Ngày Xuân đôi điều về tên gọi làng quê, nơi gắn bó

12/02/2024 - 07:55

 - Khi người Việt đến khai phá, Nam Bộ là vùng đất hoang vu, thiên nhiên khắc nghiệt tác động mạnh đến đời sống, lao động, sản xuất và tâm lý của cộng đồng cư dân. Đánh dấu sự có mặt và tồn tại, tiền nhân định ra những tên gọi dễ hiểu, gần gũi, gắn liền với đặc trưng của vùng đất, nơi ở, trở thành nơi “chôn nhau cắt rốn”.

Sông Vàm Nao mùa nước nổi

Để đến sông Vàm Nao, du khách phải quá chân địa danh Năng Gù, nơi có nhiều cách hiểu, giải thích. Theo học giả Trương Vĩnh Ký, đây là tên một cù lao gọi là Năng Gù châu, điểm thu thủy lợi năm 1875 của triều Nguyễn trên sông Hậu. Tiếng Khmer, Năng Gù gọi Kòh Snêngkô, nghĩa là sừng bò, phát âm Kòh Snêngkô ra Năng Cù và đọc/nói lâu ngày bị biến âm thành Năng Gù như hiện nay.

Với ông Nguyễn Hữu Hiệp (Hội Khoa học lịch sử tỉnh An Giang), Năng Gù còn tên gọi là Hóa Cù Đà, do bị nước sông xâm thực mạnh lâu ngày thành con rạch nhỏ. Trước đây, địa danh Hóa Cù Đà và đến năm 1975 vẫn còn ấp tên Hóa Cù ở cồn Bình Thủy. Nơi đây vốn là dải đất liền, sau thành con rạch do điều kiện của thiên nhiên tác động. Cù là loài rồng đầu nhỏ không sừng - chỉ loại sấu dữ ở sông Vàm Nao thời lúc đó.

Rời Năng Gù đến sông Vàm Nao ở liền kề, hậu thế ngoài được biết cha ông ta tiêu diệt nhiều chiếc thuyền, quân xâm lược Xiêm thời nhà Nguyễn, biết thêm sông huyền thoại “chứa” ông “Năm Chèo”, cá sấu khủng, nhiều thủy quái ít có nơi nào sánh được. Sông Vàm Nao có tên Vàm Lao, Vàm Giao do tiếng Khmer gọi là Pàm Prêk Náy.

Từ Pàm âm ra là “vàm” - chỉ nơi sông nhỏ giao nhau với sông lớn; còn Prêk Náy là sông suối nhỏ, hợp lại nhau gọi là Vàm Nao. Con sông dài trên 6km, chiều rộng bình quân 700m và độ sâu khoảng 17m, nối sông Tiền và sông Hậu. Theo cổ sử, sông Vàm Nao là Hồi Oa Thủy (nước xoáy tròn). Từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm, nước chảy xiết, xoáy tròn như trôn ốc, có nhiều thác nước lớn, tàu bè ghe đi qua thường bị nhấn chìm.

Còn với tác giả cuốn “Tân Châu” Nguyễn Văn Kiềm, sông vốn là một ngọn tiểu khê, là đường của tượng đi, sau bị lở nhiều trở thành sông lớn. Năm Đinh Tỵ 1787, vua Gia Long từng đóng quân nơi đây. Đến năm 1842, Đốc thần Doãn Uẩn đến tìm dấu tích của vua, cho dựng tấm bia lưu lại dấu tích, nay vẫn còn lưu giữ.

Giồng Trà Dên

Không là đơn vị hành chính, Giồng Trà Dên (xã Tân Thạnh, TX. Tân Châu), địa danh lưu danh 120 liệt sĩ anh hùng đã anh dũng chiến đấu bảo vệ vùng đất. Theo tác giả Nguyễn Văn Kềm, Trà Dên là tên gọi của người Khmer, giống như Trà Đư ở Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), Trà Cú, Trà Ôn, Trà Kha, Trà Khứ, Trà Bang... ở TP. Trà Vinh. Nơi đây, ngoài cánh đồng tre rừng dày đặc, xen kẽ nhiều cây gòn rừng rất cao, nơi sống lâu đời của loài khỉ.

Khi chưa bị con người xâm phá, ruộng vườn, nhà cửa của bà con thường bị “con cháu Tề thiên” phá phách, nhưng sau vài cuộc chiến chúng tự kéo nhau qua Campuchia ở liền kề. Khu vực này có nhiều mương, rạch, như: Mà Ca (Ông Tà), Thâm Rôn (Bả Cả Bầu), Thâm Rui, Sẻo Mát... và gần đó xuất hiện các địa danh: Láng Tượng, Láng Cá Tra, Láng Bung Súng, Láng Dọp, Láng Chà, Bầu Ốc, Bình Linh... là vùng đất chứa nhiều thú dữ, rắn rùa và các loài cá. Nơi đây từng là căn cứ địa của Huyện ủy Tân Châu, chi bộ xã Tân An và là điểm dừng chân, chiến đấu của các lực lượng vũ trang địa phương, Trung ương.

Vốn là cánh rừng hoang vắng, tre rừng dày đặc, chạỵ dài hàng chục cây số, được cách mạng thiết kế nhiều chiến hào, bố trí bãi chông, hàng rào ở tứ phía rất khó vào. Khi giặc hành quân đến luôn là nỗi ám ảnh, sợ hãi và thường bị bỏ mạng. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Giồng Trà Dên diễn ra 51 trận đánh, loại khoảng 500 tên giặc. Tết Mậu Thân năm 1968 chứng kiến cuộc chiến anh dũng của quân và dân Tân Châu. 

Là “tấm bia lịch sử”, nơi sinh sống, vùng đất từng gắn bó, các bậc tiền nhân thường gửi gắm ước mơ, khát vọng, hưng thịnh, lâu dài của mình vào trong đó. Nhiều làng, xã, địa danh, tên gọi ở An Giang bắt đầu những từ “Tân” (mới, vùng đất mới), “Vĩnh” (mãi mãi, trường tồn), và “Phú” (giàu có, sung túc), “Mỹ” (đẹp, tốt đẹp)... xác thực nguyện vọng chính đáng này. Thời vua Minh Mạng, tỉnh An Giang có 167 thôn (làng...), trong đó 32 làng bắt đầu từ “Tân”, 32 làng bắt đầu từ “Vĩnh”, 12 làng bắt đầu từ “Phú”. Hiện, trên địa bàn tỉnh An Giang, địa danh có từ Vĩnh chiếm 27/137 xã, phường, thị trấn; từ Phú 28/127 xã, phường, thị trấn.

Địa danh bắt đầu từ Mỹ (đẹp, tốt đẹp) có 15/137 phường, xã, thị trấn; địa danh mang từ Tân còn 8/137 phường, xã, thị trấn. Những từ Tân, Vĩnh, Phú, Mỹ... là ước vọng cũng vừa là sự phấn đấu, vươn lên của con người để nguyện vọng đó sớm trở thành hiện thực. Hiện nay, trên địa bàn TP. Long Xuyên, Châu Đốc, TX. Tân Châu, các huyện An Phú, Châu Thành, Châu Phú, Thoại Sơn... tồn tại nhiều địa danh hành chính mang từ Vĩnh, Phú, Mỹ.

Tương đồng với nhiều địa phương cùng vùng miền, do sở hữu nhiều sông, kênh, rạch, giồng, vịnh, láng, cù lao, ngọn... tỉnh An Giang sở hữu nhiều địa danh gắn với các yếu tố nói trên. Ở TP. Long Xuyên có cù lao Ông Hổ, huyện Chợ Mới có cù lao Ông Chưởng, Cái Hố, Cồn Én; ở huyện Châu Phú nào là: Kênh Vịnh Tre, Láng Linh, Bải Thưa, Rạch Thầy Phó, Lung Trên, Lung Dưới, Ngã Ba, Ngọn Cạy... Không khó để gặp các địa danh cù lao Cây Sao, Rạch Chanh (hoặc Tranh), kênh Ông Cò, Mương Trâu, Xép Bà Lý, Rạch Rích, Rạch Sung, Bàu Mướp. Đây không chỉ là một dấu chỉ “làm hiệu”, mãi mãi là nơi “chôn nhau cắt rốn”, quê cha đất tổ, con người ai cũng luôn nhớ về.

Đình thần Bình Thủy trên sông Vàm Nao

Thông tin về xuất xứ, nguồn gốc tên gọi, địa danh, theo TS Ngô Quang Láng (Hội Khoa học lịch sử tỉnh An Giang), đây luôn là vấn đề thú vị, cần thiết nhưng khi sử dụng, xác nhận nó cần phải có cơ sở, chứng cứ khoa học để minh định. Địa danh ra đời từ rất sớm, nó khởi đi từ rất nhiều yếu tố, điều kiện, thậm chí võ đoán, rất khó truy nguyên, cùng khó tìm được tác giả.

Với các địa danh xuất đi từ tên gọi làng quê, nơi gắn bó được dân gian “gọi chết danh”, nó đã là tên gọi chung. Có thể xảy ra hiện tượng dị bản không đúng như ban đầu tiền nhân định ra, nhưng có ý nghĩa thiết thực, quan trọng trong việc hướng con người về đạo lý, trọng nghĩa tình, gắn kết nhau để cùng phát triển, vượt lên đúng như nguyện vọng các bậc tiền nhân đã ký tác trong các địa danh.

Ai từng sinh sống, gắn bó với nơi nào đó, khi xa sẽ bịn rịn, không muốn rời và vùng đất sẽ “hóa tâm hồn” đúng như lời nhà thơ Chế Lan Viên đúc kết: “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở - Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!”. Dù là người ở An Giang, nhưng không phải ai cũng rõ tên vùng đất mình gắn bó, địa danh từng trăm lần, ngàn bận đi qua.

NGUYỄN RẠNG