Cặp VÐV Greysia Plii và Rahayu Apriyani (Indonesia) đoạt Huy chương vàng cầu lông đôi nữ. Ảnh AP
Indonesia vượt lên vị trí 35, Việt Nam kết thúc thi đấu
Ðoàn thể thao Indonesia trong ngày thi đấu hôm qua đã giành tấm HCV đầu tiên môn cầu lông ở nội dung đôi nữ. Cặp vận động viên (VÐV) Greysia Plii và Rahayu Apriyani đã đánh bại hai tay vợt Chen Qingchen và Jia Yifan (Trung Quốc) 21-19, 21-5 để đoạt tấm HCV quý giá lần đầu có được ở nội dung này. Với một HCV, một Huy chương bạc (HCB), ba Huy chương đồng (HCÐ), Indonesia đã vươn lên vị trí 35 trên bảng xếp hạng thành tích huy chương và đến thời điểm này đang dẫn đầu bảng thành tích của các nước Ðông Nam Á tại Olympic Tokyo 2020. Ðây là HCV thứ tám của Indonesia tại các kỳ Thế vận hội và đều do các VÐV cầu lông mang về.
Tuy chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng các VÐV Indonesia đã nỗ lực tập luyện và thi đấu đạt thành tích cao khi mang về nhiều hơn ba HCÐ so với kỳ Thế vận hội trước. Trước đó, hai đoàn thể thao khác của khu vực là Thái Lan và Philippines đều đã giành một HCV ở môn taekwondo và cử tạ, trong khi Malaysia giành một HCÐ ở nội dung đôi nam môn cầu lông. Tại kỳ Olympic Rio 2016, đoàn Thái Lan từng giành hai HCV, hai HCB và hai HCÐ; đoàn Việt Nam giành một HCV, một HCB; Singapore giành một HCV và Malaysia có bốn HCB và một HCÐ.
Ngày thi đấu 2/8 diễn ra trong điều kiện thời tiết xấu tại Tokyo cho nên chỉ có các môn thể thao trong nhà xác lập những kỷ lục thế giới và Olympic mới. Xạ thủ Zhang Chanhong của Trung Quốc đã phá cả kỷ lục Olympic và kỷ lục thế giới để giành HCV khi thi đấu chung kết môn bắn súng, nội dung 50 m súng trường ba tư thế. Thành tích mới của xạ thủ này là 466 điểm, hơn 0,7 điểm so với kỷ lục thế giới của người đồng hương Yang Haoran, phá sâu kỷ lục Olympic (458,8 điểm). Ở môn cử tạ, đô cử người Trung Quốc đang nắm giữ ba kỷ lục thế giới hạng hơn 87 kg nữ Li Wenwen đã phá cả ba kỷ lục Olympic với những thành tích mới 140 kg cử giật, 180 kg cử đẩy và tổng cử 320 kg.
Tối qua, tuyển thủ Quách Thị Lan của Việt Nam là đại diện duy nhất của điền kinh châu Á dự vòng bán kết chạy 400 m vượt rào nữ, đã về đích ở vị trí thứ sáu trong tám VÐV tranh tài ở loạt chạy đầu tiên với thành tích 56 giây 78 và không vào được chung kết dành cho tám VÐV xuất sắc nhất. Thành tích này của Quách Thị Lan kém hơn so với thành tích ở vòng loại (55 giây 71) và kém xa kỷ lục quốc gia của chính chị xác lập (55 giây 30). Trời mưa nặng hạt là nguyên nhân chính khiến Lan không thể đạt thành tích như mong muốn. Thêm vào đó, đợt chạy của Lan có VÐV xuất phát phạm quy buộc phải xuất phát lại khiến cả tám VÐV thi đấu đợt này đều phải thận trọng, cho nên có bước xuất phát chậm. Như vậy, sau kỳ Olympic Rio 2016 thăng hoa nhất trong lịch sử của mình, thể thao Việt Nam đã không thể giành huy chương tại kỳ thế vận hội lần này.
Trong ngày thi đấu hôm qua, môn cầu lông đã kết thúc thi đấu sau trận chung kết đơn nam. Với chiến thắng cách biệt 2-0 trước đương kim vô địch Chen Long, Axelsen Viktor (Ðan Mạch) đã chấm dứt ba kỳ độc quyền HCV đơn nam ở ba kỳ Olympic liên tiếp của các tay vợt Trung Quốc. Ở hai kỳ Olympic liên tiếp trước đó, tay vợt Lin Ðan của Trung Quốc đều giành HCV, thậm chí tại Olympic 2012, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên giành toàn bộ cả bộ năm HCV của môn cầu lông.
Canada và Thụy Ðiển vào chung kết bóng đá nữ
Chiều qua, tại trận bán kết thứ nhất "derby Bắc Mỹ" của bóng đá nữ Olympic Tokyo 2020, đúng như nhận định trước đó của giới chuyên môn, với phong độ có phần giảm sút, đội tuyển nữ Mỹ, đương kim vô địch thế giới, đã thi đấu khá chật vật trước đội tuyển nữ Canada. Sau hiệp một không bàn thắng, đội Mỹ có những thay đổi nhân sự ở các tuyến, tập trung tăng cường sức mạnh cho hàng tiến công và tiếp tục duy trì được thế trận lấn lướt. Tuy tạo ra được nhiều cơ hội, song các chân sút của Mỹ vẫn không xuyên thủng được hàng phòng ngự thép của các cô gái Canada. Họ đã phải trả giá khi phạm sai lầm để đối phương được hưởng đá phạt đền 11 m và Fleming không để lỡ cơ hội quý giá, ghi bàn thắng cho Canada.
Trong trận bán kết thứ hai, sức mạnh của đội tuyển nữ Thụy Ðiển đã được thể hiện trước đội tuyển nữ Australia qua thế trận áp đảo trong suốt hai hiệp đấu. Tiến công nhiều và liên tục tạo ra nhiều tình huống dứt điểm nguy hiểm, nhưng phải sang đầu hiệp hai, đội bóng của Bắc Âu mới ghi được bàn thắng dẫn trước. Bảo toàn sức lực với một chiến thắng tối thiểu, Thụy Ðiển tiến vào chung kết gặp Canada.
Bán kết bóng đá nam ngày 3-8: "Cân sức, cân tài"
Chiều tối nay (3-8), với hai cặp đấu là những đội tuyển Olympic mạnh nhất, vòng bán kết bóng đá nam Olympic Tokyo 2020 hứa hẹn sẽ hấp dẫn và kịch tính.
Ðược chờ đợi hơn cả là cuộc đối đầu giữa đội bóng đương kim vô địch Olympic là Brazil và đội Mexico ở trận bán kết thứ nhất. Ðội bóng của Nam Mỹ đang có một phong độ thi đấu tương đối ổn định qua vòng bảng. Với đội hình nhiều ngôi sao trẻ, Brazil được đánh giá cao hơn, nhất là khi trong tay họ đang sở hữu tiền đạo Richarlison đang thi đấu cho CLB Everton và hiện dẫn đầu danh sách cuộc đua Vua phá lưới ở Thế vận hội năm nay với năm bàn thắng có được. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu coi thường đối thủ của Brazil ở trận bán kết là Mexico. Ðại diện của khu vực Concacaf không có được dàn sao nổi trội, song cũng không hoàn toàn lép vế trước Brazil. Lịch sử cũng đứng về phía Mexico khi họ từng thắng Brazil 2-1 ở Olympic 2012. Brazil sẽ rất khó có được chiến thắng trong 90 phút thi đấu chính thức.
Ở trận bán kết thứ hai tối nay, đội tuyển Olympic Tây Ban Nha không được đánh giá cao hơn so với đội tuyển Olympic Nhật Bản. Nhìn lại hai vòng đấu vừa qua, hành trình của Tây Ban Nha vào đến bán kết không mấy thuyết phục cho dù họ đang sở hữu một đội hình chất lượng so với các đội bóng khác. Ðội bóng của châu Âu không cho thấy phong độ cao như kỳ vọng. Ðối mặt với đội chủ nhà ở bán kết là thách thức lớn với Tây Ban Nha bởi Nhật Bản đang đầy hưng phấn với ba trận thắng, chỉ hòa một trận ở vòng bảng và tứ kết, nhất là khi họ đang đứng trước cơ hội lớn đi tới trận chung kết. Trong lịch sử hai lần gặp nhau ở Thế vận hội, khi ở đỉnh cao phong độ, Tây Ban Nha cũng chỉ có một chiến thắng sít sao 1-0 trước Nhật Bản tại Olympic 2012, còn ở Olympic 1968, họ đã bị Nhật Bản cầm chân với tỷ số hòa 0-0. Tại trận bán kết lần này, nhiều khả năng, hai đội sẽ phải bước vào thi đấu hai hiệp phụ và có thể phải phân thắng bại bằng đá luân lưu 11 m.
Theo TIẾN CƯỜNG - MINH GIANG (Nhân Dân)