Nghề báo và những chuyến đi

18/06/2020 - 04:58

 -  Nếu có người hỏi tôi thích điều gì nhất trong nghề nghiệp của mình, tôi sẽ chẳng do dự mà trả lời ngay: những chuyến đi. Dù là đi trong ngày, ngắn ngày hay dài ngày, đều mang đến cho người làm báo nhiều trải nghiệm thú vị. Vừa được “học một sàng khôn”, vừa chuyển tải thông tin ấy đến công chúng, sao lại không thú vị cho được!

Chúng tôi không có lịch công tác. Nếu có chăng, là những sự kiện, buổi hội họp được ấn định thời gian tổ chức, đúng ngày giờ phóng viên sẽ có mặt để đưa tin. Còn lại, là vô vàn chuyến đi đột xuất, giống như bất ngờ của cuộc sống đang diễn ra hàng giờ, hàng phút.

Điện thoại mở 24/24, sẵn sàng nhận nhiệm vụ Ban Biên tập phân công. Bữa trưa, vừa cầm chén cơm lên, chưa kịp ăn thì phải bỏ xuống, chạy đi đưa tin một vụ sạt lở. Nửa đêm, đang ngủ ngon giấc, nghe điện thoại xong lại vội đến hiện trường một vụ án mạng. Giao thừa, các phóng viên tỏa đi theo nhiều đoàn công tác của tỉnh.

Sau khi bản tin tổng hợp cuối cùng của năm cũ được đăng tải trên báo điện tử, chúng tôi ngẩng lên nhìn đồng hồ: đã gần sang năm mới. Cứ như thế, nhịp sinh hoạt của người làm báo chỉ có thể gói gọn trong từ “tranh thủ”. Được lúc nào rảnh rỗi thì tranh thủ nghỉ ngơi, xử lý chuyện cá nhân, gia đình. Biết đâu, ít phút sau sẽ phải tất bật, cuốn theo một sự kiện đột xuất nào đó.

Làm báo là đối mặt với rất nhiều áp lực về mặt thông tin và thời gian. Chẳng cần biết lý do khách quan, chủ quan gì, cứ đúng “giờ G” quy định là Ban Biên tập phải nhận được tin, bài. Phóng viên không nộp tác phẩm đúng hạn xem như không hoàn thành nhiệm vụ. Bởi vì đằng sau đó là cả một chuỗi công việc hậu kỳ, từ biên tập, xuất bản, phát sóng...

Trễ một khâu thôi, sẽ kéo tất cả cùng trễ theo. Vậy nên, nếu đề tài này bị “phá sản”, phóng viên ngay lập tức chuyển sang một đề tài khác để đảm bảo kế hoạch xuất bản, phát sóng. Muốn vậy, chỉ có thể gắn liền với các chuyến đi, chuẩn bị sẵn chất liệu và đề tài dự trữ.

Giờ hành chính, chúng tôi có thể khỏi vào cơ quan “điểm danh” (Ban Biên tập cứ hay đùa: phóng viên là thành phần “đi mây về gió”). Nhưng bù lại, thời gian làm việc ngoài giờ vô số kể. Trời chưa sáng, đã vác máy móc lên đường, khuya lơ khuya lắc mới về đến nhà.

Cao điểm phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đồng nghiệp của tôi có người tối mịt vẫn còn ở ngoài biên giới, phản ánh thông tin về các chốt dã chiến, công tác phòng, chống dịch bệnh ở từng địa phương đặc thù. Có người phải “trực chiến” cùng cơ quan chức năng để nhận được thông tin mới nhất, xử lý thành tin, bài gửi về tòa soạn nhanh nhất có thể.

Nhiều phóng viên ra vào khu cách ly tập trung để tác nghiệp. Đối diện với nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn, không đồng nghĩa với việc chúng tôi lo sợ, chùn bước. Thay vào đó, mỗi phóng viên tự trang bị kiến thức bảo vệ sức khỏe của mình, đồng thời cung cấp kiến thức, thông tin để cùng toàn xã hội chống lại dịch bệnh. Chúng tôi chọn cách “dấn thân có trách nhiệm”, mỗi chuyến công tác đều phải đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh.

Trong các chuyến đi của mình, tôi nhớ nhất một chuyến hải trình. Cuối năm 2019, Vùng 5 Hải quân tổ chức thăm cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ở các hòn đảo Tây Nam của Tổ quốc. Tôi đăng ký ngay, vì muốn được trải nghiệm ít nhất một lần trong đời chuyến đi ý nghĩa như vậy. Ban Biên tập khá phân vân, vì tôi chưa từng đi công tác dài ngày trên biển, lại là phụ nữ, sức khỏe không thể sánh bằng phóng viên nam. Nhưng thấy tôi cam đoan “giữ gìn sức khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Ban Biên tập đành chấp thuận. Quả thật, hành trình tác nghiệp ở các đảo vất vả, khó khăn hơn so với những gì tôi mường tượng.

Để đến được trụ sở các đơn vị đang đứng chân ở đảo, chúng tôi phải lội bộ nhiều cây số liên tục, băng qua con đường rừng dốc ngược, cheo leo hiểm trở. Máy móc, thiết bị ngày càng nặng trĩu trên vai, đi được vài bước, chúng tôi phải ngừng lại... thở. Không thể nhờ các đồng nghiệp nam hỗ trợ, vì họ cũng mang vác đồ đạc lỉnh kỉnh rồi.

Chuyến công tác ấy là một trải nghiệm mới mẻ, ghi dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời làm báo của tôi. Dù mồ hôi ướt đẫm áo, dù thở không ra hơi, dù đôi vai hằn đỏ dây quai balô, nhưng chẳng hề gì, tôi vẫn mong sẽ có ngày quay trở lại các đảo. Chia sẻ một chút khó khăn, dùng ngòi bút của mình làm cầu nối giữa lính đảo và nhân dân đất liền, là vinh dự của những nhà báo như tôi.

Sống với nghề, tức là sống cùng những chuyến đi nối tiếp nhau. Nghề sẽ đào thải người đã cảm thấy “mỏi gối chồn chân”, không còn nhiệt huyết với hành trình công tác báo chí nữa. Nghề không chấp nhận người thích ở một chỗ, siêng điện thoại xin báo cáo và lười đi thực tế, chỉ dựa vào kinh nghiệm và vốn sống trước đó rồi lấp liếm bằng câu chữ.

Nghề buộc chúng tôi phải đến tận tổ, ấp để hiểu thuận lợi, khó khăn trong sinh hoạt của người dân; ra đồng ruộng trò chuyện cùng nông dân để biết mùa màng ra sao; gặp trực tiếp lãnh đạo địa phương, đơn vị để được xác minh thông tin phản ánh của bạn đọc; “lang thang” tìm những điều thú vị, độc đáo, tươi đẹp kể cho công chúng cùng biết…

Để rồi, khi trở về nhà, ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi sẽ hiểu thêm về những nhân vật mới, câu chuyện mới, vùng đất mới, bổ sung kiến thức, trải nghiệm cho chính mình. Đi nhiều, càng thấy yêu cuộc sống và yêu nghề. Khi đã yêu nghề, thì lại càng yêu những chuyến đi!

GIA KHÁNH