Nghệ thuật đá cầu kiểng

20/12/2022 - 05:35

 - Đá cầu kiểng (hay đá cầu nghệ thuật) là một trong những môn thể thao thú vị, lành mạnh, bổ ích; vừa có tính nghệ thuật, vừa giúp nâng cao sức khỏe. Tại An Giang, phong trào luyện tập môn thể thao này phát triển từ rất sớm, nổi bật là Câu lạc bộ (CLB) cầu kiểng Tân Phú (xã Phú Lâm, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang).

 

Đá cầu kiểng ở xã Phú Lâm

Vận động viên biểu diễn một số kỹ năng đá cầu kiểng

“Nhảy múa” cùng trái cầu

Phong trào luyện tập môn đá cầu kiểng trên địa bàn xã Phú Lâm đã đi vào nền nếp. Ngày nào cũng vậy, từ 16-19 giờ, tại Nhà Văn hóa xã, hàng chục thành viên trong CLB đứng thành vòng tròn để trình diễn những kỹ năng “điêu luyện” của môn đá cầu. Chứng kiến môn thể thao này, nhiều người không khỏi bất ngờ bởi kỹ năng điều khiển cầu chính xác của người chơi, động tác vô cùng đẹp mắt.

Ông Nguyễn Văn Hiền (Chủ nhiệm CLB cầu kiểng Tân Phú) cho biết, môn thể thao này xuất hiện ở địa phương khoảng 50 năm, còn CLB hình thành khoảng 30 năm. Hiện, CLB có 13 thành viên, bình quân mỗi ngày 8-10 thành viên tham gia luyện tập. Như tên gọi, đá cầu kiểng không được tính là môn thi đấu, mà chỉ mang tính chất biểu diễn.

Môn thể thao này không có quy luật chi tiết, người chơi chỉ cần chuyền cầu qua lại với nhau bằng mọi bộ phận cơ thể (trừ tay), miễn sao cầu không rơi xuống mặt đất. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà cho rằng đây là môn thể thao dễ chơi. Bởi, nếu càng “đi sâu”, người chơi sẽ tiếp cận với những động tác, kỹ thuật đá cầu rất khó.

 Ông Hiền cho biết, có khoảng 10 chiêu thức trong môn đá cầu kiểng, như: Kỹ thuật đá AB, đá vòng số 4, đá vòng chân, vòng bình (cầu đá qua tay trong hình dạng ôm bình)… Tuy nhiên, một số động tác rất khó, người chơi phải luyện tập vài năm mới có thể thành thục. Đó là kiểu đá vòng Apsara, người chơi phải vừa đá trúng cầu vừa tạo dáng như điệu múa Apsara của người Hindu.

Tùy theo năng khiếu, niềm đam mê và sự siêng năng của vận động viên mà quá trình luyện tập để thực hiện chiêu thức khác nhau. Có người mất vài tháng, cũng có người phải mất cả năm. Theo anh Đỗ Thế Nhân, mặc dù mới tham gia CLB hơn 1 năm, nhưng các kỹ thuật cơ bản anh đều nắm vững. Thời gian đầu tiếp cận với môn thể thao này, anh gặp nhiều khó khăn. Nhờ các anh, các chú hướng dẫn tận tình, đồng thời được tiếp cận với môn đá cầu từ trước, anh nhanh chóng thuần thục đá cầu kiểng.

Không chỉ là môn nghệ thuật

Dù mang tính chất biểu diễn, các CLB vẫn thường xuyên tổ chức giao lưu, thi đấu để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Ông Hiền cho biết, để thi đấu cầu kiểng, một đội cần 7 người. Các thành viên đứng trong vòng tròn được chia sẵn, sau đó thực hiện động tác, kỹ thuật chuyền cầu cho nhau. Tùy vào độ khó của “chiêu thức”, pha cầu lỗi… các đội sẽ được cộng hay trừ điểm. Kết thúc trận đấu, đội nào có tổng số điểm lớn hơn sẽ giành chiến thắng. “Nhờ thường xuyên luyện tập mà các thành viên trong CLB đều có kỹ thuật rất tốt. Ở mỗi giải giao lưu, thi đấu, CLB cầu kiểng Tân Phú đều đạt thứ hạng cao” - ông Hiền chia sẻ.

Môn thể thao này không những mang đến cơ hội được giao lưu, kết nối thêm nhiều bạn bè, mà còn giúp người chơi nâng cao sức khỏe, rèn luyện cơ thể dẻo dai, săn chắc. Đây là môn thể thao không kén người chơi. Già, trẻ, nam hay nữ đều có thể tham gia, không sợ gặp chấn thương như nhiều môn thể thao khác. Điển hình như ông Hiền, người theo đuổi môn thể thao này 33 năm. Trước đây, ông bị thoát vị đĩa đệm, nhờ kiên trì luyện tập mà hiện nay ông không còn dùng thuốc.

Những năm qua, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, CLB cầu kiểng Tân Phú có được nơi luyện tập khang trang, không còn luyện tập ngoài trời như trước. Mong muốn lớn nhất của các thành viên là ngày càng có nhiều người tiếp cận với môn đá cầu kiểng.

Đá cầu kiểng được cho là có nguồn gốc từ Campuchia. Tại Việt Nam, môn thể thao này xuất hiện từ trước năm 1975, do người Việt có thời gian sinh sống tại Campuchia du nhập về.

ĐỨC TOÀN