân tại cộng đồng và cơ sở y tế. Phối hợp phát hiện gia cầm, thủy cầm vào Việt Nam qua cửa khẩu và các đường mòn, lối mở. Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị cần thiết để điều trị bệnh nhân cúm A/H5N1 và hỗ trợ tuyến cơ sở khi cần thiết.

Những tháng đầu năm 2023 đã ghi nhận một số trường hợp nhiễm liên cầu lợn ở người tại một số tỉnh, thành phố. Đây là bệnh lây truyền từ động vật sang người, có thể gây tử vong. Để phòng, chống lây nhiễm bệnh liên cầu lợn sang người, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) thường xuyên cập nhật thông tin về bệnh liên cầu lợn trong và ngoài tỉnh, có giải pháp phòng, chống dịch phù hợp. Thu nhận mẫu xét nghiệm từ các đơn vị y tế; tăng cường truyền thông các biện pháp phòng lây nhiễm liên cầu lợn sang người cho người dân biết, thực hiện. Khuyến cáo các bệnh viện thực hiện tốt thu dung, điều trị, giám sát ca bệnh.

Đặc biệt, chú ý những bệnh nghi nhiễm liên cầu lợn. Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị điều trị bệnh hiệu quả. Sở Y tế khuyến cáo người dân: Không ăn sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín hoặc từ lợn bệnh, chết; không ăn tiết canh lợn; có biện pháp bảo hộ lao động cho những người chăn nuôi, giết mổ, buôn bán gia súc...

Mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm đang được kiểm soát, nhưng với nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, do hầu hết các quốc gia đã mở cửa trở lại, cùng với thời tiết thay đổi bất thường làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ngành y tế tiếp tục tăng cường, giám sát dịch bệnh lưu hành, bệnh mới nổi.

Lực lượng y tế làm việc tại khu vực cửa khẩu phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường giám sát, kiểm soát dịch bệnh ngay tại cửa khẩu biên giới, đặc biệt là với người nhập cảnh về từ các khu vực bùng phát dịch, nơi xuất hiện các biến thể mới, nhằm kịp thời phát hiện và triển khai các biện pháp phòng, chống, không để dịch xâm nhập, lây lan vào nội tỉnh.

Đồng thời, ngành y tế phối hợp các cơ quan truyền thông, báo chí đẩy mạnh thông tin, truyền thông về phòng, chống dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm mới nổi, để giúp người dân biết, chủ động phòng chống; hợp tác với nhân viên y tế trong tình huống có dịch; góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

CHÂU AN

 

Liên kết hữu ích