Nghề đi ghe của người Chăm

15/02/2024 - 03:08

 - Nghề đi ghe của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Chăm được xem là nét văn hóa sông nước đặc trưng miền đồng bằng châu thổ sông Cửu Long. Từ lâu, họ sử dụng chiếc ghe làm phương tiện đi lại trên sông, rạch, với các hoạt động đánh bắt thủy sản và kết nối giao thương hàng hóa rất độc đáo.

Các hoạt động trên ghe của đồng bào Chăm

Nhớ thời nhộn nhịp

Bao đời nay, cuộc sống của đồng bào DTTS Chăm lặng lẽ, hiền hòa như dòng sông Hậu. Ven lộ, hoạt động mua bán theo kiểu “hàng đẩy” nhanh, gọn, tạo nét riêng biệt ở làng Chăm. Những chiếc xe đẩy 2 bánh, như cái “chợ di động”, với đủ thứ đồ dùng, nhóm, họp chỉ khoảng vài mươi phút rồi tan.

Ghé thánh đường Darul Eih San (thị trấn Đa Phước, huyện An Phú), gặp chú Ha Li Dal (Tư Dal, 66 tuổi), một trong những “già làng” có uy tín đối với đồng bào DTTS Chăm. Nhớ về một thời đi ghe buôn bán hàng hóa, Tư Dal kể, ngày trước đường sá đi lại gian truân, bà con người Chăm chủ yếu sống bằng nghề buôn bán nhỏ và chài lưới trên sông. Lũ về, nước dìm ngập thôn xóm, nhà nào thấp phải kê cao để ở. Các hoạt động đều phụ thuộc phương tiện ghe, xuồng. Từ đó, nghề đi ghe của đồng bào DTTS Chăm phát triển mạnh.

Chú ISa (64 tuổi, khóm Hà Bao 1, thị trấn Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang), người duy nhất làng Chăm bảo tồn nghề dệt thổ cẩm còn sót lại. Nhà chú Isa nằm cặp dòng sông Hậu, nên việc buôn sản phẩm dệt thổ cẩm chủ yếu bằng chiếc ghe bầu. Theo thời gian, cuộc sống ngày càng hiện đại, máy móc thay sức người, nghề dệt thổ cẩm dần mai một, bởi vấp phải sự cạnh tranh của ngành dệt công nghiệp. Từ dạo đó, gia đình chú Isa cũng bỏ nghề buôn bán bằng ghe.

“Ngày trước, xóm Chăm ở khóm Hà Bao, nhà nào cũng có khung dệt. Sáng sớm, đã nghe tiếng dệt vải lách cách của thiếu nữ Chăm. Những sản phẩm thổ cẩm được chúng tôi sản xuất chủ yếu, như: Khăn Mat’ra, khăn choàng tắm, mùng, mền… Hồi xưa, đường sá đi lại khó khăn, chưa có xe, gia đình tôi chở hàng hóa bằng ghe dạo bán khắp nơi. Khi thì chèo ghe xuôi về Vĩnh Long, rồi qua U Minh Thượng, ngược về Rạch Giá giao hàng. Mỗi chuyến đi mất cả tháng trời!” - chú ISa tâm sự.    

Có thể thấy rằng, chiếc ghe đối với người Chăm được xem như phương tiện đi lại thiết yếu trong gia đình. Những chuyến đi xa phiêu lưu khắp xứ người, đồng bào DTTS Chăm dùng làm “căn nhà di động”, tất cả hoạt động buôn bán và sinh hoạt ngủ, nghỉ đều trên ghe…

Nhờ nghề đi ghe, đời sống bà con thoải mái, có đồng vô đồng ra, nuôi sấp nhỏ ăn học. Không những buôn bán hàng hóa nội địa, bà con người Chăm còn dùng chiếc ghe xuôi ngược lên tận Phom Penh (Vương quốc Campuchia) trong thời gian dài. Tập quán buôn bán trên ghe ăn sâu vào tiềm thức của bà con, nên mạng lưới giao thương được kết nối rộng khắp theo dòng Mekong.

Ngày trước, sản phẩm dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm được vận chuyển bằng ghe, bán khắp nơi

Rong ruổi khắp nơi

Nhớ về thời vàng son của nghề đi ghe, cụ Mohamad (100 tuổi, giáo cả thánh đường Mubarak, một “nhân chứng sống” ở làng Chăm Châu Giang) bộc bạch: “Chúng tôi mua gạo, muối, đường mía tại chợ nổi Châu Đốc chất lên ghe, chèo dọc theo sông Mekong bán khắp các tỉnh miền Tây. Hồi đó, chưa có máy móc, trai tráng trong làng xuống ghe chèo ngược nước qua tận Campuchia để giao hàng”.

Sự kết nối giao thương ngày càng mạnh, do đó, những thương nhân đồng bào DTTS Chăm đã học được đa ngôn ngữ. Đây là thế mạnh trong quá trình trao đổi hàng hóa qua lại giữa đôi bên. Cụ Mohamad nói rằng, đồng bào DTTS Chăm nói tiếng Campuchia, Thái Lan, Mã Lai như “bẻ cây” vậy.

Ngoài buôn bán hàng hóa nhu yếu phẩm, thuở trước, nhiều thương nhân người Chăm còn buôn bán gỗ từ Phnom Penh về Châu Đốc giao lại cho các trại cưa. Gỗ được các thợ mộc thạo nghề, cưa xẻ đóng tủ, bàn ghế. Thương nhân người Chăm nắm bắt nhu cầu thị trường, mua những sản phẩm này, rồi chở ngược lên Campuchia bán lại. Nhiều khi, họ còn chở hàng qua tận Thái Lan phân phối.

“Bà con bán tủ, bàn ghế bên Campuchia, Thái Lan rất chạy. Bán xong, họ mua một số đồ gia dụng chất lên ghe, rồi mang về tiêu thụ rất thuận lợi. Đi 1 lần buôn được 2 chuyến hàng, bỏ chi phí, bà con kiếm lời rủng rỉnh”- cụ Mohamad cười tươi. Ngoài việc buôn bán hàng hóa từ các địa phương khác, đồng bào DTTS Chăm còn mang những sản phẩm tự tay làm ra, như: Xà bông, khăn tắm, xà rông, khăn vấn… mang đi bán khắp vùng ĐBSCL, Campuchia, Thái Lan hoặc qua tận Malaysia.

Theo những cụ cao niên làng Chăm Châu Giang, những năm cuối thế kỷ XIX, cộng đồng người Chăm ở Châu Giang, Châu Phong, Cồn Tiên, Vĩnh Trường trở thành những nơi buôn bán sầm uất, giàu có. Ngoài ra, đồng bào DTTS Chăm sinh sống gần biên giới, rất thuận tiện trong việc mua bán các sản phẩm đặc thù địa phương, như: Đậu xanh, trứng vịt, trái cây, quần áo… đối với người dân nước bạn Campuchia. Họ còn nhạy bén trong việc thu mua trâu bò biên giới, mang về phân phối tại các chợ ở TP. Hồ Chí Minh.

Sau này, do điều kiện khó khăn, có thời gian hoạt động buôn bán trên ghe của đồng bào DTTS Chăm qua lại biên giới bị giảm sút. Hàng loạt thương buôn người Chăm chuyển sang thị trường trong nước do hàng hóa, nhu yếu phẩm tại các chợ đầu mối đa dạng. Nắm bắt nhu cầu của người dân ở vùng sâu, vùng xa khó khăn trong việc tiếp cận hàng hóa từ các chợ, đồng bào DTTS Chăm “bổ” hàng chở ghe bán tại các vùng hẻo lánh.

Ông Ya Pha (thương buôn “một thời vang bóng”) nói rằng, dạo trước chạy ghe bán hàng khắp miền Tây, riết quen mặt người dân miệt dưới. Ban đầu, người Chăm bán hàng xong, thu tiền mặt. Trong chuyện làm ăn, người Chăm rất công bằng, trung thực nên được người dân tin tưởng. Đặc thù vùng nông thôn, kinh tế bà con chủ yếu phụ thuộc vào trồng lúa. Năm nào nông dân canh tác lúa thất mùa, khó khăn trong chi tiêu, thương buôn người Chăm mạnh dạn “bán chịu, bán ừ” (bán thiếu) tới mùa lúa chín.

“Thu hoạch lúa xong, nông dân trả tiền cái “rụp”. Rồi từ đó, giữa đôi bên thân quen nhau. Sau này, đường sá láng nhựa phẳng phiu, giao thương nhanh chóng, đồng bào DTTS Chăm chuyển sang giao hàng bằng xe phân phối khắp các tỉnh, thành phố. Lâu lâu, vẫn còn liên lạc với nông dân; gặp lại tôi, họ mừng lắm!” - ông Ya Pha tâm sự. Ngày nay, cầu, đường thông suốt từ vùng hẻo lánh đến thị thành, xe cộ ngược xuôi vận chuyển hàng hóa tấp nập. Khung cảnh nhộn nhịp “trên bến, dưới thuyền” của thương buôn người Chăm sẽ đi vào quên lãng.

TS Hoàng Mạnh Tưởng (Trưởng khoa dân tộc và tôn giáo, Học viện Chính trị Khu vực II chuyên nghiên cứu về đồng bào Chăm An Giang) cho biết, là địa phương có nhiều người Chăm theo đạo Islam lớn nhất trong cả nước, với 15.327 người (chiếm 41,67% tổng số tín đồ Islam của cả nước), 294 chức sắc, chức việc, 28 cơ sở thờ tự (12 thánh đường (masjid) và 16 tiểu thánh đường (surao), sinh sống tại 9 xã, phường thuộc các địa phương: Huyện An Phú, Phú Tân, Châu Thành, TX. Tân Châu. Hoạt động kinh tế của người Chăm khá đa dạng, từ trồng trọt, chăn nuôi, đến buôn bán, thủ công, đánh bắt thủy sản. Trong đó, nghề thương buôn trên ghe được xem là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào DTTS Chăm thuở xưa.

HOÀNG MỸ