Ngày Tết nói chuyện đạo hiếu

06/02/2019 - 08:24

Người Việt Nam có một nếp sống rất đẹp, nếp sống ấy đã làm nên tính cách dân tộc và là nền tảng cho sự hình thành, phát triển văn hoá dân tộc. Nếp sống ấy đã trở thành nguồn mạch chảy trong tâm thức của mỗi một người con Việt từ xa xưa và duy trì đến nay.

Chú thích ảnh

Giỗ tổ Hùng Vương, ngày hội truyền thống được tổ chức để tưởng nhớ công lao dựng nước của các Vua Hùng. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Tết cha, Tết mẹ, 
Tết thầy...

Mỗi dịp đầu xuân năm mới, câu nói “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” lại trở nên quen thuộc với các gia đình, để mọi người nhắc nhở nhau về những trình tự lễ nghi cần thực hiện đúng và đủ trong 3 ngày Tết. Cũng là để gợi nhớ truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

“Gia đình chúng tôi xưa nay vẫn ăn Tết theo truyền thống, cứ ngày mùng 1 thì cả gia đình lớn, dù các con cháu đã ra ở riêng vẫn đưa nhau về tề tựu đông đủ ở nhà nội, tức là nhà bố tôi để ăn Tết. Sau lễ cúng bái gia tiên đầu năm mới, mọi người sẽ quây quần bên nhau ăn bữa cơm mừng ngày đầu năm mới, chia sẻ những kế hoạch trong năm mới cho nhau nghe. Con cháu chúc tụng, mừng tuổi ông bà, bố mẹ. Người lớn thì phát lì xì cho các cháu nhỏ để chúc các cháu may mắn, trưởng thành, học hành thành đạt. Sang ngày mùng 2, tôi đưa vợ con về nhà ngoại để chúc Tết bố mẹ và họ hàng bên vợ. Ngày thứ 3 cùng bạn bè đi thăm thầy cô, thăm các bạn ở trường lớp cũ. Năm nào cũng vậy đã thành nếp rồi”, anh Nguyễn Đức Tuấn, quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ.

Quả thực, trong tâm thức của người Việt, Tết là sum vầy, là nghĩa tình và hướng về nguồn cội. Và câu nói “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” chính là nói đến truyền thống tốt đẹp ấy của dân tộc ta.

Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã kết luận: Trong văn hóa người Việt, Tết là dịp lễ quan trọng và thiêng liêng nhất trong năm. Và trong thời khắc trọng đại này, người ta nhớ ơn 3 người đóng vai trò quan trọng nhất đối với cuộc đời của mình là người cha, người mẹ và người thầy.

Ngày nay, dù thời đại nhiều đổi thay, cách thức để bày tỏ tình cảm cũng đã có những thay đổi, khác xưa nhiều. Nhưng truyền thống tốt đẹp trong ngày lễ Tết vẫn không thay đổi. Nhiều gia đình, nhiều người vì hoàn cảnh đặc biệt, không thể có mặt bên cạnh cha mẹ ngày Tết, vẫn không quên gửi quà Tết, rồi gọi điện, nhắn tin chúc Tết và hỏi thăm ông bà, cha mẹ, thầy cô trong những ngày đầu năm mới.

Chú thích ảnh

Tết là đoàn viên, sum họp gia đình, cũng là dịp để mọi người báo hiếu cha mẹ. Ảnh: Trần Thiêm – TTXVN

Đạo Hiếu - tinh hoa văn hóa Việt

Từ xa xưa, người Việt đã có câu: “Chim có tổ người có tông”. Đó là đạo lý được lưu truyền qua hàng nghìn năm, qua nhiều thế hệ của người Việt. Đạo lý ấy là hiếu với tổ tiên, là “ly hương bất ly tổ”, là cội nguồn dân tộc mà cháu con vẫn nhớ để thờ, giỗ, và không quên cho đến nay.

Thượng tọa Thích Tâm Hiệp, người sáng lập dự án “Khơi nguồn tinh hoa văn hóa Việt” cho rằng: Tinh hoa của đạo hiếu là lòng biết ơn được thấm nhuần trong tâm thức mỗi người con Việt. Một dân tộc có niềm tin vững chắc vào cội nguồn, có niềm tin vào ông bà, cha mẹ, vào các thế hệ tiền nhân. Một dân tộc lấy việc thương kính với cha mẹ, ông bà, tổ tiên làm trọng, lấy chữ hiếu là lẽ sống… Đó là đạo lý, là một nếp sống rất nhân bản mà người Việt đã xây dựng qua hàng nghìn năm.

Người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới, trải qua nhiều thế hệ, đều có khuynh hướng là thiên về thờ Tổ. Người Việt có truyền thống thờ tổ gia đình (từ 5 đời trở xuống), thờ tổ gia tộc, thờ tổ làng, thờ thần làng, thờ tổ nghề, thờ Quốc Tổ Hùng Vương. Đây là một biểu hiện sâu sắc trong đạo hiếu của người Việt đối với ông bà, cha mẹ, những người đã sinh dưỡng mình, đã tìm cách chỉ ra đường đi nước bước cho thế hệ sau, hướng tới tương lai tốt đẹp hạnh phúc hơn…

“Ngày nay, đạo hiếu không chỉ được thể hiện qua tục thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thờ các vị tổ làng, tổ nghề, mà nó còn được mở rộng hơn qua lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Trung với nước, hiếu với dân”, Thượng tọa Thích Tâm Hiệp nhấn mạnh.

Theo Thượng tọa Thích Tâm Hiệp, tục thờ tổ tiên nói chung trong mỗi gia đình Việt được lưu truyền tự ngàn xưa, chính là biểu hiện sinh động của đạo hiếu Việt. Từ cách thể hiện lòng biết ơn đặc biệt ấy, người Việt hình thành một nền văn hóa, văn minh mang cốt cách riêng, mang bản sắc riêng: Nền văn minh Việt từ đạo hiếu. Từ đó, tạo dựng được cốt cách văn hóa trong tâm thức xã hội vững mạnh để tiếp nhận nền văn minh toàn cầu.

Trải qua hàng ngàn năm vun bồi, nếp sống và tín ngưỡng Việt trở nên vững vàng, bền bỉ trước mọi biến cố thăng trầm của lịch sử. Nếp sống ấy trở thành “Đạo” và có giá trị cốt lõi làm nên tinh hoa văn hóa Việt – đó là “Đạo hiếu”. Nhờ có nền tảng từ tâm thức trọng nếp sống hiếu hạnh, tục thờ tổ, sự thờ cúng ở mỗi làng xã, mỗi gia đình hay ở các nhóm cộng đồng người Việt, đã trở thành một sợi dây liên kết mọi người lại với nhau. Chúng ta nếu có dịp tham dự một ngày hội làng, một ngày lễ hội nghề thì đều có thể nhận thấy lòng kính ngưỡng, trọng hiếu đạo và ân nghĩa luôn hòa chung một nhịp trong trái tim mỗi người con Việt.

Theo PHƯƠNG HÀ - LÊ PHÚ (Báo Tin Tức)