Nghề “dụ” cá trên sông

05/11/2019 - 07:12
  • Giọng nam miền nam
  • Giọng nữ miền nam

 - Trong những nghề hạ bạc, dỡ chà được xem là khá nhất, bởi người hành nghề không phải lặn lội trên sóng nước mênh mông để tìm từng con tôm, con cá mà “dụ” chúng gom lại một chỗ để đánh bắt. Tuy nhiên, đã là nghề “bà cậu” thì đều có nỗi vất vả riêng.

Thăng trầm với “nghiệp”

Gắn bó với nghề dỡ chà từ lúc tóc còn xanh đến khi đã là ông lão ngoài 60 tuổi, ông Trần Văn Xem (xã Bình Mỹ, Châu Phú) không nhớ rõ mình đã đi qua bao nhiêu mùa nước nổi và bao nhiêu lần dỡ chà trên xép Năng Gù. Có lẽ, cuộc đời ông cũng bình yên như mặt nước Năng Gù, quanh năm lặng sóng. Có chăng là nghề dỡ chà trên sông cứ thăng trầm theo con nước, khi trúng, khi thất nhưng vẫn nuôi sống gia đình ông mấy chục năm qua.

Dỡ chà bắt cá trên xép Năng Gù

Trong đôi mắt đã hằn dấu thời gian, ông Xem vẫn nhớ mồn một những ký ức của mấy chục năm về trước, khi mà mỗi lần dỡ chà là cá phóng vùn vụt trông mê cả mắt. Cứ thế, mỗi lần cất lưới là thu được 700-800kg cá đủ loại, đủ cỡ. Bạn hàng tấp ghe vô mua cá, xong trả tiền tại chỗ để ông Xem trang trải cuộc sống gia đình.

Cứ như thế, mỗi tháng ông Xem dỡ chà 1 lần là dư tiền “cơm gạo” cho các con, phần còn lại để dành chi tiêu cho những tháng mùa khô. Cá lăng, cá mè vinh, cá ngựa, cá chốt… đủ hết. Phần ông đem bán, phần để lại ăn, nếu không hết lại đổ vô lu ủ mắm.

Ông Xem chia sẻ, dù thời đó cá sông có rẻ thật nhưng với số lượng nhiều thì chúng vẫn giúp dân “bà cậu” có thu nhập trong mấy tháng nước ngập “linh binh” khắp nơi. Với lại, cá nhiều giúp bữa ăn mùa lũ ngày trước phong phú lắm. Canh chua, mắm đồng, cá nướng đủ kiểu, hết món nọ đến món kia. Người ta nói đùa rằng, dân dỡ chà như ông ăn uống “sang” lắm! Mỗi lần cất cá thì ông và những anh em phụ việc đều có những bữa tiệc hoành tráng từ những con cá bắt dưới sông lên. Tuy nhiên, không phải nghề dỡ chà “dễ ăn” như nhiều người nghĩ. Bởi, có những con nước cá ít thì chủ chà như ông Xem không đủ tiền trả công người lao động. Đó là chưa kể bản thân ông phải ngụp lặn hàng giờ đồng hồ cùng mọi người cất cá.

Vì người ta chất rất nhiều cây để đủ độ ấm "dụ" cá vào ở, nên lúc dỡ chà cũng phải gạn lên cho thật kỹ nếu không muốn bị rách lưới khiến chúng thoát ra ngoài. Những con cá nhảy xoi xói phản chiếu ánh nắng qua lớp vảy khiến người xem trầm trồ, nhưng với dân trong nghề như ông Xem thì niềm vui chỉ trọn vẹn khi cầm trên tay số tiền bán cá để biết mình có lãi hay không. Tuy nhiên, vì đã gắn bó với cái nghiệp dỡ chà nên nhiều lần muốn từ bỏ nhưng rốt cuộc ông vẫn quay về với nó.

Gắn bó với nghề

Đã mấy mươi năm “mặt nám tay chai” với nghề, ông Xem nghĩ rằng nó vẫn có thể nuôi sống ông khá lâu nữa. Giờ con cá dẫu ít hơn nhưng bán được giá cao nên ông Xem vẫn có “đồng vô đồng ra” chứ, không đến nỗi trắng tay. Ông Xem cho biết, bản thân đã lớn tuổi nên không thể chọn nghề nào khác mà sẽ tiếp tục cái nghề "dụ" cá. Các con ông giờ đã tìm được cuộc sống ổn định hơn. Họ đi lao động ngoài tỉnh với đồng lương đều đặn hàng tháng, chứ không thể ở nhà dỡ chà cùng cha mình như những năm trước.

Hiện giờ, những mặt hàng như: cá kết, cá leo có giá hàng trăm ngàn đồng/kg. Những loại cá dễ kiếm hơn như: cá linh, cá lăng khoảng 60.000-80.000 đồng/kg nên ông Xem vẫn có thể tiếp tục với nghề dỡ chà trên sông. Sản lượng cá cất lên vài chục kg mỗi mẻ lưới mới đủ bán ở chợ nhưng ông cùng những “đồng nghiệp” khác vẫn có thể trang trải cuộc sống.

Mạnh tay ném từng nhánh chà đầy rong rêu lên bờ, anh Nguyễn Văn Thuận (ngụ xã Vĩnh Hội Đông, An Phú) không giấu được sự thất vọng cho mùa nước năm nay. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi dân “bà cậu” như anh chỉ có 6 tháng mùa nước để kiếm đồng vô kha khá mà chuẩn bị cho cái Tết Nguyên đán gần kề, hay toan tính các khoản chi tiêu khác trong năm. Nhưng lũ bất thường khiến anh không biết đường mà tính. Đầu vụ nước lên chậm. Giữa mùa nước lên nhanh. Giờ cũng là lúc nước rút băng băng. Con cá, con cua chưa kịp lớn đã trôi đi đâu hết. Đống chà anh chất bên bờ sông Vĩnh Hội Đông thu được rất ít cá khiến cuộc sống gia đình khó khăn hơn.

Tuy nhiên, anh Thuận cho biết mình vẫn tiếp tục ngóng con nước tháng 10 (âm lịch) với hy vọng sẽ thu được mẻ cá khá hơn. Khi đó, anh mới có đủ tiền để sắm sửa trong nhà đón Tết hay mua thêm cho mấy đứa con cái quần, cái áo đi học. Khó khăn là vậy nhưng anh cho biết vẫn sẽ tiếp tục với nghiệp dỡ chà, bởi nó là kỷ niệm mà cha anh để lại. Hơn nữa, các anh em trong gia đình đã đi Bình Dương hết, chỉ còn anh ở lại quê nhà. Bởi thế, anh vẫn cứ bám vào mùa lũ với niềm ước mong những mẻ lưới bội thu, khi con nước cuối mùa sẽ mang cá ra sông.

THANH TIẾN