Nghề xưa nhưng không cũ!

02/05/2022 - 07:38

 - Thị trường điện tử ngày càng hiện đại. Các mặt hàng điện tử giá rẻ, thiết kế phù hợp, nhiều tính năng mới… liên tục ra đời. Chỉ cần vài trăm ngàn đồng là có thể sở hữu một món đồ mới. Nghề sửa chữa đồ điện gia dụng vì thế cũng vắng khách so với “thời vàng son” vào khoảng 10 năm trước.

Chị Kim Liên (34 tuổi, ngụ thị trấn An Châu, huyện Châu Thành) có máy xay sinh tố mua nhiều năm nhưng ít khi sử dụng. Vậy mà, khi có việc lấy ra dùng, không hiểu sao mà không xay được, cắm điện vào ngửi thấy mùi khét. “Sợ bị chập điện, tôi rút dây điện ra. Nghĩ là máy hư, nên tôi định hôm nào ra cửa hàng mua máy xay sinh tố mới. Vì sửa thì không biết tìm thợ ở đâu, mà cái máy nhỏ thế này, người ta có nhận sửa hay không… Thôi thì đi mua cái mới về cho tiện, khỏi đợi chờ mà giá cả cũng không là bao.

Nhưng chồng tôi nói, thôi cứ mang thử ra chợ kiếm người sửa, không có thì hãy mua máy mới. Vợ chồng chạy xe mấy vòng chợ và may mắn gặp một người thợ ngồi sửa đồ điện với cái tủ bé xíu. Người thợ nhận sửa cái máy. Đúng hẹn, 1 ngày sau, tôi quay lại thì máy đã được sửa như mới. Người thợ bảo rằng chỉ là máy hết than và gắn chưa vô khớp nên không xay được và có mùi khét. Bất ngờ hơn là tiền công sửa chữa 60.000 đồng, rẻ hơn rất nhiều so với tôi nghĩ” - chị Kim Liên cho biết.

Có những món đồ điện gia dụng nếu dùng đúng sẽ lợi hơn mua mới

Trước đây, ti-vi, đầu đĩa, máy cassette… là tài sản lớn và có giá trị nên khi hư hỏng người ta phải mang ra tiệm sửa. Nghề sửa đồ điện gia dụng vì thế trở nên rất “thịnh”. Sau một thời gian, trên thị trường tràn ngập các mặt hàng điện tử giá rẻ, mẫu mã thiết kế thay đổi liên tục. Những sản phẩm đời sau có nhiều tính năng hơn, nên người ta sẵn sàng mua đồ mới, ít chịu chi tiền để sửa cái bị hư hỏng như suy nghĩ của chị Liên. Nghề sửa đồ điện tử gia dụng vì thế dần trở nên “thất thế”. Vậy nên, thợ theo nghề này không còn nhiều, có chăng thì họ chỉ xem đây là công việc “tay trái”. Bởi thường, những món hàng sau khi dùng một thời gian thì xuống cấp hoặc hư hỏng, người ta sẽ nghĩ đến việc mua đồ mới nhiều hơn, vì giá không là bao.

“Để có thể sống được với nghề, người thợ theo nghề lâu năm, ngoài kinh nghiệm, cần phải tìm hiểu, học hỏi nhằm nâng cao kiến thức, sửa được những món đồ thiết kế ngày càng hiện đại. Có như vậy, mới “níu” chân khách hàng. Đến nay, những ai còn trụ lại với công việc sửa chữa đồ điện gia dụng đều là những thợ giỏi nghề. Bởi tất cả các loại hàng điện tử công nghệ cao, mới xuất hiện trên thị trường đều được người thợ nắm bắt để có thể sửa khi khách tìm đến. Có như vậy, người thợ mới theo nghề được đến hôm nay” - chú Kông (thợ sửa điện gia dụng, thị trấn An Châu) chia sẻ.

Nơi hành nghề của chú Kông rất đơn giản. Chỉ một cái tủ cây nhỏ để trưng bày và đựng dụng cụ cần thiết, thế là đủ. Những vật dụng nào hư ít hoặc đơn giản, chú sẽ hẹn khách lấy trong ngày; còn phức tạp hơn sẽ hẹn ngày lấy gần nhất. Cái nào sửa được, chú tranh thủ khoảng 1-2 ngày là điện thoại khách đến nhận, không thì báo ngay cho khách biết.

Có thể người ngoài nghề nhìn vào góc tủ của chú Kông sẽ cho là không ngăn nắp. Tuy nhiên, trong mớ hỗn độn ấy, dường như có một trật tự riêng, bởi chú có thể nhanh chóng lấy ra một con chíp hoặc cái ốc vít phù hợp với món đồ đang sửa. Theo chú Kông, khác với trước, tiệm sửa chữa đồ điện cỡ lớn không còn nhiều, chỉ còn những tiệm nhỏ hoặc những thợ sửa chữa hành nghề theo kiểu người trước cho người sau địa chỉ thợ đáng tin cậy.

Thị trường các thiết bị điện tử ngày càng đa dạng, hiện đại, có giá rẻ, thiết kế hợp thời trang, nhiều tính năng mới liên tục ra đời. Chỉ cần vài trăm ngàn đồng là có thể sở hữu một món đồ điện tử mới. Đồ điện tử có rất nhiều mạch điện nhỏ, đòi hỏi người phải rất tỉ mỉ. Các thiết bị điện tử dần trở nên tích hợp thu nhỏ, thông minh, người thợ cần sự khéo léo và không ngừng học hỏi mới thành công. Trên chiếc bàn nhỏ chú Kông làm việc luôn có 1 chiếc đèn chụp và la liệt những con vít, con chíp, bảng vi mạch điện tử, thiết bị điều chỉnh dòng điện. Theo chú Kông, đồ điện tử có những vi mạch, linh kiện nhỏ nên ngoài kiến thức nhất định, người thợ còn phải khéo léo, kiên nhẫn, tập trung cao.

Đồ điện gia dụng dễ mua mới, nhưng với gia đình lao động, việc sửa lại dùng, giúp họ tiết kiệm tiền. Hơn nữa, với nhiều người, vật dụng không chỉ cứ hư là mua mới. Vì với họ, đó không đơn thuần là món đồ để xài, mà còn là kỷ vật nên tìm mọi cách để sửa. Có lẽ đây là một trong những nguyên do để nghề sửa đồ điện gia dụng tuy cũ nhưng không “lỗi thời”! Và dù không còn “vàng son”, nhưng vì yêu nghề nên vẫn còn những người thợ lâu năm.

“Để sống được với nghề, phải làm cả những nghề khác nữa, vì khách tìm đến sửa không nhiều như xưa. Nhưng kỳ thực, những chiếc quạt điện, nồi cơm, bếp từ, máy xay sinh tố… bị hư chút ít, người dùng chỉ bỏ ít tiền để sửa là có thể dùng tiếp, tiết kiệm tiền mua đồ mới” - chú Kông chia sẻ.


PHƯƠNG LAN

 

Liên kết hữu ích